Tận dụng các nỗi lo ngại an ninh liên quan đến Huawei, hãng điện tử Samsung (Samsung Electronics) đang gấp rút rót thêm các nguồn lực vào mảng kinh doanh thiết bị mạng lưới viễn thông 5G.
Cơ hội hiếm có cho Samsung ở mảng viễn thông 5G
Hãng tin Reuters hôm 15-2 dẫn hai nguồn tin từ Samsung cho biết Samsung đã điều chuyển hàng loạt quản lý và nhân viên có năng lực cao từ mảng thiết bị cầm tay sang mảng thiết bị mạng lưới viễn thông.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh đối thủ Huawei đang chống trả các cáo buộc của Mỹ và một số nước phương Tây nói rằng thiết bị của Huawei có thể giúp Bắc Kinh tiến hành các hoạt động gián điệp, vì vậy, cần phải bị cấm sử dụng trong các mạng lưới 5G của họ.
Năm ngoái, Úc và New Zealand đã theo chân Mỹ khi tuyên bố cấm sử dụng thiết bị của Huawei để xây dựng các mạng lưới 5G ở trong nước do các lo ngại về an ninh quốc gia. Nhiều nước khác, đặc biệt là ở châu Âu, cũng đang cân nhắc một lệnh cấm tương tự khi Mỹ mở cuộc vận động thuyết phục các đồng minh châu Âu tẩy chay Huawei.
Về phần mình, Huawei liên tục phủ nhận các thiết bị của tập đoàn này áp đặt bất cứ rủi ro an ninh nào.
Khi nâng cấp lên mạng 5G, các công ty viễn thông thường trung thành với các nhà cung cấp thiết bị 4G của họ vì muốn tận dụng các thiết bị hiện tại để giảm thiểu chi phí. Song nhiều công ty viễn thông ở châu Âu, vốn sử dụng thiết bị của Huawei để xây dựng mạng 4G, giờ đây đứng trước áp lực chính trị phải chọn nhà cung cấp khác khi chuyển sang mạng 5G.
Cơn bĩ cực của Huawei mang lại cho Samsung một cơ hội hiếm có. “Chúng tôi đang củng cố mạng lưới kinh doanh để nắm bắt các cơ hội thị trường xuất hiện vào thời điểm Huawei hứng chịu các cảnh báo về an ninh”, một nguồn tin của Samsung nói.
Để tìm kiếm động lực tăng tưởng mới trong bối cảnh doanh thu mảng chip và smartphone bắt đầu suy giảm, Samsung đã lên kế hoạch đầu tư 22 tỉ đô la cho công nghệ di động 5G và các lĩnh vực khác như trí tuệ nhân tạo, sinh dược và linh kiện điện tử của ô tô.
Trong email gửi cho hãng tin Reuters, Samsung cho biết: “Samsung tập trung xây dựng niềm tin với các đối tác và giành vị trí dẫn đầu các thị trường 5G toàn cầu mà không quan tâm đến các công ty khác”.
Các khách hàng tiềm năng đang chú ý đến các nỗ lực của Samsung nhằm vươn lên trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho các mạng lưới không dây 5G và thu hẹp khoảng cách với tập đoàn thiết bị viễn thông số một thế giới Huawei cũng như các đối thủ nặng ký khác như Ericsson (Thụy Điển) và Nokia (Phần Lan).
Trong chuyến thăm Nhật Bản vào năm ngoái, Mari-Noëlle Jégo-Laveissìere, Giám đốc công nghệ hãng viễn thông Orange (Pháp) tỏ ra ấn tượng với tốc độ chuẩn bị triển khai mạng 5G ở nước này bằng cách sử dụng thiết bị của các nhà cung cấp ngoài Huawei bao gồm Samsung.
Orange đang hoạt động ở 27 thị trường và dựa vào Huawei như là nhà cung cấp thiết bị hàng đầu. Song trong năm nay, Orange sẽ hợp tác với Samsung để vận hành thử mạng 5G đầu tiên của Pháp. “Vào thời điểm này, Samsung đang dấn mạnh vào thị trường châu Âu”, một nguồn tin giấu tên tiết lộ.
Cơ hội lớn ở thị trường Ấn Độ
Thị phần các thiết bị viễn thông của Samsung trên thị trường toàn cầu còn tương đối nhỏ. Theo công ty nghiên cứu thị trường viễn thông Dell’Oro Group (Mỹ), Samsung chỉ nắm giữ 3% thị trường hạ tầng viễn thông toàn cầu, thấp hơn nhiều so với con số 28% của Huawei.
Samsung đang đàm phán với hãng viễn thông di động số một Ấn Độ Reliance Jio để nâng cấp mạng lưới của hãng này lên 5G.
