Đó là nhận định của ông Ralph Haupter, chủ tịch Microsoft Châu Á về trí tuệ nhân tạo (AI) và nền tảng giúp AI có thể phát triển theo chiều hướng tích cực.
Trên thế giới, trí thông minh nhân tạo đang dần được ứng dụng vào nhiều mảng mà con người chúng ta luôn cho rằng máy móc không thể làm được: từ y tế đến giáo dục, kiểm soát khí hậu và nông sản. Bằng việc kết hợp AI với sự khéo léo vốn có của con người, tiềm năng của mỗi cá nhân được tối đa hóa, từ đó đạt được những thành tựu đáng kể.
Các phòng nghiên cứu của Microsoft trên nhiều nước hiện đang cùng tìm kiếm phương thức chinh phục một trong những căn bệnh đáng sợ nhất của loài người – ung thư – không phải bằng những ống nghiệm và thiết bị y khoa, mà bằng chính công nghệ AI và máy học.
Bằng cách ứng dụng máy học và phân tích ngôn ngữ tự nhiên, chúng tôi hỗ trợ các bác sĩ chuyên khoa ung thư cá nhân hóa phác đồ điều trị ung thư cho mỗi bệnh nhân một cách hiệu quả hơn, thông qua việc phân loại các dữ liệu nghiên cứu một cách trực quan. Một phương thức khác mà Microsoft đang phát triển, đó là kết hợp máy học với thị giác máy tính (computer vision), giúp các nhà xạ trị hiểu hơn về quá trình phát triển của khối u, từ đó đưa ra các phương án điều trị.
Câu hỏi về niềm tin và đạo đức xung quanh trí thông minh nhân tạo
Không ai phủ nhận việc AI có thể giúp xã hội thay đổi theo chiều hướng tích cực. Tuy nhiên, để thực sự có thể phát huy hết sức mạnh, AI đòi hỏi việc thu thập, tổng hợp và chia sẻ một khối lượng dữ liệu khổng lồ. Chính điều này đưa ra những quan ngại về đạo đức, xoay quanh các vấn đề truy cập toàn cầu, bảo mật, quyền riêng tư, sự minh bạch và những vấn đề tương tự. Câu hỏi về mức độ tin tưởng của con người với công nghệ một lần nữa cần câu trả lời, với sự xuất hiện và thâm nhập hiện tại của AI.
Ở góc nhìn xã hội, khi AI vẫn đang tiếp tục là đề tài tranh cãi, làm sao chúng ta đảm bảo được sự công bằng? Liệu con người và tổ chức có nên chịu trách nhiệm cho những hệ thống sử dụng AI đang ngày càng trở nên tinh vi và thông minh hơn bao giờ hết?
Sẽ còn nhiều nữa những câu hỏi mà mỗi cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ sẽ phải suy ngẫm, phân tích và trả lời trước tốc độ phát triển vượt bậc của AI.
Chúng tôi tin rằng để có thể thực sự tận dụng hết khả năng của trí thông minh nhân tạo, chúng ta cần xây dựng một nền tảng của sự tin tưởng. Con người sẽ không dùng những giải pháp AI nếu không có sự tin tưởng cao về mức độ an ninh, bảo mật và an toàn,
Đặt niềm tin vào AI
Microsoft tin rằng bên cạnh sự minh bạch, an ninh, AI cần đề cao yếu tố bảo mật thông tin, với 6 yếu tố như sau:
- Quyền riêng tư và sự an ninh: Như tất cả các công nghệ đám mây, hệ thống AI cần tuân theo các quy định về quyền riêng tư, thu thập thông tin, sử dụng, lưu trữ và đảm bảo thông tin cá nhân được sử dụng theo quy chuẩn, cũng như đảm bảo việc những thông tin đó sẽ không bị đánh cắp hoặc sử dụng sai mục đích.
- Minh bạch: đối với mỗi hệ thống AI được đưa vào sử dụng, cơ chế hoạt động cần được cung cấp cụ thể, nhằm giúp người sử dụng hiểu rõ cách các kết quả được hệ thống đưa ra, từ đó dễ dàng xác định nếu có những kết quả sai lệch.
- Công bằng: Theo lý, hệ thống AI sẽ đưa ra cùng kết quả cho những điều kiện đầu vào giống nhau. Những bệnh nhân có cùng triệu chứng và dấu hiệu, sẽ nhận cùng phác đồ điều trị. Để đảm bảo sự công bằng này, con người cần hiểu rõ những ảnh hưởng của sự thiên vị đối với các hệ thống hoạt động trên nền tảng AI.
- Sự tin cậy: Hệ thống AI phải được thiết kế với những thông số rõ ràng và cần được trải qua những thử nghiệm nghiêm ngặt để đảm bảo rằng hệ thống có những phản hồi tích cực trong các trường hợp bất ngờ, và không đi lệch hướng so với dự toán của con người.
- Bao quát: Giải pháp AI phải giải được bài toán nhu cầu và trải nghiệm đa dạng của con người, tiên liệu được những rào cản về sản phẩm hoặc môi trường có nguy cơ loại trừ con người không chủ đích.
- Trách nhiệm: Những người thiết kế và triển khai các hệ thống AI cần phải chịu trách nhiệm về cách hoạt động của hệ thống. Định mức trách nhiệm cho AI nên dựa trên kinh nghiệm và thực hành từ các lĩnh vực khác như quyền riêng tư trong y tế. Nó cũng cần được nghĩ đến trong quá trình thiết kế hệ thống và trong những chuỗi quy trình hoạt động sau đó.