Mục lục
Vẫn là trò chơi cá lớn nuốt cá bé, nhưng mà lại đến từ những người sáng tạo ra chúng.
Mặc dù gặp nhiều chỉ trích suốt nhiều năm trở lại đây, nhưng có một sự thật không thể tranh cãi đó là ngành công nghiệp game hiện đang là thị trường béo bở mà ai cũng muốn nhảy vào. Do đó, việc những công ty hay studio nhỏ bị các ông lớn thâu tóm nhằm mục đích củng cố vị thế trong ngành game đã không còn là câu chuyện quá mới.
Trong bài viết này, hãy cùng TechTimes sẽ điểm qua 10 vụ thâu tóm với giá trị thương vụ lớn nhất từng được thực hiện với cái tên đứng đầu chắc chắn là gã khổng lồ phần mềm Microsoft.
1. Microsoft mua lại Activision Blizzard – Giá trị thương vụ ước tính: 68,7 tỉ USD

Vào ngày 18 tháng 1 năm 2022, ngành game đã có một phen chấn động khi Microsoft công bố mua lại Activision Blizzard, nhà phát hành game đứng sau các thương hiệu đình như Call of Duty, Candy Crush, Diablo, World of Warcraft… Đúng với vị thế đàn anh của mình, Microsoft đã mạnh tay chi 68,7 tỉ USD cho lần thâu tóm này biến đây trở thành thương vụ mua lại lớn nhất mà ngành công nghiệp game từng chứng kiến. Thương vụ này cũng đưa cực kỳ nhiều studio chất lượng về dưới mái nhà Microsoft, trong đó có nhiều cái tên đình đám như Infinity Ward, Treyarch, Raven Software, Blizzard Entertainment…
Thương vụ thâu tóm này dự kiến sẽ hoàn tất muộn nhất vào tháng 6/2023.
2. Take-Two Interactive mua Zynga – Giá trị thương vụ ước tính: 12,7 tỷ USD

Nếu cái tên Take-Two Interactive nghe có vẻ quá xa lạ thì đây chính là công ty sở hữu nhà phát triển Rockstar Games, studio cha đẻ của series Grand Thief Auto đình đám. Vào tháng 1 năm 2022, Take-Two đã công bố ý định mua lại nhà phát hành game di động Zynga, nổi tiếng nhất với Farmville và các game Poker. Zynga sẽ bổ sung nguồn lực lớn cho khả năng phát triển game di động của ông lớn này., đồng thời cũng phù hợp với các thương hiệu 2K Games và Rockstar Games.
Thương vụ thâu tóm này dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 6/2022.
3. Tencent mua lại phần lớn Supercell – Giá trị thương vụ: 8,6 tỉ USD

Năm 2016, Supercell đã được “Mười Xu” đưa vào danh mục đầu tư. Tencent khi đó đã mua 81,4% cổ phần của Supercell với giá 8,6 tỉ USD, chiếm đa số cổ phần trong công ty chủ quản của nhiều tựa game đình đám như Clash of Clans, Hayday hay Clash Royale…
Mặc dù Tencent cũng đã bắt đầu quá trình “chinh phạt” của mình từ trước đó rất lâu, nhưng việc giành được phần lớn cổ phần trong Supercell đã củng cố vị thế của ông lớn này trong lĩnh vực game di động, đồng thời cung cấp thêm một nguồn doanh thu bổ sung ổn định.
4. Microsoft mua lại ZeniMax Media – Giá trị thương vụ: 8,1 tỉ USD

Vào ngày 21/9/2020, Microsoft đã ký một thoả thuận để mua lại ZeniMax Media, công ty mẹ của Bethesda Softworks với giá 7,5 tỉ USD. Trước khi bị mua lại thì ZeniMax Media là công ty game tư nhân lớn nhất thế giới, chủ nhân của hàng loạt franchise nổi tiếng như The Elder Scrolls, Fallout, Doom, Wolfenstein…
Thương vụ này đã chính thức hoàn tất vào ngày 9/3/2021, bổ sung Bethesda Game Studios, Arkane Studios, id Software… vào danh mục dài những studio game dưới trước gã khổng lồ phần mềm. Các khoản thanh toán bổ sung đã nâng tổng giá trị của thương vụ lên 8,1 tỉ USD vào thời điểm kết thúc.
5. Activision Blizzard mua lại King – Giá trị thương vụ: 5,9 tỉ USD

