Ông Phạm Hồng Phong – Giám đốc Điều hành, Oracle Việt Nam đã chia sẻ với TechTimes tại sao đáp án nên là sự kết hợp của cả hai nền tảng Multi-cloud và Hybrid.
Theo Gartner, cho đến năm 2021, hơn 75% các tổ chức quy mô vừa và lớn sẽ áp dụng chiến lược phát triển công nghệ thông tin sử dụng mô hình đa đám mây (multi-cloud) hoặc mô hình kết hợp (hybrid). Một câu hỏi được đặt ra cho việc áp dụng triển khai rộng rãi các mô hình này đó là: Đâu sẽ là lựa chọn phù hợp nhất cho tổ chức của bạn? Multi-cloud hay hybrid?

Ông Phạm Hồng Phong – Giám đốc Điều hành, Oracle Việt Nam
TechTimes: Theo ông, tại sao trong nhiều công ty, multi-cloud được coi là chiến lược hàng đầu khi chọn lựa cách tiếp cận triển khai?
Ông Phạm Hồng Phong – Giám đốc Điều hành, Oracle Việt Nam: Có 3 lý do chính khiến nhiều tổ chức đang áp dụng chiến lược multi-cloud. Thứ nhất, tính kinh tế. Việc lựa chọn các nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác nhau cho phép người dùng giảm thiểu chi phí và tối ưu tổng chi tiêu cho công nghệ thông tin. Thứ hai, lợi ích mà multi-cloud mang lại. Khi doanh nghiệp triển khai các khối lượng công việc khác nhau, họ sẽ có thể tối ưu những khác biệt trong từng dịch vụ đám mây được cung cấp. Từ đó, chiến lược multi-cloud cho phép công ty có thể linh hoạt sử dụng dịch vụ đám mây phù hợp nhất cho từng phần công việc riêng biệt. Thứ ba, tính khả dụng. Việc phân phối các ứng dụng giữa nhiều nhà cung cấp dịch vụ mang lại tính tiện lợi và khả năng phục hồi cao hơn cho doanh nghiệp khi có sự cố trên hệ thống đám mây.

Vậy, với các lợi ích của multi-cloud như trên, có cần thiết phải áp dụng mô hình kết hợp – hybrid nữa không?
Môi trường kinh doanh ngày nay đang phát triển nhanh chóng, cùng với chuyển đổi kỹ thuật số cũng diễn ra với tốc độ chóng mặt. Câu chuyện không phải là “hoặc một trong hai” – hoặc hybrid, hoặc multi-cloud. Thực chất, nó là việc tạo ra nền tảng phù hợp giúp doanh nghiệp đạt được lợi thế cạnh tranh dựa trên sự kết hợp cả hai chiến lược.
Multi-cloud chắc chắn đã trở nên phổ biến đối với nhiều doanh nghiệp. Ở mức độ cơ bản nhất, gần như tất cả các công ty đều sử dụng đồng thời nhiều đám mây – ví dụ như một máy chủ webmail song song với một công cụ hỗ trợ tăng năng suất trực tuyến. Sự kết hợp này đến từ việc hầu hết các doanh nghiệp đếu có một nền tảng siêu mở rộng ‘hyperscaler’ chính ưu tiên cho các phần công việc chính, rồi sau đó sẽ sử dụng thêm các đám mây khác nếu cần để đáp ứng yêu cầu về chi phí, khối lượng công việc hay tính khả dụng, như đã trình bày ở trên.

Đám mây lai (Hybrid cloud), còn được biết đến là đám mây phân tán (distributed cloud), là việc sử dụng các triển khai đám mây (cloud deployment) khác nhau – từ on-premises, private cloud cho đến public cloud, trong một số trường hợp có thể bao gồm cả multi-cloud – nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Sự chọn lựa này chủ yếu dựa trên nhu cầu của công ty khi phải vận hành hầu hết công việc quan trọng trên các phần mềm lưu trữ tại chỗ bởi các lý do liên quan đến quy định và hiệu suất, chẳng hạn như các công ty thuộc lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính và khu vực công. Tuy nhiên, việc sử dụng hybrid cloud cũng có thể được thúc đẩy bởi những yêu cầu về tốc độ xử lý hoặc mong muốn kiểm soát.
Cũng cần lưu ý rằng nhiều tổ chức đã và đang sử dụng các dịch vụ khác nhau từ các nhà cung cấp khác nhau nghĩ rằng mình đang vận hành trong môi trường multi-cloud. Thực chất, họ chỉ đang vận hành nhiều đám mây cùng lúc, chứ không phải vận hành theo mô hình đa đám mây multi-cloud. Việc không hiểu rõ các sắc thái của vấn đề và không tiếp cận nó một cách chiến lược thường hạn chế các CIO trong việc tối ưu lợi ích cũng như khả năng giải quyết tất cả khía cạnh của vấn đề.
Oracle đã thể hiện cam kết và gắn bó của mình với mô hình đa đám mây multi-cloud trong nhiều năm qua. Chúng tôi có quan hệ đối tác với Microsoft về tính tương tác của đám mây. Điều này cho phép người dùng kết nối gần như liền mạch các dịch vụ của Azure (như Analytics và AI) với các dịch vụ đám mây của Oracle (như Autonomous Database – cơ sở dữ liệu tự động). Bằng cách cho phép khách hàng chạy một phần khối lượng công việc trong Azure và một phần khác của cùng công việc đó trong Oracle Cloud, sự kết hợp trên mang đến trải nghiệm tối ưu hóa cao và cho phép khai thác tốt nhất từng đám mây, kèm theo đó là các tiện ích như quản trị danh tính và quyền truy cập đồng nhất, trải nghiệm đăng nhập một lần xuyên suốt và mô hình hỗ trợ cộng tác.
Vậy thì, để có được khả năng thích ứng, linh hoạt và kiểm soát chi phí tối đa, công ty có nên sử dụng kiến trúc multi-cloud hay không, chẳng hạn như chọn một nhà cung cấp kho lưu trữ đám mây và một nhà cung cấp khác cho giải pháp SaaS?
Trên thực tế, việc này – về cơ bản – là lựa chọn hình thức hoạt động phù hợp và tốt nhất cho khối lượng công việc cũng như hệ thống quản trị khối lượng công việc đó (một số công việc chỉ thực hiện được trên một môi trường đám mây nhất định). Ví dụ, Oracle là nền tảng duy nhất sở hữu cơ sở hạ tầng đám mây cung cấp Exadata dưới dạng dịch vụ đám mây. Vì vậy, nếu một công ty đang thực hiện các công việc quan trọng của họ tại chỗ trên Exadata và muốn tương hợp “vừa khớp ” các công việc này trên tiện ích đám mây, thì Oracle Cloud Infrastructure (OCI, cơ sở hạ tầng điện toán đám mây) sẽ là giải pháp tốt nhất. Thêm vào đó, các tổ chức sẽ tìm cách phân phối rộng năng lực và rủi ro trên các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây khác nhau.

