Tại Vietnam Security Summit 2025, Huawei nhấn mạnh tầm quan trọng của chuẩn hóa an ninh mạng và khả năng phục hồi hệ thống trong bối cảnh 5G phát triển mạnh mẽ.
Trong khuôn khổ Hội nghị Vietnam Security Summit 2025, ông Louis Lou – Phó Chủ tịch Bộ phận An ninh mạng và Bảo vệ quyền riêng tư của Huawei – đã có bài tham luận xoay quanh chủ đề “Xây dựng khả năng phục hồi và giảm thiểu rủi ro an ninh mạng”. Bài trình bày nhấn mạnh vai trò của chuẩn hóa và hợp tác toàn cầu trong việc bảo vệ hạ tầng số trước các rủi ro an ninh ngày càng phức tạp.
Sự kiện năm nay, diễn ra tại GEM Center (TP.HCM) với chủ đề “Bảo đảm an ninh mạng và tạo lập niềm tin trong kỷ nguyên số”, đã quy tụ hơn 1.000 chuyên gia, lãnh đạo doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Tại đây, ông Louis Lou đã chia sẻ quan điểm toàn diện về an ninh mạng, đặc biệt là các thách thức và giải pháp bảo mật trong bối cảnh 5G đang mở rộng ứng dụng trên toàn cầu.

Theo ông Louis Lou, các hệ thống hạ tầng thiết yếu – từ chính phủ, tài chính đến năng lượng, y tế – đang đối mặt với làn sóng tấn công mạng nghiêm trọng. Các ví dụ như vụ gián đoạn đường ống nhiên liệu tại Mỹ (2021), tấn công vào lưới điện Ukraina (2022), hay vụ đánh cắp dữ liệu tại Royal Mail (Anh) năm 2023, đều cho thấy tính cấp thiết của việc củng cố an ninh mạng.
Riêng với mạng 5G, ông cho biết việc áp dụng công nghệ mới như phân chia mạng (network slicing), điện toán biên (edge computing), ảo hóa và điện toán đám mây tuy mở ra nhiều tiềm năng, nhưng đồng thời cũng khiến rủi ro tấn công tăng cao. Do đó, khả năng phục hồi hệ thống – tức vẫn đảm bảo vận hành liên tục dù xảy ra sự cố an ninh – đã được nhiều quốc gia như Mỹ và các nước EU đưa vào chiến lược quốc gia.
Để đối phó, Huawei và các đối tác trong ngành đã tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các tiêu chuẩn bảo mật chung. Hai trong số các công cụ trọng yếu được ông Louis Lou đề cập gồm:
- NESAS (Network Equipment Security Assurance Scheme) – do GSMA và 3GPP phát triển – được hơn 20 quốc gia công nhận là tiêu chuẩn đánh giá an ninh cho thiết bị mạng.
- MCKB (Mobile Cybersecurity Knowledge Base) – bộ hướng dẫn an ninh mạng được dùng rộng rãi giúp các nhà mạng nâng cao năng lực bảo mật và khả năng phục hồi.
Huawei là doanh nghiệp đầu tiên toàn cầu vượt qua các bài kiểm tra bảo mật của NESAS/SCAS, và đã triển khai bảo vệ hơn 1 triệu trạm gốc 5G theo các tiêu chuẩn này. Ngoài ra, Huawei còn hỗ trợ nhiều nhà mạng toàn cầu ứng dụng MCKB theo lộ trình ba giai đoạn, từ thiết lập cấu hình bảo mật thiết bị, đến phát hiện truy cập bất thường và phát triển dịch vụ 5G an toàn theo từng ngành nghề.
Ông Louis Lou cũng nhấn mạnh đến việc đánh giá mức độ trưởng thành về bảo mật theo tiêu chuẩn ngành, dựa trên dữ liệu đầu cuối (E2E) với 9 danh mục và 239 tiêu chí kỹ thuật. Quá trình này bao gồm các bước: lập kế hoạch, tự đánh giá, phân tích lỗ hổng và tối ưu hóa hệ thống mạng.
Kết thúc phần trình bày, ông Louis Lou khẳng định Huawei cam kết đồng hành cùng Việt Nam trong việc triển khai mạng 5G an toàn, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế. Huawei không chỉ cung cấp công nghệ và giải pháp, mà còn tích cực hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kiến thức và khuyến khích sáng tạo nhằm xây dựng môi trường mạng bền vững và tin cậy.