Công ty ALE Nhật Bản sẽ phóng một vệ tinh dài khoảng 60cm chứa các viên bi vào quỹ đạo. Vệ tinh thường xuyên đi qua các thành phố lớn vào ban đêm để sẵn sàng tạo ra một trận mưa sao băng khi có yêu cầu.
Dù trông rất huyền diệu, mưa sao băng của ALE chỉ đơn giản là những viên bi có kích thước từ vài mm đến vài cm bay vào bầu khí quyển của trái đất, cháy sáng và biến mất trên bầu trời.
ALE có thể tái tạo hiện tượng thiên nhiên này bằng cách bắn các viên bi vào bầu khí quyển. Số lượng, kiểu cách cháy sáng đều được tính toán và kiểm soát.
Tuy nhiên, những viên bi nhân tạo của ALE được thiết kế để cháy sáng mạnh hơn, lâu hơn, nhiều màu sắc hơn thiên thạch tự nhiên tùy theo lựa chọn của khách hàng. Mưa sao băng nhân tạo kéo dài từ 5 – 10 giây và có thể nhìn thấy bằng mắt thường trong bán kính 100km.
ALE sẽ phóng một vệ tinh dài khoảng 60cm vào quỹ đạo. Nó sẽ mất nhiều tháng để vào đúng vị trí ở độ cao khoảng 500km trong thượng tầng khí quyển, nằm dưới lớp cao nhất của bầu khí quyển.
Mỗi vệ tinh sẽ chứa khoảng 300 – 500 viên bi, có khả năng quay theo quỹ đạo quanh Trái Đất trong 4 năm. Chúng sẽ thường xuyên đi qua các thành phố lớn vào ban đêm, sẵn sàng tạo ra một trận mưa sao băng khi có yêu cầu. Ngoài ra, vệ tinh này còn có nhiệm vụ thu thập dữ liệu về thời tiết cũng như tình trạng của khí quyển.
Hiroshima được lựa chọn làm nơi thử nghiệm đầu tiên vì thành phố này có cảnh quan đẹp, bầu trời trong và quang đãng.
Dự án này là sự kết hợp giữa nghiên cứu và giải trí, ALE nhận được sự hậu thuẫn của các tổ chức giáo dục như Đại học Tohoku và đại học Tokyo, chưa kể tới hỗ trợ về tài chính của các doanh nghiệp như FamilyMart và JAL.
Truyền thông Nhật Bản đã đặt câu hỏi rằng, liệu mưa sao băng nhân tạo có trở thành tiết mục mở màn cho Olympic 2020 ở Tokyo hay không? Okajima vẫn chưa đưa ra câu trả lời chính xác, tuy nhiên bà nói rằng: “Ngày nay con người chỉ cúi mặt xuống màn hình smartphone. Tôi muốn làm gì đó để họ phải ngước nhìn lên bầu trời”.
Theo Thời đại