Lấy Zoom làm ví dụ. Họ thực hiện phần lớn các hội nghị truyền hình của mình trên OCI và một hyperscaler khác. Một chiến lược multi-cloud toàn diện là khi một tổ chức có thể đạt được tỷ lệ giá – hiệu suất tốt nhất cho mỗi khối lượng công việc cụ thể với khả năng mua sắm từ các hyperscaler khác nhau. Cũng phải nói, không phải tất cả các hyperscaler đều sẽ cho phép khách hàng lựa chọn ứng dụng multi-cloud.
Còn đối với các phần công việc trọng yếu, chúng ta có nên giữ hình thức on-premise trong khi ngày càng nhiều quy trình kinh doanh phổ biến đang dần chuyển dịch lên đám mây hay không? Có thể coi hướng tiếp cận hybrid như một bước đi ít rủi ro và thông minh hơn?
Hiện nay, khách hàng vẫn đang bị ràng buộc trong việc lựa chọn nên giữ phần công việc nào tại chỗ on-premise và phần nào để chuyển dịch lên đám mây. Để giúp giảm bớt gánh nặng trong việc chọn lựa, chiến lược của chúng tôi là cung cấp cho khách hàng trải nghiệm, hệ thống dịch vụ, thẻ giá và bộ các chứng nhận một cách liền mạch, xuyên suốt, bất kể khi công việc đó được triển khai trên đám mây công cộng (public cloud) hay cơ sở hạ tầng kết hợp tại chỗ (hybrid infrastructure on-premises).

Để giải quyết vấn đề này, trong năm vừa rồi, Oracle đã cho ra mắt Giải pháp Dedicated Region Cloud@Customer. Đây là giải pháp nhằm giúp thu hẹp khoảng cách giữa đám mây và môi trường tại chỗ. Không giống các dịch vụ đám mây tại chỗ khác chỉ cung cấp một tệp rất nhỏ các dịch vụ có sẵn trong khu vực đám mây công cộng (public cloud regions) của họ, Oracle cung cấp hơn 50 dịch vụ tại chỗ có sẵn để doanh nghiệp có thể sử dụng các dịch vụ đám mây của Oracle ở bất cứ nơi nào họ cần – bất kể là trên đám mây hay on-premise.
Ngoài ra, Oracle còn cung cấp dịch vụ đám mây VMware, cho phép khách hàng để lại một phần tài nguyên trên cơ sở dữ liệu tại chỗ và chuyển dịch trực tiếp (live migrate) hoặc từng khối lên đám mây công cộng (public cloud). Họ có thể làm được điều này mà không cần phải nâng cấp hay thay đổi kỹ năng nhân sự, công cụ, quy trình và chính sách – và quan trọng là thực hiện với toàn quyền kiểm soát. Điều này có nghĩa, khách hàng có thể truy cập vào môi trường hybrid cloud chỉ trong một vài giờ mà không cần bất kỳ thay đổi hay rủi ro liên quan nào.
Cuối cùng thì, theo ông, đâu sẽ là hướng tiếp cận lý tưởng? Có phải là hướng tiếp cận “đa kết hợp” (multi-hybrid-cloud approach) hay không?
Multi-cloud giúp khách hàng phân tán sự phụ thuộc và rủi ro trên nhiều nhà cung cấp tiện ích đám mây khác nhau, từ đó giúp họ nâng cao hiệu suất cho các công việc đòi hỏi dịch vụ chuẩn xác mà chỉ có sẵn trên một đám mây cụ thể. Hướng tiếp cận này cũng mang lại cho khách hàng lợi thế thương lượng để đạt được tỷ lệ giá – hiệu suất xuyên suốt các hyperscalers.
Đối với các doanh nghiệp có quy định chặt chẽ hoặc đề cao tính bảo mật với khối lượng công việc đòi hỏi yêu cầu khắt khe về độ trễ (latency) và điều kiện cư trú dữ liệu (data residency), hybrid cloud sẽ mang lại lợi ích và trải nghiệm tương tự như nền tảng public cloud.
Với các tổ chức cần cả hai nhóm lợi ích kể trên, hầu hết sẽ cần một bản kế hoạch chuyển đổi kỹ thuật số tổng thể và toàn diện với một chiến lược cho cả hybrid và multi-cloud.
TechTimes xin chân thành cảm ơn ông!