Kể từ khi bộ ba iPhone XS, XS Max và iPhone XR ra mắt, rất nhiều sự quan tâm, tìm hiểu eSIM là gì, chuẩn SIM này có gì đặc biệt? TechTimes sẽ cùng bạn khám phá nhé!
eSIM là gì?
eSIM là SIM điện tử hay còn gọi là SIM tích hợp, “SIM nhúng” trực tiếp trên bo mạch của điện thoại với một con chip siêu nhỏ. eSIM có ưu điểm là không chiếm nhiều diện tích và hỗ trợ đắc lực cho nhà sản xuất thiết bị tăng cường độ mỏng và dành chỗ cho các bộ phận khác nhằm làm tăng tính năng cho thiết bị.
Vì SIM được tích hợp trên bo mạch, nên eSIM cũng không có khay SIM. Do đó, người dùng không cần phải tháo lắp SIM mà chỉ cần thiết lập vài bước ban đầu để sử dụng.
Khác với công nghệ iSIM là ARM công bố cách đây không lâu nhé! iSIM sẽ liên quan tới cảm biến Internet Vạn Vật – Internet of Things và hiện chưa phải là công nghệ đại trà.
>> Xem thêm: Cách kích hoạt eSIM và Dual SIM trên iPhone XS và iPhone XR
Lợi ích của eSIM đối với các hãng sản xuất điện thoại
Như đã nói ở trên, việc không dùng SIM vật lý cũng như khay SIM sẽ giúp các hãng điện thoại tiết kiệm được rất nhiều diện tích để tích hợp thêm pin, cảm biến, và một số các linh kiện khác, ngoài ra việc loại bỏ SIM vật lý sẽ giảm đi nhiệt lượng toả ra. Hãng sản xuất có thể thoải mái thiết kế các linh kiện bên trong mà không còn phải lo lắng đến diện tích dành cho SIM nữa.
Vì có kích thước vô cùng nhỏ, chỉ bằng một phần của nanoSIM, nên đây chính là điểm khiến cho eSIM thích hợp với smartwatch, những thiết bị vốn nhỏ gọn, không có chỗ chứa một cái thẻ SIM. Mà đó cũng chính là bản chất tiến hóa của công nghệ: mọi thứ càng ngày càng nhỏ lại, tinh vi hơn.
Lợi ích của eSIM đối với nhà mạng
eSIM có thể giúp nhà mạng chuyển đổi gói cước, dịch vụ, thay đổi thông tin, tích hợp đầu số mới cực kì nhanh gọn mà không cần phải làm thủ tục rườm rà cũng như thay đổi SIM đang sử dụng. Tất cả chỉ cần thao tác từ xa, giúp tiết kiệm thời gian rất nhiều.
Lợi ích của eSIM với người dùng
Với người dùng hay đi du lịch, eSIM là một công nghệ cực kỳ tiện lợi vì nó có thể thêm gói cước mạng tại quốc gia bạn đang du lịch mà không cần phải bỏ SIM đang dùng ra, giúp bạn giữ được kết nối với người thân ở nhà. Ngoài ra, nó còn giúp bạn chuyển nhà mạng, thay đổi thông tin, thêm gói cước khuyến mãi một cách nhanh chóng, không cần phải thay đổi SIM nhiều lần, rất tiện lợi.
Ngoài ra, yếu tố không tháo được của eSIM đồng nghĩa với việc thiết bị sẽ không có khe hở để bụi/nước/tạp chất len lỏi vào bên trong phần cứng. Việc chuyển nhà mạng sẽ được thực hiện qua phần mềm hết, và khi eSIM trở thành một phần mặc định của thiết bị di động, cơ sở hạ tầng của nhà mạng sẽ trở nên gọn nhẹ, linh hoạt hơn nhiều.
Khuyết điểm của eSIM
Khuyết điểm lớn nhất của eSIM hiện nay là việc chúng chưa được tích hợp rộng rãi, hiện tại eSIM chỉ có mặt ở 10 quốc gia tập trung ở Châu Âu, dĩ nhiên là Việt Nam vẫn chưa được tích hợp công nghệ này. Muốn thành công, eSIM phải được sử dụng phổ biến hơn nữa.
Tương lai cho các thiết bị nhỏ gọn
Mới đây nhất eSIM đã được Apple tích hợp vào Apple Watch, giúp nó luôn kết nối với mạng di động, bạn có thể gọi điện ở bất kì đâu có sóng mà không cần điện thoại. Trong tương lai nó sẽ còn được tích hợp vào nhiều thiết bị thông minh hơn nữa, giúp bạn kết nối mọi lúc, mọi nơi, tiện lợi hơn rất nhiều.
Do đó, eSIM sẽ không chỉ nằm trên cổ tay bạn, GSMA – đơn vị đại diện cho các nhà mạng toàn cầu muốn biến eSIM thành quy chuẩn mới. Bên cạnh Samsung và Apple, một loạt nhà mạng nổi tiếng thế giới tuyên bố sẽ tham gia vào làn sóng eSIM. Dữ liệu mạng hiện có trên SIM truyền thống sẽ được đưa sang thiết bị sử dụng eSIM mới, có lẽ sẽ phải mất chút công sức thực hiện trong giai đoạn thử nghiệm đầu và chút thời gian để quen được với nhịp công nghệ mới.
Trong hệ sinh thái nhà mạng – thiết bị – SIM hiện tại, mỗi một máy lại dùng một kích cỡ SIM khác nhau. Khi quy về một mối, bỏ qua SIM vật lý là thiết bị trung gian phải có để kết nối điện thoại với nhà mạng, thay bằng một SIM siêu nhỏ nằm ngay bên trong thiết bị, mọi thứ sẽ tiện lợi hơn nhiều.