Với LG C1 OLED, TechTimes đánh giá đây là một trong những mẫu TV có thể thoả mãn hầu như mọi nhu cầu của người dùng đối với một màn hình hiển thị.
Là một trong những hãng sản xuất màn hình lớn nhất thế giới, LG luôn đưa đến thị trường những mẫu sản phẩm chất lượng, điển hình có thể kể đến siêu phẩm đã được nhiều chuyên trang tung hô không ngớt lời, chiếc TV C1 OLED.
Trong bài viết này, hãy cùng TechTimes đánh giá nhanh mẫu TV này và cùng tìm hiểu xem, liệu nó có “toàn năng” như lời đồn.
Thiết kế: Đẹp, nửa trên mỏng như một tờ giấy
Là một mẫu TV sở hữu công nghệ OLED, không quá ngạc nhiên khi LG C1 sở hữu cho mình một độ mỏng đáng kinh ngạc ở nhiều vị trí khác nhau.

Với màn hình OLED, LG đã có thể “gọt mỏng” viền của C1 xuống chỉ chưa tới 1cm. Độ này của phần màn hình trên mẫu TV này cũng vô cùng âm tượng ở phần nửa trên, tuy nhiên, ở nửa dưới đã bị dày lên đáng kể do phải chứa các bảng mạch điều khiển, bộ cổng kết nối và đặc biệt là phần chân đế. Dù dày lên nhiều là vậy, nhưng qua đo đạc, khu vực này chỉ dày đâu đó khoảng 5cm.
LG C1 OLED sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho tất cả người dùng đang tìm kiếm cho mình một mẫu TV hiển thị đẹp, thiết kế trang nhã và giao diện người dùng dễ sử dụng.
Gia Phạm • TechTimes
Nhắc đến phần nửa dưới của LG C1 OLED thì không thể không đề cập tới phần chân đế. Đây vừa là điểm mạnh, cũng vừa là điểm yếu của mẫu TV này. Về điểm mạnh, nó vô cùng chắc chắn, hơn hẳn phần chân đế có phần “yếu đuối” của chiếc Neo QLED QN90A đến từ Samsung mà TechTimes đã đánh giá cách đây không lâu. Để có được sự chắc chắn như vậy, chân đế trên LG C1 có kích thước khá lớn. Người dùng sẽ phải sở hữu một kệ TV đủ rộng và không gian xung quanh tương đối thoải mái hoặc có thể treo mẫu TV này lên tường.

Bên cạnh đó, phần chân đế này cũng khá thấp, đây là một trong những lý do khiến cho LG C1 có thể đứng vững vàng trên các mặt phẳng nhưng cũng là một sự bất tiện không hề nhẹ nếu gia chủ có sử dụng thêm các thiết bị soundbar hay máy chơi game console thì khả năng cao những thiết bị này sẽ che mất một phần màn hình bên dưới.
Phía sau, người dùng được cung cấp gần như đủ các loại kết nối phổ biến và hiện đại nhất hiện nay như USB, HDMI 2.1, kết nối LAN hoặc Wi-Fi, các chuẩn âm thanh bao gồm jack 3,5mm, HDMI eARC và có cả cổng Optical.

Để không gian xung quanh TV không quá bừa bộn, LG cũng đã thiết kế cho C1 một hộp bó dây ở phía sau phần chân đế, giúp người dùng dễ dàng hơn trong việc sắp xếp các loại dây cáp trở nên gọn gàng hơn.

Trải nghiệm sử dụng gần như hoàn hảo
Độ phân giải 4K đi kèm với màn hình OLED quả thực là một combo huỷ diệt. Nếu để nhận xét về chất lượng hiển thị của mẫu TV này, xin phép được dùng cụm từ “gần như hoàn hảo”.
Nói đến phần hoàn hảo, LG C1 có độ tương phản tuyệt đối, đây là ưu điểm lớn nhất của màn hình OLED, không có gì phải bàn cãi. Màu đen cũng vậy, được C1 hiển thị một cách đặc biệt ấn tượng.

Về khả năng tái tạo màu sắc, mẫu TV đến từ LG đạt chứng nhận từ Intertek về hiển thị màu sắc trung thực 100%. Theo đánh giá của TechTimes, LG C1 là một trong những sản phẩm TV có khả năng tái tạo và hiển thị màu sắc tốt nhất đang có trên thị trường, thậm chí là nhỉnh hơn so với đối thủ đồng hương là QN90A đến từ Samsung.
Ở khía cạnh góc nhìn, LG C1 lại tiếp tục đánh bại Samsung QN90A khi thể hiện tốt hơn khá rõ. Đây là ưu điểm đến từ vấn đề kỹ thuật. Bởi lẽ, mẫu QN90A chỉ là một mẫu TV với tấm nền màn hình VA thông thường, trong khi đó, LG C1 lại sở hữu màn hình OLED, vốn có góc nhìn gần như không bị thay đổi ở bất kỳ vị trí nào. Tuy nhiên, C1 lại khó có thể so sánh được với QN90A về mặt độ sáng. Do đó, trong điều kiện ánh sáng ngược mạnh, mẫu TV đến từ LG thể hiện không tốt bằng người đồng hương.

