YouTube dạo gần đây xuất hiện tràn lan các quảng cáo “Nhà tôi ba đời nhận chữa”. Vậy thực hư ra sao? Tại sao những quảng cáo này lại tràn lan trên YouTube? Những thuốc, thực phẩm chức năng này có thực sự hữu hiệu?
[powerpress]
Quản lý lỏng lẻo
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên những quảng cáo dạng này xuất hiện trên nền tảng YouTube. Từng có thời gian, hàng loạt các quảng cáo thuốc đông y không rõ nguồn gốc lan tràn trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau nhưng đã được chấn chỉnh kịp thời.
Thế nhưng, giờ đây chúng lại xuất hiện với tần suất dày đặc hơn, nhất là quảng cáo “nhà tôi ba đời nhận chữa”, gây ức chế lên người dùng YouTube.

Thậm chí, các video này còn được cắt ghép, dàn dựng với những đoạn clip gốc, phóng sự của nhà đài uy tín để chứng minh rằng đây là thuốc đặc trị, hữu hiệu, có uy tín. Những đoạn clip này tinh vi và chuyên nghiệp đến mức có cả người dẫn chương trình, phỏng vấn nhân vật và kịch bản hẳn hoi.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, dễ dàng trong kiểm duyệt quảng cáo cùng những kẽ hở thanh toán khiến YouTube trở thành mảnh đất lý tưởng để quảng cáo thuốc kê đơn, thực phẩm chức năng chưa rõ nguồn gốc có thể tung hoành. Các đơn vị bán thuốc này cũng rất chịu chi tiền cho YouTube do biên độ lợi nhuận bán hàng lớn.

Thực tế, nội dung quảng cáo thuốc bán kê đơn đã bị cấm trên nhiều nền tảng từ Facebook, TikTok… Chính Google cũng đang siết chặt chính sách quảng cáo thuốc kê đơn. Tuy nhiên,các đơn vị bán thuốc đã tìm được kẽ hở để có thể xuất hiện trên YouTube và một điều hiển nhiên, khi các nền tảng khác cấm nhưng YouTube lại không thì các đơn vị bán thuốc trên dồn toàn bộ ngân sách để chạy quảng cáo trên YouTube. Đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc quảng cáo này tràn lan trên YouTube.
Vậy thật sự những sản phẩm này có tốt không?
Câu trả lời của tác giả sẽ là không và thậm chí còn có thể gây hại cho người dùng. Nếu xét về góc độ khán giả, ta có thể thấy quảng cáo này phần lớn là giả lồng ghép logo của các nhà đài; cắt ghép video từ các nhà đài vào video gốc để người xem tin tưởng hơn vào công dụng “thần kỳ” của thuốc.
Chỉ từ điểm trên, chúng ta đã có thể kết luận đây là những thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc trôi nổi trên thị trường. Vì nếu như là thuốc có chất lượng và giấy phép thật sự thì đâu cần phải làm giả quảng cáo?
Các quảng cáo theo kiểu ‘Nhà tôi 3 đời nhận chữa…’ thực tế là giới thiệu thực phẩm chức năng và theo nguyên lý khoa học thì nó không có tác dụng chữa triệt để bệnh. Người dùng cần phải hiểu rõ thực phẩm chức năng chỉ có thể bổ trợ sức khỏe, hỗ trợ điều trị bệnh chứ không thể thay thế thuốc. Khi bạn dùng thực phẩm chức năng mà không biết thành phần của nó là gì, công dụng ra sao và chỉ tin những lời quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội sẽ cực kỳ nguy hiểm.
Trong khi đợi các cơ quan có thẩm quyền xử lý thì cách giải quyết tối ưu nhất thời điểm hiện tại là nên nâng cấp lên gói YouTube Premium để có thể thưởng thức nội dung mình mong muốn mà không kèm quảng cáo.
[powerpress_subscribe]