Với người đứng đầu là người gốc Việt có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các tập đoàn lớn, trung tâm R&D Grab đặt tại Việt Nam tập trung vào việc nghiên cứu đổi mới, sáng tạo ở 4 ngành chuyên sâu, hứa hẹn tạo ra nhiều kết quả có giá trị.
Trung tâm R&D Grab đặt tại quận 7, TP.HCM là một trong 6 vị trí nghiên cứu, sáng tạo chủ chốt của công ty – theo chia sẻ của hãng tại Việt Nam. Các trung tâm còn lại được đặt tại Seattle (Mỹ), Singapore, Bắc Kinh (Trung Quốc), Bangalore (Ấn Độ) và Jakarta (Indonesia).

Đội ngũ nhân sự tại các trung tâm R&D của Grab hoạt động theo hình thức phân phối. Các nhân viên ở đây cùng làm việc cộng tác trong những dự án mà có thể sẽ được áp dụng tại các quốc gia Grab đang hoạt động. Tất cả đều hướng đến mục tiêu chung là mang tới sự thuận tiện và cập nhật được các xu hướng phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của con người.
Ông Trần Đằng Vân – Giám đốc trung tâm R&D của Grab tại Hồ Chí Minh cho biết, trung tâm tại TPHCM tập trung vào 4 chuyên ngành nghiên cứu chính: Hệ thống quy mô lớn (Large-Scale System), Xử lý dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (Big Data, AI), Nghiên cứu chuyên sâu tương tác dữ liệu con người (Human-Data Interaction) để thiết kế, hiệu chỉnh giao diện giúp việc kết nối ngày càng dễ dàng và thân thiện hơn và phát triển các nền tảng mở (Open-Platform).
Trung tâm R&D Grab tại TP.HCM tập trung thúc đẩy sáng tạo đổi mới, tập trung vào phát triển một nền tảng mở, một siêu ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày, để giúp các đối tác có thể kết nối và tích hợp với các dịch vụ của họ.
Bên cạnh đó, trung tâm cũng chịu trách nhiệm thu thập dữ liệu người dụng, phân tích thói quen và nhu cầu của người dung địa phương, từ đó, đóng góp vào việc đưa ra những yếu tố quyết định về chiến lược kinh doanh và chiến lược phát triển của từng vùng, thành phố như thế nào.
Trung tâm hiện có 30 kỹ sư và đang tiếp tục tuyển dụng, dự kiến sẽ có 130 kỹ sư hoạt động tại trung tâm vào cuối năm 2018.
Chia sẻ về chiến lược nhân sự cho trung tâm nghiên cứu và phát triển của Grab tại TP.HCM, ông Trần Đằng Vân cho biết sẽ tận dụng nguồn nhân lực công nghệ, các tài năng công nghệ tại Việt Nam và khai thác kiến thức chuyên môn của họ để gia tăng trải nghiệm người dùng, đáp ứng nhu cầu của người dùng Việt Nam cũng như nâng cao trải nghiệm cho người dùng trên toàn khu vực.

Grab là một công ty trong khu vực có tầm nhìn lớn, tập trung giải quyết những thách thức của Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Điều này đòi hỏi sự kết hợp giữa hiểu biết sâu sắc về địa phương và nền tảng công nghệ tốt nhất. Triết lý của Grab là phát triển sản phẩm đặc thù cho các nhu cầu khác nhau tại các quốc gia. Đồng thời tập trung khai thác tài năng công nghệ chuyên biệt tốt nhất trên toàn thế giới, để nâng cao trải nghiệm người dùng và gia tăng hiệu quả vận hành cũng như hiệu quả của nền tảng mở của một siêu ứng dụng. Việc thấu hiểu văn hoá bản địa, thói quen người dùng địa phương dựa trên những dữ liệu thu được giúp phát triển Grab thành một siêu ứng dụng hàng ngày (Super App), đáp ứng nhu cầu người dùng và gia tăng hiệu suất kinh doanh hiệu quả cho các đối tác nhờ hiệu suất vận hành tối ưu nhất.

Trung tâm R&D Grab tại TP.HCM có diện tích 600 m2 và sức chứa 250 kỹ sư, kết nối trong một không gian chung với đội ngũ nhân sự của Grab Financial với 12 phòng họp, khu sinh hoạt chung tại tầng 18, toà nhà MapleTree Business Center, 1060 Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM. Trung tâm được thiết kế với không gian mở, có tính kết nối cao giữa các khu vực nhằm tạo điều kiện cho mọi người cùng sang tạo theo tinh thần của một công ty Start-up. Các thiết bị và vật liệu, đồ trang trí đều mang dấu ấn của Việt Nam như chất liệu tre, đền lồng… Các phòng họp được đặt tên theo các địa điểm khác nhau trên khắp Việt Nam: Bình Thuận, Ninh Thuận, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Lâm Đồng…
Grab đã có mặt tại 225 thành phố, trên 8 quốc gia. Ứng dụng Grab đã có hơn 100 triệu lượt tải xuống và phục vụ nhu cầu hàng ngày cũng như cung cấp cơ hội thu nhập cho hàng triệu người Đông Nam Á mỗi ngày.