Nhằm hiểu rõ hơn về thực tế của xu hướng điện toán đám mây hoá, vấn đề bảo mật cũng như cách thức để giúp doanh nghiệp tiếp cận giải pháp hiện đại để phục vụ tốt hơn việc vận hành, TechTimes Vietnam đã có cuộc phỏng vấn ông Nikhil Parambath, Giám đốc Mảng Ứng dụng, Khu vực Nam Á của Oracle để có được những câu trả lời rõ ràng nhất từ phía chuyên gia.
– TechTimes: Xin ông hãy nêu tên một số xu hướng công nghệ toàn cầu đang thống trị môi trường kinh doanh hiện nay.
Ông Nikhil Parambath: Về cơ bản, xu hướng công nghệ trên toàn thế giới khá tương đồng. Tất cả đều chung xuất phát điểm từ sự phát triển nhanh chóng của mạng Internet, từ đó cung cấp khả năng truy cập dữ liệu từ mọi nơi.
Điện toán đám mây là xu hướng hàng đầu. Mọi nhà cung cấp dịch vụ, dù quy mô lớn hay nhỏ, đều đưa một vài giải pháp điện toán đám mây vào danh mục sản phẩm của mình. Trong khoảng 2-3 năm trước, khi được hỏi về điện toán đám mây, hầu hết mọi khách hàng vẫn còn băn khoản liệu có nên chuyển đổi. Tuy nhiên, giờ đây, không ai còn đặt câu hỏi “nên hay không” nữa, mà thay vào đó, lại muốn biết phương thức và thời gian phù hợp để tích hợp công nghệ hiện đại này. Đây là một thay đổi vượt bậc.

Xu hướng thứ hai là Mạng lưới Vạn vật Kết nối mạng Internet (Internet of Things – IoT). Có thể hiểu với IoT, các thiết bị có thể trao đổi với nhau, cũng như với hệ thống trung tâm. Ưu thế này đã giúp việc cung cấp dữ liệu tức thời trở nên khả thi.
Nhờ đó, phương thức truy cập dữ liệu nguồn qua thiết bị hay cảm biến cũng thay đổi, giúp cung cấp dữ liệu tức thì. Xu hướng này đang dần tác động chuyên sâu vào suy nghĩ cần tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Xu hướng thứ ba là công nghệ ta thường thấy trong các câu chuyện khoa học viễn tưởng – Trí Tuệ Nhân tạo (Artificial Intelligence – AI). Thực chất, khái niệm về AI đã tồn tại khá lâu từ trước. Tuy nhiên, chúng đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Đặc biệt, công nghệ này đang vượt qua giới hạn gò bó, và được trực tiếp áp dụng trong hàng loạt doanh nghiệp. Nhờ AI, và dựa vào các thông số dự liệu, hệ thống có thể dự đoán trước được những tình huống có thể xảy ra, giúp nâng cao quá trình đưa ra quyết định kinh doanh chính xác. Với cấp độ cải tiến hơn, AI sẽ học lại được từ những quyết định trong quá khứ của doanh nghiệp, và đề xuất các phương án tối ưu hơn.
Đó chính là 3 xu hướng tất yếu hiện nay. Và quan trọng hơn cả, những xu hướng này đang tác động qua lại trực tiếp lên nhau. Dù đây đều không phải là những công nghệ quá mới lạ. Nhưng, việc tạo ra lượng dữ liệu liên tục, và đòi hỏi dung lượng điện toán lớn có thể lý giải cho việc vì sao AI hay IoT đều chưa thực sự đạt tầm ảnh hưởng lớn trong doanh nghiệp.
Với lợi thế của điện toán đám mây thì khác, dữ liệu có thể được lưu trữ ở Trung tâm Dữ liệu với sự quản lý chặt chẽ từ một đơn vị cung cấp dịch vụ như Oracle. Dung lượng điện toán được cung cấp như một dịch vụ, có thể tùy chỉnh linh hoạt cho phù hợp với yêu cầu của từng doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh nghiệp có thể khai thác và phân tích một lượng lớn dữ liệu, mà không cần đầu tư quá nhiều cho hệ thống phần cứng đắt đỏ. Đó chính nhân tố giúp cộng hưởng lợi ích của cả 3 xu hướng, tạo tiền đề cho sự chuyển hóa toàn cầu. Đây là xu thế chung của toàn thế giới, bao gồm cả những nền kinh tế mới nổi, như Việt Nam, Sri Lanka, Bangladesh, Pakistan hay Myanmar.
