Microchip mở rộng danh mục sản phẩm 64-bit với bộ vi xử lý PIC64HX, tích hợp bảo mật hậu lượng tử.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của điện toán biên mạng, với tốc độ tăng trưởng dự kiến hơn 30% trong 5 năm tới, các ngành hàng không vũ trụ, quốc phòng, công nghiệp và y tế đòi hỏi giải pháp nhúng ngày càng tiên tiến và đáng tin cậy. Để đáp ứng nhu cầu đó, Microchip Technology (Nasdaq: MCHP) đã giới thiệu dòng vi xử lý (MPU) mới PIC64HX, thuộc danh mục sản phẩm 64-bit của hãng. Dòng MPU này được phát triển để phục vụ các thiết kế biên mạng thông minh, nơi các hệ thống cần khả năng tính toán mạnh mẽ và kết nối an toàn.
PIC64HX sử dụng kiến trúc RISC-V 64-bit đa lõi, hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (ML). Điểm nổi bật của dòng sản phẩm này là tích hợp khả năng chuyển mạch Ethernet dựa trên TSN (Time-Sensitive Networking), giúp giảm độ trễ và đảm bảo tính chính xác trong các ứng dụng quan trọng. Điều này đặc biệt hữu ích cho các hệ thống yêu cầu hiệu suất cao, độ tin cậy và bảo mật, đồng thời hỗ trợ bảo mật hậu lượng tử – công nghệ quan trọng trong bối cảnh an ninh mạng hiện tại và tương lai.
Bộ vi xử lý PIC64HX cũng được thiết kế để tối ưu khả năng chịu lỗi, hiệu quả năng lượng, và khả năng mở rộng cho các hệ thống đa nhiệm. Theo ông Maher Fahmi, Phó Chủ tịch Bộ phận Giải pháp Truyền thông của Microchip, “PIC64HX là một bước đột phá về khả năng tích hợp, khi cho phép các nhà phát triển kết hợp tính toán và kết nối mạng trong một giải pháp duy nhất, giúp tối ưu hóa thiết kế, giảm chi phí và rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.”
Dòng MPU này được tích hợp sẵn bộ chuyển mạch Ethernet hỗ trợ các tiêu chuẩn TSN, như IEEE P802.1DP cho truyền thông trên bo mạch hàng không, IEEE P802.1DG cho hệ thống trên xe hơi, và IEEE/IEC 60802 dành cho tự động hóa công nghiệp. Với tám lõi CPU RISC-V SiFive Intelligence™ X280, PIC64HX hỗ trợ tính toán vector, cho phép tăng tốc các ứng dụng AI trong hệ thống đa nhiệm. Hơn nữa, phần cứng hỗ trợ kiến trúc WorldGuard giúp đảm bảo tính bảo mật bằng cách cách ly các tác vụ và phân vùng hệ thống.
Christophe Vlacich, Trưởng nhóm kỹ thuật của OHPERA Consortium, cho biết: “Thế hệ máy bay tiếp theo đòi hỏi sự đổi mới về công nghệ xử lý để phục vụ các nhiệm vụ quan trọng, từ điều khiển chuyến bay đến các hệ thống mạng cabin. Chúng tôi rất phấn khởi với sự xuất hiện của PIC64HX, một giải pháp mạnh mẽ về tính toán, kết nối và bảo mật, giúp định hình tương lai của ngành hàng không.”
Với sự phát triển của máy tính lượng tử, các thuật toán bảo mật hiện tại có nguy cơ trở nên lỗi thời. Do đó, các tổ chức trên toàn cầu đang đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ bảo mật hậu lượng tử. PIC64HX là một trong những dòng MPU tiên phong hỗ trợ các thuật toán mật mã hậu lượng tử theo chuẩn FIPS 203 (ML-KEM) và FIPS 204 (ML-DSA) của NIST. Điều này giúp đảm bảo khả năng bảo mật cho các hệ thống quan trọng, từ quốc phòng đến thương mại.
Microchip cung cấp bộ công cụ phát triển toàn diện dành cho PIC64HX, bao gồm các thư viện phần mềm, trình điều khiển và hệ điều hành mã nguồn mở như Linux® và RTEMS. Bộ vi xử lý này cũng hỗ trợ các phần mềm ảo hóa như Xen, cùng với bộ công cụ thiết kế và tài nguyên Mi-V của Microchip, giúp các nhà phát triển tận dụng tối đa các sáng kiến dựa trên RISC-V. Để giúp các đối tác giảm thiểu thời gian phát triển, Microchip còn cung cấp bộ kit dùng thử PIC64HX Curiosity Ultra +, cùng với các giải pháp bo mạch từ đối tác.
Microchip dự kiến sẽ cung cấp các mẫu MPU PIC64HX cho các đối tác vào năm 2025. Để biết thêm thông tin chi tiết, các khách hàng có thể liên hệ với đại diện bán hàng của Microchip.