Mark Zuckerberg được cho là đang nắm quá nhiều quyền lực, đây là lý do khiến vị CEO trẻ tuổi trở thành vấn đề lớn nhất của Facebook.
Mới đây, cựu nhân viên Facebook – Frances Haugen, người đã cung cấp khoảng hơn 10.000 tài liệu cho các nhà lập pháp, Ủy ban Giao dịch Chứng khoán và tờ The Wall Street Journal đã xuất hiện trước công chúng vào cuối tuần trước và công khai chỉ trích mạng xã hội lớn nhất thế giới tại phiên điều trần cách đây ít ngày.

Haugen cho biết đã bắt đầu tìm hiểu về các tài liệu liên quan đến Facebook và chỉ ra những “chiêu trò” của mạng xã hội này để giữ chân người dùng và nó thực sự rất đáng sợ. Điển hình như việc Facebook biết về tác động tiêu cực của những tin tức giật gân, gây tranh cãu nhưng vì chúng đặc biệt thu hút nên vẫn được giữ lại trên nền tảng.
“Facebook đã nhận ra rằng nếu thay đổi thuật toán sàng lọc bớt thông tin tiêu cực, mọi người sẽ dành ít thời gian hơn trên mạng xã hội. Đồng thời họ sẽ ít nhìn thấy quảng cáo hơn, điều đó đồng nghĩa với việc Facebook sẽ kiếm được ít tiền hơn”, Haugen nói với phóng viên Scott Pelley của chương trình “60 Minutes”.
Tuy nhiên, tiết lộ tồi tệ nhất mà hầu hết mọi người đều đã biết: Vấn đề lớn nhất của Facebook là người sáng lập và CEO Mark Zuckerberg!
“Tôi dành rất nhiều sự đồng cảm với Mark”, Haugen nói. “Anh ta chưa bao giờ có ý định tạo ra một nền tảng gây thù hận. Nhưng cá nhân này đã cho phép các lựa chọn được đưa ra, mặc cho tác dụng phụ của những lựa chọn đó là nội dung gây thù hận, chia rẽ sẽ được nhiều người dùng nhìn thấy và tiếp cận hơn”.
Tuy nhiên, tờ Inc nhận định rằng Haugen có lẽ quá bao dung với Zuckerberg. Anh ta không “cho phép lựa chọn được đưa ra”, anh ta đã lựa chọn. Vấn đề lớn nhất của Facebook là Zuckerberg kiểm soát gần như hoàn toàn công ty. Nếu có điều gì đó không ổn, anh này hoàn toàn có thể thực hiện thay đổi và không ai có thể ngăn cản điều này xảy ra. Không có cổ đông đơn lẻ nào nắm quyền kiểm soát ở một công ty đại chúng lớn hơn Zuckerberg tại Facebook.
Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ, Haugen nói Facebook đã tạo ra một hệ thống “khuếch đại” sự chia rẽ và cực đoan, cũng như chọn cách tối đa hóa lợi nhuận thay vì thực hiện các biện pháp kiểm duyệt và bảo vệ người dùng trên nền tảng của mình, nhất là đối với trẻ em.
Như nhiều nhà sáng lập khác, Mark coi Facebook là “của mình”. Thực tế, mạng xã hội của hiện tại đang hoạt động chính xác như anh này mong muốn. Điều đó dẫn đến một vấn đề quan trọng: mọi thăng trầm đều phụ thuộc vào một nhà lãnh đạo.
“Chiến lược phụ thuộc lãnh đạo không hiếm trong môi trường doanh nghiệp. Họ có thể rất thành công trong việc đưa công ty tiến xa. Nhưng họ cũng không thể nhìn ra điểm mù khổng lồ từ những ‘ý tưởng tốt nhất’ của chính mình”, Inc bình luận.
Mark Zuckerberg luôn khẳng định Facebook là một nền tảng tốt đẹp, nơi để mọi người có thể chia sẻ mọi thứ. Ông mơ mộng về vùng đất mà mình tạo ra, nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Ngoài Haugen, không ít nhân viên cũ đã lên tiếng tố cáo Facebook. Họ nói mạng xã hội này biết rõ mức độ ảnh hưởng xấu đến thế giới là thế nào, gây ra những thiệt hại cho người dùng ra sao, nhưng vẫn cố tình duy trì để vận hành cỗ máy sinh ra lợi nhuận cao.

Tương tự, tờ The Guardian cũng cho rằng mọi hành động của Facebook thực tế cũng là hành động cá nhân của Zuckerberg.
“CEO Facebook tự tin rằng dù tư duy của mình có “khó nuốt”, nhưng nó lại là cần thiết để duy trì tính toàn vẹn trong chính sách phát ngôn của Facebook. Một số nhân viên từng cố thuyết phục Mark nghĩ lại về chiến lược này, nhưng anh này cơ bản là phớt lờ lời khuyên của họ”.
The Guardian
Với những hành động độc đoán, không ít lần các nhà đầu tư kêu gọi Zuckerberg rời vị trí điều hành. Theo hồ sơ của Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) năm 2019, gần 68% các nhà đầu tư Facebook yêu cầu người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất thế giới từ nhiệm. Dù tỷ lệ áp đảo, điều này mang lại rất ít tác dụng vì Zuckerberg kiểm soát đa số cổ phiếu, từ đó nắm gần như toàn bộ quyền biểu quyết trong công ty.