“Chúng tôi không nghĩ tương lai mạng 5G còn xa ở Ấn Độ”, một quan chức của Samsung nói với Reuters. Vị quan chức này từ chối tiết lộ tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Nếu thắng được thị trường Ấn Độ, Samsung sẽ có cơ hội thu hẹp khoảng cách thị phần với các đối thủ về thiết bị 5G.
Các khách hàng của Samsung gồm các hãng viễn thông Mỹ AT&T Inc, Verizon Communications và Sprint.
Samsung đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị mạng 5G cho cả ba nhà mạng này. Samsung cũng bán thiết bị cho các nhà mạng Hàn Quốc và hợp tác với các nhà mạng Nhật Bản để thử nghiệm thiết bị 5G của hãng này.
Tuy nhiên, thị phần các thiết bị viễn thông của Samsung trên thị trường toàn cầu còn tương đối nhỏ. Theo công ty nghiên cứu thị trường viễn thông Dell’Oro Group (Mỹ), Samsung chỉ nắm giữ 3% thị trường hạ tầng viễn thông toàn cầu, thấp hơn nhiều so với con số 28% của Huawei.
Mảng kinh doanh thiết bị mạng lưới viễn thông mang về cho Samsung lợi nhuận hoạt động 870 tỉ won (770 triệu đô la) vào năm ngoái, trong khi đó, con số này ở Nokia và Ericsson là 1,2 tỉ euro và 1,85 tỉ euro. Huawei không công bố lợi nhuận ở mảng này.
Tìm kiếm tài năng
Một khó khăn lớn đối với Samsung là thu hút tài năng cho mảng thiết bị viễn thông vì lực lượng kỹ sư phần mềm ngày càng khan hiếm ở Hàn Quốc.
Hồi tháng 1-2019, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yeon đã ghé thăm bộ phận mạng lưới thiết bị viễn thông của Samsung. Tại cuộc họp kín trong chuyến thăm đó, Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong cũng là người thừa kế Samsung, đã đề nghị chính phủ hỗ trợ tuyển dụng các kỹ sư cấp cao.
“Chúng tôi cần các kỹ sư phần mềm và muốn hợp tác với chính phủ để tìm các tài năng phần mềm”, Phó Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae-yong, nói trong cuộc họp với Thủ tướng Lee Nak-yeon.
Mảng kinh doanh thiết bị mạng lưới viễn thông của Samsung đang sử dụng khoảng 5.000 người, theo một quan chức chính quyền TP Gumi, nơi Samsung đặt các nhà máy sản xuất.
Kim Young-woo, nhà phân tích ở công ty chứng khoán SK Securities, dự báo Samsung sẽ tuyển 1.000-1.500 nhân lực để phục vụ mảng thiết bị mạng lưới 5G trong năm nay.
Các chuyên gia cảnh báo Samsung có thể phải chật vật phát triển mạng lưới kinh doanh toàn cầu và bộ máy hỗ trợ cho mảng thiết bị viễn thông.
Bengt Nordstrom, Giám đốc điều hành hãng tư vấn viễn thông Northstream, nói: “Cách thức mà các hãng viễn thông mua các sản phẩm và dịch vụ từ các nhà cung cấp đòi hỏi rất nhiều thời gian và nguồn lực. Đó là lý do tại sao Ericsson và Nokia xây dựng đội ngũ nhân viên 100.000 người và Huawei có lượng nhân viên gấp đôi con số đó”.
Song Samsung đang theo đuổi tầm nhìn dài hạn. Hồi tháng 12 năm ngoái, Samsung đã gia hạn hợp đồng tài trợ thiết bị liên lạc không dây và vi tính kèm theo công nghệ 5G với Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) thêm 8 năm, kéo dài đến năm 2028. Một nguồn tin cho biết Samsung không muốn hợp đồng tài trợ này rơi vào các đối thủ Trung Quốc.
“Nếu Samsung thôi tài trợ cho các kỳ thế vận hội Olympic sau năm 2020, thì ai sẽ nhảy vào thế chân? Đó sẽ là Huawei”, nguồn tin này quả quyết.
Hôm 7-2, trả lời phỏng vấn Reuters, Bộ trưởng Tư pháp Na Uy Tor Mikkel Wara cho biết do lo ngại nguy cơ gián điệp nên Na Uy đang cân nhắc xem liệu có nên gạt bỏ Huawei khỏi nỗ lực xây dựng hạ tầng viễn thông 5G ở nước này như các nước phương Tây hay không.
Ông nói: “Chúng tôi chia sẻ các lo ngại tương tự như Mỹ và Anh, đó là các thành phần gián điệp tư nhân và nhà nước đang có mặt ở Na Uy”.
Hãng viễn thông nhà nước Na Uy Telenor, đang nắm giữ 173 triệu thuê bao ở 8 nước châu Âu và châu Á, đã ký hợp đồng lớn đầu tiên với Huawei vào năm 2009, một thương vụ mở đường cho Huawei mở rộng sự hiện diện ra toàn cầu.
Theo TBKTSG