Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Otago (New Zealand) đã phát triển một loại kính thông minh hỗ trợ người mù màu với tên gọi ChromaGlasses.
Mù màu là chứng bệnh ảnh hưởng đến khả năng nhận biết màu sắc của con người và hiện trên cả thế giới có khoảng 8% nam giới mắc hội chứng này, trong khi tỷ lệ này ở nữ giới là 0.5%. Người mắc hội chứng mù màu không thể nhận ra màu sắc nào, hoặc bị nhầm lẫn giữa màu đỏ và xanh lá cây, hoặc giữa màu vàng và xanh nước biển.
Theo Tobias Langlotz, người giữ vai trò chủ nhiệm công trình nghiên cứu trên cho biết, bệnh nhân mù màu sẽ gặp nhiều vấn đề khó khăn trong cuộc sống và chứng bệnh này có thể ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của họ.
Để giải quyết vấn đề nan giải mà những người mù màu gặp phải, nhóm nghiên cứu đã suy nghĩ đến công nghệ thực tế ảo tăng cường. Đây là công nghệ giúp người dùng nhìn thấy, cảm nhận và tương tác được với các vật ảo tại thế giới thật.
Về cơ chế hoạt động, kính thông minh ChromaGlasses dựa trên phương thức hiển thị hình ảnh gần giống như trong trò chơi Pokemon Go. Trong trò chơi này, ứng dụng sẽ dùng camera của điện thoại thông minh và tự động chèn lên màn hình hiển thị các nhân vật trong Pokemon.
Được biết, trên thực tế, ChromaGlasses được chế tạo dựa trên mẫu kính thông minh Epson Moverio BT – 300 và có chỉnh sửa một số chi tiết. Nhóm nghiên cứu đã thêm một chiếc gương bán mạ để bù lại việc camera không có góc nhìn trùng khớp với con ngươi. Gương bán mạ là gương cho phép tia tới đi qua một phần, phản chiếu một phần.
Kinh hoạt động bằng một phần mềm có khả năng xác định các phần của đồ vật có màu sắc mà mắt người dùng không nhận ra được, sau đó sẽ hiển thị màu sắc mà người dùng nhận biết được.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tác dụng của kính ChromaGlasses trên 19 tình nguyện viên và kết quả đạt được rất khả quan. Tuy nhiên, họ chưa có ý định thương mại hóa sản phẩm nói trên.
Theo VietQ/Quebec Science