Hãng Go-Jek của Indonesia đang lên kế hoạch triển khai dịch vụ tại các thành phố lớn ở Việt Nam vào tháng 9 thông qua đối tác Go-Viet.
Một đại diện của Go-Viet nói với Nikkei Asian Review rằng công ty đã ra mắt một dịch vụ thử nghiệm tại 12 quận của TP HCM. Công ty sẽ chính thức khai trương hoạt động vào tháng 9 tại TP HCM, Hà Nội và có thể tại cả Đà Nẵng. Hãng có kế hoạch cung cấp các dịch vụ bao gồm dịch vụ gọi xe máy Go-Bike và dịch vụ giao hàng Go-Send.
Để khởi động dịch vụ tại Việt Nam, Go-Viet cho biết họ đã nhận được kiến thức, chuyên môn, công nghệ và vốn đầu tư từ Go-Jek. Những người trong ngành nói để đảm bảo việc khởi đầu suôn sẻ, Go-Viet cũng đã thuê cựu giám đốc điều hành của Uber, vốn đã rời Việt Nam sau khi công ty Mỹ bán nhánh Đông Nam Á cho đối thủ Grab vào tháng 3. Go-Viet từ chối bình luận về chiến lược tuyển dụng của mình.
Công ty có kế hoạch cung cấp dịch vụ dưới thương hiệu Go-Viet. Các ứng dụng, mũ bảo hiểm và đồng phục của công ty sẽ là màu đỏ để phân biệt với Grab.
Go-Viet cũng đã bắt đầu cung cấp các ưu đãi để tuyển dụng thêm tài xế, bao gồm các tài xế cũ của Uber, chẳng hạn như đồng phục miễn phí và hỗ trợ phí khoảng 1,27 USD cho mỗi chuyến đi.
Đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Nguyễn Vũ Đức cho biết Go-Viet là nhà cung cấp nền tảng đa dịch vụ lớn nhất tại Việt Nam và sẽ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế dựa trên công nghệ của Go-Jek.
Go-Viet dự kiến cung cấp “hệ sinh thái rộng lớn của Go-Jek gồm 18 dịch vụ đa dạng” như gọi xe, thanh toán điện tử và dịch vụ thuê giặt đồ và làm vệ sinh. Nền tảng này cho phép người dùng đặt hàng nhiều dịch vụ cùng một lúc, hoặc gọi nhiều hơn 1 chiếc xe tại một thời điểm, một lợi thế quan trọng so với các ứng dụng khác trên thị trường, theo đại diện của công ty.
Go-Jek đang tích cực thâm nhập vào Việt Nam, nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, nơi những người tiêu dùng hiểu biết về công nghệ, sử dụng điện thoại thông minh, chiếm 84% trong số 120 triệu thuê bao di động.
Go-Jek đã nhận được tài trợ từ một số nhà đầu tư, bao gồm Astra International, Warburg Pincus, KKR, Meituan-Dianping, Tencent, Google và Temasek. Công ty thông báo sẽ chi 500 triệu USD từ đợt gọi vốn để bắt đầu các dịch vụ tại Việt Nam, Thái Lan, Singapore và Philippines trong kế hoạch mở rộng toàn cầu sau khi Uber rời khỏi Đông Nam Á.
Ông Nadiem Makarim, Giám đốc điều hành và người sáng lập Go-Jek, cho biết các hoạt động tại các thị trường mới, chẳng hạn như Việt Nam và Thái Lan, sẽ do các đội sáng lập địa phương điều hành.
“Chiến lược của công ty là kết hợp công nghệ đẳng cấp thế giới được phát triển bởi Go-Jek với kiến thức chuyên sâu và chuyên môn của các đội địa phương, để tạo ra các doanh nghiệp địa phương thực sự hiểu người tiêu dùng”, Nadiem Makarim cho biết. Tại Việt Nam, các dịch vụ được bản địa hóa của Go-Jek được cho là do những người địa phương thực sự nắm vững thị trường và đối thủ cạnh tranh quản lý.
Theo NHD/Asia Nikkei Review