Hiện nay, các chuyến bay giải cứu luôn là mối quan tâm đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Có một người bạn nói với mình, họ muốn bay về nước tuy nhiên lại sợ không an toàn vì lỡ không may có người bị nhiễm Covid-19 thì họ sẽ bị lây nhiễm chéo. Như vậy việc đi máy bay trong mùa dịch có thực sự an toàn?
[powerpress]
Trước hết, không thể phủ nhận Việt Nam là một trong những quốc gia chống dịch tốt và có kinh nghiệm chống dịch nhất (từ hồi dịch SARS kia chứ không riêng gì COVID-19), tuy nhiên, cập nhật thêm thông tin và luôn có biện pháp đề phòng là cần thiết, không bao giờ thừa cả. Thực ra tác giả đã nghĩ tới điều này khi lên kế hoạch đi du lịch trong thời gian tới và tự đặt câu hỏi – Rốt cuộc khi đi máy bay trong mùa dịch thì sợ cái gì nhất?
Những nỗi lo thực tế nhất mà mình nghĩ mọi người cũng có suy nghĩ giống tác giả:
1) Vô tình/bất khả kháng phải đi đến vùng gần tâm dịch.
2) Xui rủi đi chung chuyến bay với hành khách nhiễm bệnh.
3) Lên máy bay gặp phải người vô ý thức không tuân thủ quy định phòng dịch.
4) Tăng nguy cơ nhiễm bệnh khi tiếp xúc với nhiều người lạ.
5) Tăng nguy cơ nhiễm bệnh khi sử dụng dịch vụ và tiếp xúc phi hành đoàn (là nhóm người có nguy cơ phơi nhiễm cao). Trên thực tế thì mọi người cần thông cảm cho các anh chị tiếp viên hàng không, hoặc người làm trong phi hành đoàn, nhân viên sân bay… bởi họ đều chịu nguy cơ nhiều hơn chúng ta đấy ạ, vì họ phải gặp hành khách đến từ nhiều nơi lắm.
6) Tiếp xúc với trang thiết bị, nội thất trên máy bay mang mầm bệnh vì không được vệ sinh sát khuẩn đúng cách.
7) Hệ thống điều hòa, lọc không khí trên máy bay có mầm bệnh!
8) Sức đề kháng suy giảm, dễ bị tấn công bởi các tác nhân ngoại lai (không riêng COVID-19 nhé, những bệnh lây qua hô hấp khác cũng dễ bị).
8 nguy cơ ở trên đều rất dễ gặp phải, trong đó có những cái chủ quan, và những cái khách quan. Ví dụ như chuyện điểm đến là ở đâu, sức đề kháng của bản thân như thế nào, nó là cái chủ quan, bạn có thể tự tính toán hoặc dự phòng trước cho bản thân. Tuy nhiên, những yếu tố khách quan lại chiếm phần đa số và bạn buộc phải tìm hiểu kỹ trước khi đi vì nó không thuộc phạm vi kiểm soát của bạn nữa rồi.
Chính vì thế mà người ta cần đặt ra bộ tiêu chuẩn quốc tế về phòng dịch (ví dụ tiêu chuẩn của Liên minh hàng không toàn cầu SkyTeam)

Đầu tiên xin giải thích SkyTeam là 1 trong 3 liên minh hàng không lớn nhất thế giới (còn lại là Star Alliance và Oneworld), họ được thành lập bởi nhiều hãng hàng không của các quốc gia khác nhau, đây cũng là một trong những đơn vị đầu tiên đặt ra quy chuẩn về phòng dịch để đảm bảo an toàn cho hành khách. Vì vậy, mình xin lấy bộ tiêu chuẩn của SkyTeam để làm hệ quy chiếu cho dễ diễn đạt.
Đơn giản mà nói, bộ tiêu chuẩn đối phó mùa dịch sẽ tập trung vào 4 khâu của một chuyến bay, gồm: trước chuyến bay, tại sân bay, trên máy bay và sau khi xuống máy bay. 4 khâu phòng dịch này càng nghiêm túc, chi tiết, thì hành khách là bạn càng được an toàn, những nỗi lo của hành khách tất nhiên cũng bao gồm trong 4 khâu này chứ không sai chạy đi đâu được.
Bởi SkyTeam là liên minh bao gồm 1 số hãng hàng không 4 và 5 sao, nên quy chuẩn của họ cũng khá cao. Ít nhất, nếu bản thân bạn và hãng hàng không bạn chọn đi cũng đáp ứng các quy chuẩn này, thì bạn có thể yên tâm phần nào rồi nhé.
1- Trước chuyến bay
Về phần bạn, hãy lắng nghe và quan sát, cập nhật thật kỹ thông tin theo thời gian thực, thông qua website, các kênh truyền thông của hãng, lưu ý lựa chọn hoàn tất các thủ tục từ xa cho nó an toàn. Tiếp theo, hầu hết các hãng hàng không Việt Nam đều có trang bị đồ bảo hộ y tế cho nhân viên, phi công, tiếp viên, vượt quy chuẩn của SkyTeam đề ra (chỉ mang khẩu trang).

