TechTimes mở hộp và trên tay nhanh Apple AirTag: Mẫu phụ kiện nhỏ gọn giúp định vị đồ vật tối ưu cho người dùng sử dụng iPhone hoặc iPad.
Mở hộp Apple AirTag
Apple AirTag theo TechTimes là có cách đóng hộp khá gọn gàng với tông màu trắng chủ đạo và hình ảnh của sản phẩm được dập nổi ở mặt trước.

Sản phẩm sẽ có hai phiên bản: Đơn (1 cái) hoặc bộ 4 cái. Bên trong chúng ta sẽ chỉ có AirTag và tập giấy hướng dẫn sử dụng – “Rất bảo vệ môi trường”.

Trên tay Apple AirTag
Phải nói rằng trên hình đã gọn gàng nhưng trên thực tế Air Tag còn khiến TechTimes bất ngờ bởi kích thước rất nhỏ của mình. Ở một cái nhìn tương đối thì sản phẩm này chỉ bằng nắp chai nước suối mà thôi.

Mặt trước của Air Tag là một miếng thép hoàn thiện dạng bóng và có logo Trái Táo quen thuộc ở giữa, nhìn rất sang trọng và đẳng cấp.
Trong khi đó, mặt lưng được làm từ nhựa bóng và bo cong nhẹ về phần viền.

Nhôm và nhựa tưởng chừng như chỉ có điểm chung là bắt đầu bằng chữ “N”, thế nhưng trên Air Tag, chúng lại sở hữu cùng một đặc tính: “Chỉ cần thở nhẹ thôi là đã trầy và xước dăm”.
Gia Nguyên – Phóng viên TechTimes
Khi nhấn và xoay tròn phần nắp nhôm, chúng ta có thể thấy được “nội tạng” của Air Tag là một viên pin CR 2032 của Panasonic.

Theo TechTimes tìm hiểu, loại pin này chỉ có giá khoảng trên dưới 50 nghìn tại Việt Nam, dễ dàng mua được ở các cửa hàng điện hoặc trên chợ thương mại online.
Kết nối
AirTag sở hữu công nghệ kết nối bao gồm: UWB (Ultra Wide Band), NFC, Bluetooth. Nhìn vậy thôi chứ người dùng cũng không cần quan tâm đến các tên gọi nói trên làm gì, chỉ cần đưa chiếc iPhone hoặc iPad lại gần AirTag là thiết bị sẽ tự động nhận diện, tương tự như tai nghe AirPods trước đây.

Tính năng
AirTag hoạt động chủ yếu với hệ thống Find My của Apple. Tuy nhiên, các mẫu iPhone thế hệ mới (từ 11 trở về sau) được trang bị chip U1 mới tận dụng được toàn bộ tính năng của phụ kiện này.

Đầu tiên là tính năng Find My AirTag có cách hoạt động tương tự như Find My iPhone trước đây. Khi vào ứng dụng, một bản đồ sẽ hiện ra và thể hiện vị trí của điện thoại và AirTag để người dùng xác định vị trí.
Khi đến gần vị trí AirTag, người dùng có thể nhấn chọn “Phát âm thanh” để phụ kiện này kêu lên. TechTimes đánh giá âm lượng phát ra ở mức tương đối ở điều kiện trong nhà.

Với các mẫu máy có chip U1, việc tìm kiếm sẽ tiện lợi hơn khi hệ thống sẽ hiển thị mũi tên định hướng và khoảng cách với AirTag. TechTimes thấy tính năng này rất hay và cho kết quả chính xác.

Kết luận
AirTag có mức giá chính hãng là 799 nghìn đồng. Tuy nhiên đây chưa phải là số tiền người dùng cần phải chi để tận dụng món phụ kiện này.

Điều đầu tiên cần làm là một chiếc móc khóa để gắn AirTag vào các món đồ khác. Nếu như mua của Apple thì bạn sẽ tốn thêm kha khá, đặc biệt là phiên bản da.
Từ đó, các mẫu phụ kiện bên thứ 3 sản xuất chắc chắn sẽ rất “hot” trong thời gian sắp tới bởi mức giá rẻ hơn rất nhiều.
Bạn đọc có nhu cầu, có thể tham khảo AirTag tại hệ thống Di Động Việt theo đường link sau: https://didongviet.vn/apple-airtag