Một loạt các công ty công nghệ hàng đầu Australia đã ký một lá thư gửi Ủy ban hỗn hợp về Tình báo và An ninh của Quốc hội Liên bang Australia kêu gọi bãi bỏ dự luật chống mã hóa.
Theo phóng viên TTXVN tại Australia, một loạt các công ty công nghệ hàng đầu nước này bao gồm Atlassian, Canva, SafetyCulture, Blackbird và Airtree cùng với tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ khởi nghiệp StartupAUS mới đây đã ký một lá thư gửi Ủy ban hỗn hợp về Tình báo và An ninh của Quốc hội Liên bang Australia kêu gọi bãi bỏ dự luật chống mã hóa, đồng thời đề xuất 4 khuyến nghị nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng của dự luật này.
Theo Chủ tịch Công ty công nghệ Atlassian, Scott Farquhar, dự luật sẽ “bóp nghẹt” ngành công nghệ Australia và các công ty muốn hợp tác với chính phủ để sửa đổi dự luật.
Trước đó, tháng 12/2018, Chính phủ Australia đã thông qua dự luật chống mã hóa, có tên chính thức là Dự luật Hỗ trợ và Truy cập 2018, cho phép các cơ quan thực thi pháp luật truy cập thông tin liên lạc được mã hóa mà họ nghi có thể chứa tin nhắn từ các tên tội phạm.
Bốn khuyến nghị được StartupAUS đưa ra bao gồm dự luật chỉ áp dụng cho các nhà cung cấp truyền thông trong khi dự luật hiện nay áp dụng cho bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ điện tử nào có một hoặc nhiều người dùng tại Australia, có nghĩa là áp dụng đối với tất cả các công ty công nghệ của nước này.
Các khuyến nghị khác bao gồm dự luật chỉ áp dụng đối với các công ty, không phải đối với từng nhân viên, và cần định nghĩa rõ ràng một số thuật ngữ được dùng trong dự luật như “lỗ hổng hệ thống”, “hợp lý” và “theo tỷ lệ.”
Các công ty cũng yêu cầu giải thích rõ về “tội phạm nghiêm trọng”, chỉ nên giới hạn ở những tội phạm là mục tiêu nhắm tới của dự luật và là mối đe dọa thực sự và nghiêm trọng đối với quốc gia và người dân Australia.
Theo ông Farquhar, những khuyến nghị mà các công ty đưa ra không ảnh hưởng đến tinh thần của dự luật, đồng thời cho phép chính phủ vẫn đạt được mục tiêu của mình.
Trong khi đó, ông Daniel Petre, đồng sáng lập Công ty công nghệ AirTree Ventures cho rằng những khuyến nghị trên đưa ra nhằm mục đích thu hẹp phạm vi áp dụng của dự luật để không ảnh hưởng đến các công ty công nghệ một cách bừa bãi.
Theo ông, dự luật chỉ nên áp dụng đối với các công ty tham gia hệ thống nhắn tin và vô lý khi cho rằng một công ty Australia đang thu thập dữ liệu về bệnh tiểu đường có thể tiếp tay cho một tổ chức khủng bố.
Theo TTXVN