Mục lục
Xu hướng smartphone tầm trung toàn màn hình đúng nghĩa dự kiến sẽ bùng nổ trong năm 2019, thay thế cho thiết kế màn hình notch (tai thỏ, giọt nước) và nốt ruồi (hay đục lỗ).
Smartphone tầm trung toàn màn hình (Full màn hình) được đánh giá cao hơn do phần “mặt tiền” nhìn rất thẩm mỹ. Cũng cần nói rõ hơn về thuật ngữ màn hình mới này, Full màn hình đúng nghĩa sẽ khác với kiểu toàn màn hình nửa vời mà một số nhà sản xuất hay quảng cáo cho smartphone màn hình tai thỏ, giọt nước hay nốt ruồi của mình. Có nghĩa là phần màn hình không bị gián đoạn bởi các chi tiết như camera selfie và các cảm biến cơ bản khác.
Vậy cơ duyên nào đã đưa đẩy các hãng di động sáng tạo ra được smartphone toàn màn hình đúng nghĩa như ngày hôm nay?
Người đi trước không bằng kẻ đến sau
Khi Apple ra mắt iPhone X vào tháng 9/2017, giới công nghệ và người tiêu dùng mới bắt đầu chú ý đến loại màn hình thường bị cho là khiếm khuyết, nhìn khá dị, với biệt danh “tai thỏ” tại Việt Nam (còn quốc tế gọi là notch). Nhờ cái rãnh này, Apple có thể tăng thêm diện tích hiển thị và trang bị cho iPhone X công nghệ camera . Tuy nhiên, do phần notch khá lớn nên nhìn mất thẩm mỹ.

Thật ra, Essential Products (do Andy Rubin, “cha đẻ” Android sáng lập) mới là hãng di động đầu tiên khai phá smartphone màn hình notch vào tháng 5/2017, thậm chí phần notch trên Essential Phone lại tỏ ra rất nhỏ gọn vừa đủ chứa camera selfie. Khách quan mà nói, phần tai thỏ trên iPhone X chiếm diện tích khá lớn là do phải chứa cảm biến 3D cho hệ thống nhận diện khuôn mặt Face ID.

Mặc dù nhận nhiều đánh giá không mấy tích cực nhưng màn hình tai thỏ của iPhone X đã mở đường cho các hãng Android khác mạnh dạng dõi theo xu hướng này cho đến hết năm 2018.
Màn hình giọt nước – phiên bản hoàn thiện của tai thỏ
Sau một khoảng thời gian chạy theo màn hình tai thỏ, cũng trong năm 2018, OPPO đã tiết chế lại phần notch cho nhỏ gọn, bắt mắt hơn, và kể từ đó thiết kế giọt nước (Water Drop) ra đời. Về cơ bản, màn hình giọt nước là tên gọi chung ở Việt Nam, chẳng hạn như Vivo cũng có phần notch tương tự nhưng hãng gọi là Halo FullView, còn Huawei gọi là Dewdrop,…
Thật bất ngờ, sản phẩm đầu tiên được trang bị màn hình giọt nước lại là mẫu máy tầm trung của OPPO với tên gọi F9. Ra mắt tại Việt Nam vào ngày 15/8/2018, OPPO F9 ngay lập tức thu hút được một lượng lớn người dùng nhất là giới trẻ đang cảm thấy phát chán với thiết kế tai thỏ.

Ưu điểm đầu tiên của màn hình giọt nước chính là khả năng hiển thị nội dung đầy đủ hơn và không bị lõm quá lớn như trên các smartphone tai thỏ khác. Bên cạnh sự ưu việt của thiết kế giọt nước, OPPO F9 còn bứt ra khỏi giới hạn 5.5 inch với màn hình lớn 6.3 inch, trong đó diện tích hiển thị thực tế chiếm đến gần 91% diện tích mặt trước, cùng với tỷ lệ khung hình 19.5:9 như những máy cao cấp.
Thứ hai, màn hình giọt nước mang đến nhiều giá trị thẩm mỹ, không chỉ giúp người dùng trải nghiệm được màn hình vô cực đúng nghĩa mà vẫn đảm bảo chất lượng của camera selfie – vốn là thế mạnh của hãng.
Màn hình đục lỗ
Màn hình đục lỗ, nốt ruồi hay được biết đến với tên thương mại là Infinity-O. Đây là kiểu thiết kế màn hình mới của Samsung với việc khoét một lỗ nhỏ hoặc lớn trên màn hình OLED để chứa camera selfie kép hoặc đơn.

