Chuyến bay chở khách đầu tiên sử dụng 100% nhiên liệu xanh cho một động cơ
Chiếc Boeing 737 MAX 8 của United Airlines khởi hành từ sân bay O’Hare (Chicago) đến sân bay Ronald Reagan (Washington D.C.) với 115 hành khách đã làm nên lịch sử khi là chuyến bay thương mại đầu tiên sử dụng 100% nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) cho một động cơ máy bay.
Nhiên liệu SAF được sản xuất từ nhiều loại nguyên liệu thô bền vững, trong đó có dầu thực vật, tảo, mỡ, chất béo, chất thải, cồn, đường, CO2 thu giữ và nhiều nguồn nguyên liệu cũng như quy trình thay thế khác. Theo ước tính của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, quốc gia này có đủ nguồn lực để sản xuất 50-60 tỷ gallon SAF mỗi năm, đủ sức đáp ứng nhu cầu nhiên liệu xanh hiện tại của ngành hàng không. Theo Statista, các hãng hàng không thương mại sẽ tiêu thụ khoảng 57 tỷ gallon nhiên liệu tính đến cuối năm 2021, giảm so với mức cao nhất là 95 tỷ gallon vào năm 2019. Khi chuyển từ xăng dầu sang SAF, ngành hàng không có thể giảm tới 80% lượng carbon phát thải trong toàn bộ vòng đời nhiên liệu – theo Tổ chức Hoạt động vận tải hàng không (ATAG) và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA).
Bên cạnh dòng động cơ LEAP-1B của CFM International (liên doanh giữa GE và Safran Aircraft Engines), GE cũng đang nghiên cứu sử dụng nhiên liệu SAF cho các dòng động cơ khác của mình. Những chuyến bay gần đây do Etihad Airways và British Airways khai thác đều sử dụng hỗn hợp nhiên liệu chứa SAF. Trong khi đó, GE Aviation cũng đang hợp tác với hãng hàng không Emirates cho các kế hoạch bay thử nghiệm bằng 100% nhiên liệu SAF vào năm 2022.
Chìa khóa ngăn chặn sự lây lan của ung thư
Yibin Kang – Giáo sư Sinh học Phân tử (ảnh chụp trong phòng nghiên cứu của ông vào năm 2017) đã cùng nhóm nghiên cứu của mình vô hiệu hóa thành công một gen liên quan đến sự lây lan của ung thư. Ảnh: Denise Applewhite, Văn phòng Truyền thông Đại học Princeton.
Các nhà nghiên cứu của trường Đại học Princeton đã tìm ra một hợp chất có thể ngăn chặn sự lây lan của ung thư vú, tuyến tiền liệt và các bệnh ung thư khác.
Ung thư di căn là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân ung thư. Chỉ tính riêng ung thư vú, căn bệnh này đã khiến hơn 40.000 người tử vong mỗi năm. Nguyên nhân chính tạo nên sự lây lan của ung thư là metadherin (MTDH) – một gen ít được biết đến và đã được các nhà khoa học của trường Đại học Princeton phát hiện trong một nghiên cứu trước đó. Trong nghiên cứu mới nhất trên chuột và mô người, họ đã phát hiện ra một hợp chất có thể vô hiệu hóa MTDH, mở ra khả năng điều trị ung thư bằng thuốc. Yibin Kang, Giáo sư Sinh học Phân tử của Warner-Lambert / Parke-Davis cho biết: “MTDH là yếu tố quan trọng cấu thành phần lớn tế bào ung thư và không quan trọng đối với các tế bào bình thường ở người, gen này có thể được loại bỏ mà không gây ra các tác dụng phụ.”
MTDH cho phép các khối u phát triển chỉ sau khi tiếp xúc với một protein có tên là SND1, bằng cách móc những chiếc vòi giống hình dạng ngón tay của chúng bám vào hai túi trên bề mặt của protein SND1. “Giống như khi ta cho hai ngón tay vào lỗ của một quả bóng bowling vậy” – ông Kang cho biết. Các nhà nghiên cứu đã dành hai năm để tìm hiểu rất nhiều các hợp chất cho đến khi họ tìm thấy một hợp chất có thể lấp đầy túi và làm gián đoạn kết nối này. Về cơ bản, loại thuốc này sẽ kích hoạt lại hệ thống báo động của hệ thống miễn dịch mà MTDH đã ngăn chặn. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Cancer, điều này khiến các khối u nhạy cảm hơn với hóa trị và liệu pháp miễn dịch.
Mạng lưới sạc xe điện xuyên quốc gia
Doanh thu từ việc bán xe điện được kỳ vọng sẽ tăng từ 2 triệu trong năm ngoái lên ít nhất 20 triệu vào năm 2030. Ảnh: Getty Images
Các công ty điện có kế hoạch xây dựng một mạng lưới sạc xe điện ven biển dọc theo các đường cao tốc lớn vào năm 2023.
Doanh thu từ việc bán xe điện được kỳ vọng sẽ tăng từ 2 triệu trong năm ngoái lên ít nhất 20 triệu vào năm 2030.
Theo EnergyWire, hơn 50 công ty sẽ hợp tác để xây dựng một hành lang liên tục gồm các trạm sạc xuyên biên giới các bang. Kellen Schefter – một hiệp hội các công ty điện đứng đầu National Electric Highway Coalition, trực thuộc Edison Electric Institute – cho biết họ sẽ sử dụng tất cả các phương pháp tiếp cận, có thể bao gồm kéo dài các đường dây cao áp đến các trạm xăng và các trạm dừng nghỉ dọc theo xa lộ liên tiểu bang để cung cấp cho các đơn vị sạc điện tư nhân mới hoặc hiện có, cũng như xây dựng các trạm mới từ đầu.
Camera có kích cỡ bằng hạt muối, chụp ảnh siêu sắc nét
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton và Đại học Washington đã phát triển một máy ảnh siêu nhỏ có kích thước bằng một hạt muối. Chiếc máy ảnh được sử dụng công nghệ có tên là “siêu bề mặt” được gắn với 1,6 triệu cột trụ và có thể được sản xuất giống như một con chip máy tính. Ảnh: Đại học Princeton.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Princeton và Đại học Washington đã tạo ra một máy ảnh kích thước siêu nhỏ có thể chụp ảnh sắc nét với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI).
Hãy tưởng tượng một chiếc máy ảnh nhỏ xíu có kích thước bằng một hạt muối có thể đưa vào bên trong cơ thể để thay thế các thủ thuật xâm lấn giúp chẩn đoán và điều trị.
Máy ảnh sử dụng một công nghệ có tên là “siêu bề mặt” được gắn trên 1 triệu “trụ” cực nhỏ và hoạt động như một chiếc ăng-ten quang học. Trước đây, máy ảnh siêu bề mặt rất khó khăn để tạo ra hình ảnh tốt trong điều kiện ánh sáng tự nhiên. Ethan Tseng, Tiến sĩ Khoa học Vi tính tại Đại học Princeton và các cộng sự đã tạo ra một trình mô phỏng để tối ưu hóa sự sắp xếp siêu bề mặt và sử dụng các thuật toán máy học để nâng cao độ phân giải của hình ảnh. Hình ảnh được tạo ra có thể so sánh với máy ảnh ống kính quang học truyền thống. Nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Nature Communications.
Nguồn GE News Việt Nam