Trên thực tế, những nền kinh tế này thậm chí còn bắt kịp và hơi nhỉnh hơn với tốc độ toàn cầu, bởi họ chưa đầu tư quá nhiều vào các hệ thống cố định hiện hành. Do đó, những doanh nghiệp thuộc các nước này đơn giản chỉ cần tích hợp các Ứng dụng Điện toán Đám mây, và dần mở rộng quy mô theo đà tăng trưởng, mà không cần quá để ý đến việc bảo trì hệ thống CNTT hiện hành.
– Ông có dự đoán gì về tương lai của ứng dụng điện toán đám mây cho doanh nghiệp trong năm sắp tới?
Tôi không thể đưa ra một con số cụ thể. Tuy nhiên, với bối cảnh thị trường phát triển hiện nay, tôi tin rằng ngành điện toán đám mây tại đây sẽ tăng trưởng vượt bậc. Việt Nam đang có nhu cầu khá cao trong việc ứng dụng điện toán đám mây.
Như đã chia sẻ từ trước, giờ không còn là câu hỏi “nên hay không” nữa, mà doanh nghiệp đã hướng tập trung vào việc ứng dụng điện toán đám mây ra sao, và vào thời điểm nào. Oracle cũng đang mở rộng quy mô, cũng như đội ngũ nhân viên của mình, bởi chúng tôi đang chứng kiến tiềm năng rất lớn tại thị trường Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng những giải pháp Phần-mềm-như-một-Dịch-vụ (SaaS).

– Bảo mật thông tin luôn là một trong những mối quan tâm lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Với bối cảnh những vụ rò rỉ dữ liệu ngày càng phức tạp, liệu các giải pháp của Oracle có thể tự động nâng cấp, giúp ngăn chặn những nguy cơ tấn công mới không?
Với điện toán đám mây, bảo mật luôn là ưu tiên hàng đầu. Oracle luôn chú trọng việc quản lý dữ liệu. Thực chất, chúng tôi vẫn luôn đảm bảo tính năng bảo mật được tích hợp trong mọi giải pháp và dịch vụ của mình.
Danh mục giải pháp Đám mây của chúng tôi được bảo mật ở mọi tầng lớp điện toán – ngay từ các trung tâm dữ liệu, đến những ứng dụng người dùng doanh nghiệp có quyền truy cập. Chúng tôi buộc phải đề ra và tuân thủ hàng loạt các tiêu chuẩn bảo mật khác nhau, nhằm đảm bảo tính bảo mật tuyệt đối dẫn đầu thị trường hiện nay.
Với việc trao quyền truy cập dữ liệu dựa vào cấp bậc của nhân viên, hay quyền kiểm soát trên toàn nền tảng, chúng tôi hiện đang cung cấp lựa chọn mã hóa toàn bộ dữ liệu trên mọi tầng dữ liệu. Chúng tôi bảo vệ mạng lưới của mình với những công cụ bậc nhất, và cũng giới hạn quyền ra vào các trung tâm dữ liệu, với độ nghiêm ngặt tương tự như hệ thống bảo an ở “đại sứ quán”. Ngoài ra, chúng tôi cũng nỗ lực bảo vệ dữ liệu cho khách hàng bằng phương thức lưu trữ dữ liệu ở những môi trường hoàn toàn tách biệt cho từng khách hàng. Do đó, việc xáo trộn giữa các khách hàng là không thể xảy ra.
Bởi bất kỳ cuộc tấn công dữ liệu nào cũng gây ảnh hưởng rất lớn tới uy tín của Oracle, chúng tôi luôn đảm bảo mình có thể giữ khả năng bảo mật dữ liệu ở mức độ cao nhất.
– Tại Việt Nam, có một số người vẫn quan niệm rằng các giải pháp của Oracle rất khó để sử dụng. Ông nghĩ sao về nhận xét này?