Tuy nhiên, nếu camera đơn thì nhìn còn đỡ, chứ camera kép như trên Galaxy S10+ thì phần lỗ đen khá lớn nên nhìn tổng thể mặt trước chưa được hài hòa cho lắm, nhất là khi người dùng xem nội dung có nền màu sẽ làm nổi bật lỗ đen khá lớn.
Giải pháp cho chướng ngại camera selfie đã có
Nhiều nhà sản xuất đau đầu vì không biết nhét camera selfie ở đâu cho tinh tế nhất: Nhét vào notch thì bị chê tai thỏ xấu quá, còn khoét lỗ trên màn hình thì cũng không vừa lòng nhiều người khó tính. Thậm chí, Vivo và Nubia cũng đã có sản phẩm với ý tưởng bỏ hẳn camera trước, thay vào đó là trang bị thêm màn hình phụ ở mặt lưng để người dùng tận dụng camera sau mà selfie hoặc quay vlog

Tuy nhiên, rất khó để smartphone màn hình kép trở nên phổ biến trong năm 2019, do sự phức tạp và chi phí sản xuất tăng thêm. Các nhà sản xuất cũng cần giải quyết ba vấn đề: Cách khai thác màn hình thứ hai, phần mềm tùy chỉnh để có thể sử dụng màn hình ở cả hai mặt và dung lượng pin phải “khủng” để cung cấp năng lượng cho hai màn hình.
Cuối cùng OPPO cũng nghĩ ra được ý tưởng hết sức táo bạo nhưng rất sáng tạo chính là “tàng hình hóa” camera selfie. Hãng này đã chuyển toàn bộ cụm camera trước và sau cùng các cảm biến quét khuôn mặt 3D vào một hệ thống trượt ẩn phía sau màn hình của OPPO Find X. Bất cứ khi nào mở ứng dụng camera lên hay sử dụng tính năng mở khóa bằng khuôn mặt, hệ thống trượt này sẽ tự động bật lên để phục vụ việc chụp ảnh hoặc quét gương mặt và khi thoát khỏi ứng dụng camera hay quét gương mặt xong, hệ thống này cũng tự động được ẩn đi.

Cũng với thiết kế pop-up đó nhưng OPPO đã tinh chỉnh lại một chút cho hệ thống trượt để phù hợp hơn với F11 Pro (chỉ có camera selfie bật lên, còn camera kép sau nằm cố định ở mặt lưng), và kết quả thị trường di động đã có được một chiếc smartphone tầm trung toàn màn hình đúng nghĩa – một vẻ đẹp toàn diện cho mặt trước.
Smartphone toàn màn hình đúng nghĩa sẽ là tương lai của ngành di động
Có thể thấy OPPO đã làm rất tốt trong việc tối ưu hóa màn hình cho smartphone, để không chỉ có phân khúc cao cấp mà kể cả tầm trung cũng có smartphone toàn màn hình.

Lợi thế của thiết kế toàn màn hình không chỉ dừng lại ở giá trị thẩm mỹ mà còn mang đến cho người dùng sự trải nghiệm nội dung không bị giới hạn hay cản trở bởi các chi tiết nhỏ.
Theo đó, smartphone tầm trung toàn màn hình sẽ bắt đầu bùng nổ trong năm 2019 và kéo dài cho đến những năm tới. Thậm chí Samsung cũng đang rất nóng lòng tung ra thị trường một sản phẩm như vậy, và trong một cuộc phỏng vấn ngắn mới đây, Yang Byung-duk, Phó Chủ tịch điều hành Samsung Mobile Communication R&D Group Display, cho biết smartphone toàn màn hình đúng nghĩa của hãng sẽ xuất hiện trên thị trường trong một đến hai năm tới.