Đi kèm với những công nghệ hiện đại mà TechTimes nghĩ không cần thiết phải liệt kê ra hết, thì trải nghiệm xem phim và tiêu thụ nội dung số trên LG C1 OLED chắc chắn sẽ nằm trong top đầu, đặc biệt là với những tuỳ chọn kích thước màn hình lớn.
Trải nghiệm nhìn đã vô cùng “đã” rồi, vậy còn âm thanh thì sao? Câu trả lời của TechTimes là tạm ổn. Có lẽ do đã quá tập trung vào phần màn hình, nên mảng âm thanh trên LG C1 OLED đã không được chăm chút kỹ bằng. Điều này không đồng nghĩa với việc mẫu TV này có một trải nghiệm nghe tệ hại. Hiểu đơn giản, chất lượng âm thanh của C1 không xứng tầm với khả năng hiển thị của nó mà thôi.
Các chế độ hỗ trợ game thủ phong phú
Đây chính là lý do cho nhận định bên trên của TechTimes, rằng C1 OLED là một chiếc TV gần như toàn diện. Xét trên mặt bằng chung thị trường, LG đang là hãng được đánh giá cao nhất về độ chỉn chu trong việc tích hợp các công nghệ hỗ trợ chơi game trên các sản phẩm của hãng.
Đầu tiên, đó là sức mạnh của cổng HDMI 2.1, với băng thông cực rộng, việc chạy một tựa game ở độ phân giải 4K trên mẫu TV này không còn là một câu chuyện quá xa vời, tất nhiên là người dùng cũng cần có một phần cứng đủ mạnh.

Kẻ thù lớn nhất của một game thủ chắc chắn là độ trễ và giật lag. LG biết điều này và đã trang bị cho C1 OLED 2 công nghệ với tên gọi ALLM (Auto Low Latency Mode) và VRR (Varible Refresh Rate) khi sử dụng kết hợp với nhau sẽ vừa giảm độ trễ của tín hiệu đầu vào, vừa bắt nhịp với từng khung hình đang thay đổi với tốc độ chóng mặt trong game. Thực tế cho thấy, 2 tính năng này hoạt động vô cùng hiệu quả và nó hỗ trợ người chơi cực tốt, đặc biệt là trong những tựa game FPS.

LG cũng rất chu đáo khi làm việc cùng các nhà sản xuất phần cứng đồ hoạ như Nvidia và AMD để tích hợp lên C1 các công nghệ đồng bộ khung hình như G-Sync hay FreeSync Premium để người dùng có thể tận dụng tối đa tần số quét lên đến 120Hz của màn hình này. Trong thực tế sử dụng, LG C1 OLED xử lý các tác vụ game cực kỳ ổn, hình ảnh rực rỡ và bắt mắt là không phải bàn cãi mà nó còn được xử lý vô cùng mượt mà, không có hiện tượng giật hay xé hình diễn ra, mặc dù phiên bản mà TechTimes đang được trải nghiệm có kích thước màn hình tương đối lớn.

Bên cạnh đó, LG còn hợp tác với Microsoft để hỗ trợ tích cực cho mẫu máy chơi game console Xbox Series X. Nhưng do không có thiết bị để test, nên TechTimes chưa thể có đánh giá về tính năng vô cùng hay ho này trên C1 OLED.


Tựu trung lại
Theo đánh giá của TechTimes, LG C1 OLED chỉ còn một chút nữa thôi là có thể chạm đến được 2 chữ hoàn hảo trong thị trường TV cao cấp ở thời điểm hiện tại. Sản phẩm sở hữu một thiết kế cứng cáp, tuy có một chút bất tiện nhưng không quá nghiêm trọng. Màn hình hiển thị của LG C1 thì lại vô cùng xuất sắc, tuy nhiên hệ thống âm thanh chỉ dừng lại ở mức ổn.

Điểm đáng giá nhất của mẫu TV này có lẽ là sự đầu tư về mặt hỗ trợ game thủ với vô vàn các công nghệ nổi bật nhằm phục vụ nhu cầu chơi game.
Do đó, LG C1 OLED sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho tất cả người dùng đang tìm kiếm cho mình một mẫu TV hoàn hảo và giá không phải là vấn đề. Còn đối với những anh em game thủ hoặc đơn giản là đang sở hữu một chiếc console, thì C1 có lẽ là lựa chọn tốt nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại.
Đánh giá LG OLED C1
LG C1 OLED sẽ là một lựa chọn tuyệt vời cho tất cả người dùng đang tìm kiếm cho mình một mẫu TV hiển thị đẹp, thiết kế trang nhã và giao diện người dùng dễ sử dụng.
-
Thiết kế
-
Hiển thị
-
Âm thanh
-
Kết nối
-
Hỗ trợ gaming