Quan niệm của họ có thể đúng – nhưng chỉ là khi nói về các giải pháp cũ trước đây của chúng tôi thôi. Những giải pháp cố định hiện hành, không chỉ của riêng Oracle mà còn của mọi nhà cung cấp lớn khác, đều đã được thiết kế từ cuối những năm 80 – đầu những năm 90. Tại thời điểm đó, nguyên lý thiết kế rất đơn giản: Làm thế nào để nhập dữ liệu? Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, nhất là trong 10 năm trở lại đây, phương thức tiếp nhận thông tin của chúng ta đã thay đổi rõ rệt.

Chúng ta ngày càng tiếp nhận nhiều dữ liệu, nhiều thông tin, chứ không còn tạo ra chúng nhiều như trước nữa. Tư duy của chúng ta vì thế cũng đã thay đổi: Giờ, ta không còn là những người sản xuất ra thông tin nữa, mà chỉ là những người “tiêu dùng” chúng mà thôi. Bởi vậy, nguyên lí thiết kế ứng dụng cũng đã chuyển hóa.
Với Oracle, chúng tôi đã thay đổi toàn bộ giao diện người dùng của tất cả các giải pháp trên điện toán đám mây. Chúng tôi đã tái thiết kế mọi ứng dụng, từ Hoạch định Nguồn lực Doanh nghiệp (ERP), Trải nghiệm Khách hàng (CX), hay Quản lý Chuỗi Cung ứng (SCM), từ khoảng 8 năm trước. Hiện, các ứng dụng của chúng tôi đều có tính trực quan, tương thích với thiết bị di động, và độ tinh tế cao hơn hẳn. Nhân tố quan trọng nhất là nhằm đảm bảo trải nghiệm khách hàng tối ưu, mà vẫn có thể cung cấp đầy đủ công cụ cần thiết giúp triển khai mọi chức năng kinh doanh.
– Đâu là điểm khác biệt lớn nhất giữa ERP truyền thống với giải pháp Đám mây ERP của Oracle?
Theo tôi, đến thời điểm này, vai trò của ERP vẫn không thay đổi: đóng vai trò là nền móng của toàn doanh nghiệp. Thứ thay đổi thực chất là cách ta tiếp cận ERP. Ban đầu, ta thường muốn thu thập càng nhiều dữ liệu càng tốt. Những hiện nay, điều quan trọng khi đánh giá ERP lại là những thông tin chuyên sâu được đúc kết từ chính ứng dụng đó. Tính năng này sẽ giúp ta tập trung vào những việc quan trọng nhất. Từ đó, với tư cách là một người dùng, ta có thể hiểu rõ mình đang làm những gì, và việc nào mới là ưu tiên hàng đầu cần giải quyết.
Trước đây, chúng tôi từng phải cố gắng để tích hợp thật nhiều tính năng phức tạp, nhằm bao quát được mọi trường hợp có thể xảy đến. Tất cả khả năng kết hợp đều được đưa vào ứng dụng, khiến độ phức tạp ngày càng được nhân cao, từ đó gây khó khăn cho người dùng. Tuy nhiên, khi tái thiết kế lại các giải pháp Đám mây ERP, chúng tôi đã quyết định tối giản hóa chúng.

Theo kinh nghiệm và nghiên cứu của mình, chúng tôi đã loại bỏ những tính năng mà khách hàng không bao giờ sử dụng tới. Bởi vậy, ứng dụng ngày đã đơn giản và dễ sử dụng hơn rất nhiều. Với phiên bản tiêu chuẩn cơ bản trên nền tảng điện toán đám mây, quá trình triển khai vận hành ứng dụng cũng được giảm thiểu đáng kể.
Nếu trong quá khứ, khách hàng thường phải mất trung bình 9 tháng để triển khai hệ thống ERP, thì bây giờ, công đoạn này đã được rút ngắn còn trong vòng 3-4 tháng. Nhờ vậy, doanh nghiệp sẽ có thể khai thác thu hồi vốn đầu tư (ROI) nhanh hơn. Đó chính là điểm khác biệt mang lại nhiều lợi ích tối ưu.
– Việt Nam mới đây đã công bố kế hoạch trở thành một “Quốc gia Khởi nghiệp”, với mục tiêu 1 triệu công ty khởi nghiệp vào năm 2020. Liệu Oracle có những giải pháp đặc biệt nào giúp hỗ trợ những doanh nghiệp này không?