Vietnam Airlines có đào tạo riêng cho nhân viên quy trình sát khuẩn tay + bố trí đội bay riêng cho mỗi đường bay (nhằm hạn chế lây chéo nếu có). Chi tiết này được mình đánh giá cao điều đó. Bởi ngay cả khi xuất hiện ca dương tính thì cũng có thể cô lập được nhanh chóng.
2- Tại sân bay (Trước khi bay)
Khi đi máy bay mùa dịch, bạn hãy chú ý khâu đo thân nhiệt hành khách, SkyTeam đề ra quy chuẩn là thực hiện đo thân nhiệt khi nhà chức trách yêu cầu (Việt Nam có yêu cầu). Vì vậy, bạn hãy đảm bảo bản thân và những người đi cùng mình đều tuân thủ giãn cách và có đo thân nhiệt đàng hoàng. Sau đó quan sát các nơi có bố trí dung dịch sát khuẩn để dùng khi cần. SkyTeam cũng yêu cầu hãng hàng không sát khuẩn trang thiết bị và dụng cụ phục vụ du khách nhiều lần trong ngày.
3- Trên chuyến bay

Đây là giai đoạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, mọi người hãy cẩn trọng. Ở khâu này, SkyTeam đã đề ra 4 quy chuẩn, bao gồm:
• Cung cấp khăn kháng khuẩn cho khách (chỉ Vietnam Airlines có).
• Đảm bảo tổ bay và hành khách luôn đeo khẩu trang (cái này nhiều khi gặp khách không hợp tác, họ không chịu đeo, đừng ngại nhắc nhở và báo cáo cho tiếp viên/tổ bay nếu có trường hợp này xảy ra).
• Điều chỉnh dịch vụ theo hướng hạn chế tiếp xúc.
• Máy bay có trang bị màng lọc không khí HEPA*
(*) HEPA là gì? là bộ lọc, có khả năng lọc được 99,95% theo chuẩn Châu u, hoặc 99,97% theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, các hạt có kích thước lớn hơn hoặc bằng 0,3 micromét (µm).
Vấn đề là máy bay nào đạt chuẩn của SkyTeam cũng có HEPA cả nhưng tác giả không chắc họ có vệ sinh màng lọc này thường xuyên không, bởi sau nhiều chuyến bay, mọi thứ mầm bệnh đều có thể lưu lại trong đó và ảnh hưởng đến hành khách. Câu chuyện về cái màng lọc này thì hồi tháng 7 năm 2020, vụ chuyến bay đặc biệt chở 219 lao động Việt Nam, trong đó có hơn 100 người dương tính với nCoV tại Guinea Xích đạo hạ cánh ở sân bay Nội Bài thì Vietnam Airlines đã phải thay mới luôn cái màng lọc của máy bay Airbus A350.
Hiện tại thì họ duy trì vệ sinh thường xuyên sau mỗi chuyến bay. Các bước vệ sinh hoặc thay mới bộ lọc HEPA cũng không đơn giản, tốn kém thời gian và chi phí, yêu cầu ít nhất 2 nhân viên kỹ thuật có kinh nghiệm làm việc trong khoảng 2 giờ mới xong. Vietnam Airlines đảm bảo được quy trình này thì chứng tỏ được uy tín của hãng, mà khách hàng cũng yên tâm mỗi khi bước lên máy bay.
4- Sau chuyến bay:

Đây là khâu dễ bị lơi lỏng nhất khi di chuyển bằng máy bay mùa dịch, nó cũng không phải trách nhiệm của hành khách mà hoàn toàn thuộc về hãng hàng không. Bạn bước xuống khỏi máy bay rồi là hết, nên bạn không biết người ta làm gì sau đó. Quy chuẩn của SkyTeam cũng hoàn toàn không quy định gì về khâu này. Đồng thời, chúng ta dường như mù tịt về quá trình xử lý sau chuyến bay của các hãng hàng không nội địa vì nó không được công khai, hoặc đơn giản là do hãng đó không xây dựng được quy chuẩn cho riêng mình. Một số thông tin mà tác giả cập nhật được bao gồm như sau (chỉ có Vietnam Airlines áp dụng):
1) Phun khử khuẩn toàn bộ máy bay: Áp dụng với các chuyến bay từ Nội Bài, Cát Bi đến Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất. Các chuyến bay khác thì sẽ được khử khuẩn khi máy bay này tiếp đáp tại Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất.
2) Vệ sinh trang thiết bị bằng dung dịch kháng khuẩn: Mọi chuyến bay không xuất phát từ Nội Bài, Cát Bi được sát khuẩn bằng khăn tẩm dung dịch sát khuẩn ngay sau khi hạ cánh.
3) Khử khuẩn tai nghe bằng tia cực tím.
4) Phun khử khuẩn toàn bộ máy bay vào cuối ngày, ủ thuốc qua đêm.
Lưu ý thêm 1 chút thì liên minh SkyTeam cũng bao gồm các hãng hàng không lớn khác như Aeroflot (Nga), China Airlines, Garuda Indonesia, Korean Air… Vietnam Airline là hãng hàng không Việt Nam duy nhất nằm trong một liên minh quốc tế, đồng thời cũng được đánh giá mức 4 sao theo thang đo 5 cấp độ của Tổ chức xếp hạng hàng không Skytrax. Thế nên không thể phủ nhận rằng trong thời điểm đi máy bay mùa dịch này thì đi Vietnam Airlines sẽ thấy an tâm hơn.
[powerpress_subscribe]