Trong nỗ lực điền tên mình vào bản đồ game mobile, vào năm 2015, Activision Blizzard đã mua lại studio game King, cha đẻ của thương hiệu Candy Crush huyền thoại. Lúc bất giờ, Activision Blizzard tuy đã có chỗ đứng nhất định trong làng game với các series AAA như Call of Duty hay các tựa game chiến thuật thời gian thực đình đám như Star Craft của Blizzard Entertainment, nhưng bằng cách mua lại King thì Activision Blizzard đã bước được một chân vào cuộc chiến tranh giành miếng bánh đầy béo bở mang tên game mobile.
6. ByteDance mua lại Moonton – Giá trị thương vụ: 4 tỉ USD

Moontoon Games, nhà phát triển và xuất bản Trung Quốc được biết đến là cha đẻ của tựa game Mobile Legends, đã được ByteDance mua lại vào tháng 3/2021, đánh dấu khoản đầu tư khổng lồ của ông lớn này vào lĩnh vực game. Trước đó, ByteDance chủ yếu được biết đến là chủ nhân của mạng xã hội chia sẻ video ngắn lớn nhất thế giới TikTok.
Tuy nhiên, đã gần 1 năm trôi qua nhưng ByteDance vẫn chưa hề có thêm bất kỳ động thái mới nào để biến 4 tỷ USD của mình trở nên đáng giá.
7. Sony mua lại Bungie – Giá trị thương vụ ước tính: 3,6 tỉ USD

Vào đầu năm 2022, Sony Interactive Entertainment đã mua lại Bungie với giá 3,6 tỉ USD. Không giống như các thương vụ mua lại khác, Bungie vẫn sẽ tiếp tục hoạt động như một studio game độc lập và phát triển các sản phẩm đa nền tảng, chứ không riêng gì các tựa game độc quyền dành cho PlayStation. Có một điểm khá thú vị là Bungie từng là một studio trực thuộc Microsoft trước khi mua lại quyền độc lập của mình.
Bungie được biết đến là cha đẻ của franchise huyền thoại Halo trước đó và phát hành chất lượng nhất gần đây của học có thể kể đến Destiny 2. Với thoả thuận mới thì Sony giờ đây sẽ có được kiến thức chuyên môn từ hàng trăm nhà phát triển tại Bungie về cách làm việc trên các game dịch vụ trực tiếp, mở rộng nỗ lực của mình trong lĩnh vực game multiplayer, thứ vốn không được chú trọng tại Sony Interactive Entertainment từ trước đến nay.
8. Microsoft mua lại Mojang – Giá trị thương vụ: 2,5 tỉ USD

Vào năm 2014, Microsoft đã mua lại nhà phát triển Thuỵ Điển Mojang với giá 2,5 tỉ USD. Đây là studio game đứng sau Minecraft, tựa game đã bán được hơn 200 triệu bản trên toàn thế giới. Mojang được cho là đang trong quá trình lên ý tưởng cho một tựa game mới nhưng vẫn cam kết tiếp tục cập nhật cho Minecraft, thứ được xem là “con gà đẻ trứng vàng” cho cả Mojang và công ty mẹ Microsoft.
9. Electronic Arts mua lại Glu Mobile – Giá trị thương vụ: 2,4 tỷ USD

Vào ngày 8 tháng 2 năm 2021, nhà phát hành Electronic Arts đã mua lại Glu Mobile với giá 2,4 tỉ USD, thúc đẩy tham vọng của ông lớn này trong lĩnh vực game di động. Glu Mobile quản lý nhiều game được ăn theo nổi tiếng, đặc biệt là những sản phẩm dựa trên các show truyền hình thực tế và các game được cấp phép của Disney.
10. Facebook mua lại Oculus – Giá trị thương vụ: 2 tỉ USD

Vào tháng 3/2014, Facebook đã đánh dấu bước tiến lớn đầu tiên vào lĩnh vực thực tế ảo bằng cách mua lại Oculus, công ty có chuyên môn về phát triển tai nghe, công nghệ và các chuyên gia phát triển game dưới trưới trướng của mình. Kể từ đó Facebook đã mở rộng Oculus Studios bằng cách mua lại các nhà phát triển như Beat Games và Ready at Dawn, tăng đáng kể khả năng của các studio này với game VR.
Hiện tại, Facebook (hay tên hiện tại là Meta) cũng đang sử dụng các nhân lực VR của mình để khám phá việc xây dựng siêu vũ trụ ảo metaverse, mặc dù ý tưởng này vẫn còn đang rất mơ hồ và chưa có nhiều ứng dụng thực tế.