Tất nhiên, chúng tôi hiện đang có nhiều chương trình hỗ trợ dành cho các công ty khởi nghiệp. Khởi nghiệp, thực chất, chính là khách hàng lý tưởng nhất của điện toán đám mây, bởi những doanh nghiệp này thường không có đủ nguồn vốn để đầu tư tài sản cố định (CapEx), và đang tìm kiếm những giải pháp có thể cải tiến phù hợp với tốc độ phát triển của mình. Nhằm giúp khách hàng ứng dụng và khai thác các giải pháp điện toán đám mây, chúng tôi hiện đang có một đội ngũ mang tên Hướng đến Thành công Khách hàng Điện toán Đám mây Oracle (Cloud Customer Success – xem thêm tại đây), với mục đích hỗ trợ khách hàng chuyển đổi lên điện toán đám mây. Chúng tôi cũng cung cấp trường hợp ứng dụng tiêu biểu ngay trong dịch vụ, giúp các công ty khởi nghiệp tích hợp và triển khai ngay từ ngày đầu, mà không cần quá lo lắng về các quy trình phức tạp.
Lĩnh vực thứ hai chúng tôi đang hỗ trợ các công ty khởi nghiệp là cung cấp một hệ sinh thái hỗ trợ. Để làm được điều này, chúng tôi đã cho ra mắt Chương trình Thúc đẩy Điện toán Đám mây cho Khởi nghiệp của Oracle (Startup Cloud Accelerator Program). Đây là ý tưởng nhằm giúp đỡ những công ty khởi nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp về CNTT. Qua chương trình này, họ có thể tận dụng những công nghệ vượt bậc của Oracle, nhờ khả năng truy cập miễn phí vào toàn chuỗi dịch vụ điện toán đám mây hàng đầu thế giới của chúng tôi. Chương trình này được thực hiện bởi đội ngũ Nghiên cứu & Phát triển (R&D) dày dạn kinh nghiệm của Oracle. Đó sẽ là một bước đệm vững vàng giúp nâng cao năng lực của những công ty khởi nghiệp này. Nếu hứng thú với chương trình này, tôi hy vọng các bạn có thể trực tiếp truy cập trang web chính thức của Oracle để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết hơn.
Ông Nikhil Parambath là Giám đốc mảng Ứng dụng, Khu vực Nam Á, Tập đoàn Oracle. Với vị trí này, ông Nikhil Parambath phụ trách quản lý mảng kinh doanh Ứng dụng của Oracle thuộc các lĩnh vực Hoạch định Nguồn lực Doanh nghiệp (ERP), Trải nghiệm Khách hàng (CX), và Quản lý Nguồn Nhân lực (HCM), trên khắp 12 quốc gia thuộc toàn khu vực Nam Á, bao gồm Việt Nam, Bangladesh, Sri Lanka và Pakistan.
Ông Nikhil gia nhập Oracle vào năm 2012, với vai trò Giám đốc mảng Ứng dụng Edge, Khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Vị trí gần đây nhất của ông là Giám đốc mảng Ứng dụng Quản lý Chuỗi Cung ứng (SCM) trên Điện toán Đám mây, khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Nikhil cũng từng giữ chức vụ Giám đốc Chăm sóc Khách hàng Chính và Kênh Bán hàng trong giai đoạn đầu sự nghiệp của mình tại Oracle từ 2007 tới 2010.
Trước khi công tác tại Oracle, ông cũng từng làm việc tại SunGard với vai trò Giám đốc Chăm sóc Khách hàng Chiến lược, và tại Covansys (một công ty trực thuộc CSC) với vai trò Giám đốc Phát triển Kinh doanh, cũng như tại Ramco Sysmtems với vai trò Giám đốc Kinh doanh Trực tuyến.
Ông Nikhil hiện giữ Chứng chỉ Sau Đại học chuyên ngành Quản lý, thuộc Viện Quản lý Ahmedabad Ấn Độ (IIMA), và bằng Cử nhân chuyên ngành Kỹ thuật Sản xuất, thuộc trường Đại học Bombay, Ấn Độ.