Trước đây mọi thông tin về những chiếc điện thoại mới sắp ra mắt thường được các nhà sản xuất giữ kín. Nhưng đến nay, họ còn chủ động công bố trước cho khách hàng.
Một ngày nữa hãng điện thoại Samsung mới chính thức ra mắt chiếc Galaxy S10 của mình nhưng đến lúc này, mọi người đều biết Samsung sẽ bắt đầu giao hàng cho khách đặt từ ngày 8/3. Thậm chí có những đoạn video đầy đủ về trải nghiệm sử dụng máy cho đến giá bán xuất hiện khắp mọi nơi trên Internet.
Trên trang web thông cáo báo chí của mình, Samsung cũng khẳng định lại thông tin về việc khi nào máy sẽ bán chính thức: “Chúng tôi biết rằng các bạn đang biết điều gì sắp diễn ra”.
Vậy mọi người biết các kế hoạch không được công bố của Samsung từ đâu? Câu trả lời đến từ các blogger công nghệ chuyên tung tin rò rỉ như evleaks, Roland Quandt. Bắt đầu từ những thông tin chung chung như hình ảnh của bản đăng ký sở hữu trí tuệ đến thông số kỹ thuật, hình ảnh chi tiết và cuối cùng là giá bán, kế hoạch phân phối.
Một trường hợp ngược lại với Samsung là LG. Thay vì cố gắng giữ bí mật về sản phẩm họ đã công khai ngay các chi tiết về sản phẩm trước ngày ra mắt như tên chiếc điện thoại mới của họ là G8 ThinQ với công nghệ màn hình OLED có khả năng truyền rung động để phát âm thanh thay loa. Có cổng tai nghe với chip giải mã quad-DAC cùng hệ thống nhận diện mặt 3D.
Xét về mặt truyền thông, việc họ không cố gắng giữ bí mật thiết bị của mình cũng mang đến tác dụng là khiến khách hàng phấn khích hơn về sản phẩm trước khi ra mắt.
Còn các nhà sản xuất Trung Quốc, họ còn táo bạo hơn đó là công bố cả hình ảnh của sản phẩm trước lễ ra mắt ví dụ như Vivo.
Trang TheVerge cho rằng mục tiêu của Vivo là cố thu hút sự chú ý của khách hàng. Hình ảnh máy sẽ có tác dụng thị giác rất tốt về thiết kế và khiến khách hàng muốn được trải nghiệm chiếc màn hình trọn vẹn phía trước.
Thị trường mà Vivo đang hướng đến là châu Âu và Ấn Độ. Đối thủ của họ tại đây là Galaxy S10 nên chắc chắn hãng nào có một bức ảnh thiết bị đẹp, rõ ràng, hãng đó sẽ có được ấn tượng trước.
Còn ở nội địa Trung Quốc ra mắt thiết bị này, các nhà sản xuất còn gợi mở cho khách hàng về thế hệ sau của máy. Và thế hệ sau sẽ được ra mắt ngay sau đó 1 tháng tại một sự kiện khách ở nước ngoài. Tiêu biểu của cách làm này là Honor với chiếc View 20.
Hiện nay, mỗi nhà sản xuất đang chọn một cách riêng trong việc truyền đạt thông tin về sản phẩm của mình. Người dùng thì luôn muốn nắm thông tin về thiết bị càng sớm, càng đầy đủ càng tốt. Các nhà bán lẻ thậm chí còn muốn có sản phẩm để bán ngay trước ngày bán chính thức.
Có cầu ắt có cung, những người chuyên làm việc phát tán thông tin rò rỉ có việc để làm từ đây. Có người ngày ngày vào trang web của từng hãng xem có thông tin nào bị đăng nhầm, đăng trước ngày không. Có người lại làm quen cả các đối tác vận chuyển, các đơn vị kiểm thử để lấy mọi thông tin có thể. Bằng nhiều cách như vậy, mọi thông tin về một chiếc điện thoại sắp ra mắt sẽ dần hiện ra đầy đủ với người dùng.
Rò rỉ thông tin như vậy có gây ảnh hưởng nào đến doanh số bán máy không? Chưa có một đánh giá nào chính xác về việc rò rỉ thông tin sản phẩm có khiến doanh số giảm không. Nhưng có lẽ ảnh hưởng nhiều nhất chính là cảm xúc của người dùng.
Trước đây những sự kiện ra mắt điện thoại thường đường người dùng trông ngóng và theo dõi từ đầu đến cuối. Nhưng giờ mọi thông tin đều đã biết trước, có vẻ như khách hàng đang xem diễn kịch nhiều hơn là mong đợi sự bất ngờ.
Tất nhiên ngành di động thế giới vẫn có những thứ mới cần được công bố. Người dùng vẫn muốn xem chiếc điện thoại gập hoàn toàn của Samsung có gì hơn chiếc máy gập Flexpai của Trung Quốc không hay Sony lần đầu làm màn hình tỷ lệ mới sẽ như thế nào.
Và như vậy, các sự kiện ra mắt di động vẫn còn chút gì đó hấp dẫn người dùng.
Theo BizLIVE