Mạng 5G là gì? Tốc độ 5G nhanh như thế nào? Và nó sẽ thay đổi cuộc sống chúng ta như thế nào? Đó là những câu hỏi của người dùng được đặt ra khi càng nhiều hãng công nghệ áp dụng công nghệ 5G cho sản phẩm. Vậy thực hư thế nào, hãy cùng TIMESCAST tìm hiểu nhé!
[powerpress]
Mạng 5G là gì?
Trước tiên, để trả lời cho câu hỏi mạng 5G là gì? Hãy nhìn vào góc trên cùng của màn hình điện thoại, rất có thể bạn sẽ thấy ký tự 4G hoặc LTE. Điều này có nghĩa là bạn đang sử dụng mạng di động công nghệ 4G với tốc độ cao. Nếu bạn đi đến các vùng ngoại ô hoặc nông thôn, nơi vùng phủ sóng mạng di động kém hơn, ký tự mạng sẽ chuyển sang chữ 3G, với tốc độ kết nối mạng Internet trên di động chậm và kém ổn định hơn.
Giờ đây, mạng di động sắp được chuyển sang một thế hệ mới, với tốc độ kết nối nhanh hơn, phạm vi phủ sóng lớn và ổn định, đó là công nghệ mạng 5G.
Chữ “G” là viết tắt của Generation (thế hệ). 5G là thế hệ công nghệ di động thứ 5 (hoặc công nghệ mạng công nghệ di động thứ 5), là thế hệ tiếp theo của công nghệ di động thế hệ thứ 4 (4G), được thiết kế để cải thiện đáng kể tốc độ kết nối mạng Internet di động, độ phủ sóng và độ trễ của mạng di động.
Mạng 5G nhanh như thế nào?
Điều làm cho mạng 5G khác với các thế hệ mạng trước đây là nó hoạt động trên tần số vô tuyến cao hơn. Tần số cao nhất mà mạng 4G sử dụng là 2,6GHz. Trong khi đó, mạng 5G được truyền đi với tần số từ 3,5GHz đến 6GHz.
Đây là lý do tại sao 5G có thể cung cấp cho người dùng tốc độ download lên tới 10Gb/s, gấp 10 lần những gì 4G có thể đạt được. Điều này sẽ cho phép bạn tải xuống một bộ phim chất lượng cao qua mạng không dây chỉ trong vài giây chứ không phải vài phút như trước đây nữa.
Tất nhiên, Internet di động tốc độ cao không chỉ có tốc độ download, mà còn có độ trễ. Đó là độ trễ giao tiếp qua mạng, độ trễ thời gian giữa lúc bạn gửi lệnh, ví dụ như nhấn vào nút nào đó trên trang web và chờ trang web phản hồi, càng ít thời gian phản hồi thì độ trễ càng thấp. Trong khi 4G có độ trễ tối đa là 50 miligiây thì 5G đã giảm nó xuống còn 4 miligiây, mang đến cho bạn kết nối gần như tức thời trong mọi lúc.
Áp dụng thế nào cho cuộc sống?
Không chỉ có tốc độ mạng kết nối nhanh hơn, độ phủ sóng lớn và độ trễ nhỏ hơn, mạng 5G còn hỗ trợ số lượng thiết bị kết nối lớn hơn. Nếu 4G có thể kết nối 100.000 thiết bị trong phạm vi 1km vuông thì thế hệ mạng 5G có khả năng xử lý được 1 triệu thiết bị kết nối trong 1km vuông.
Những tính năng của mạng 5G giúp đáp ứng được xu thế của “Internet cho vạn vật” trong những năm tiếp theo. Hàng ngàn đồ vật hàng ngày, từ trong nhà đến nơi làm việc hay góc phố đều được gắn cảm biến để kết nối và chia sẻ dữ liệu. Mạng 5G với các ưu điểm về tốc độ nhanh, băng thông rộng, độ bao phủ lớn… sẽ giúp đáp ứng được điều này.
>> Kết nối 5G: Kỳ vọng và những mối lo
Công nghệ 5G sẽ áp dụng sớm?
5G đang là công nghệ được cả thế giới hướng đến, và Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhưng ứng dụng 5G trong thực tiễn vẫn còn là điều còn khá xa vời.
Về lộ trình triển khai 5G, các chuyên gia công nghệ cho biết sẽ có sự khác biệt so với phương thức triển khai công nghệ 4G trước đây. Cụ thể, nếu như mạng 4G được triển khai đồng thời trên phạm vi toàn quốc, tăng trưởng liên tục, rất nhanh, năm sau lưu lượng gấp đôi năm trước, thì mạng 5G với đặc thù là cuộc cách mạng, sẽ cần những hệ sinh thái rất đặc thù đi kèm, như cơ sở hạ tầng riêng, hệ sinh thái ứng dụng riêng, và sự vào cuộc từ các đơn vị phân phối.
>> Mạng 5G cách mạng hoá tương lai và smartphone tại Việt Nam được hưởng lợi gì?
[powerpress_subscribe]