Ít ai biết đằng sau biểu tượng “Thiếu phụ bay” Spirit of Ecstasy đã gắn bó với dòng xe & thương hiệu lịch sử Rolls-Royce hơn 100 năm qua là cả một câu chuyện tình cảm động.
Từ một bi kịch của tình yêu
Trong suốt hơn một thế kỷ, những chiếc xe Rolls-Royce đã được gắn liền với bức tượng “Thiếu phụ bay” Spirit of Ecstasy, một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất từng được chế tác. Tuy nhiên, điều đáng chú ý hơn cả là các chi tiết trong câu chuyện về bức tượng này vẫn còn để ngỏ với nhiều suy đoán, gây nên không ít tranh cãi.
Trước khi thương hiệu tiến vào một kỷ nguyên điện khí hóa mới, Rolls-Royce hé lộ bí ẩn đằng sau “Thiếu phụ bay” để làm rõ các chứng cứ, dựa trên tư liệu cụ thể và thông tin thực tế. Đó là câu chuyện về bốn con người có xuất thân khác nhau, với tính cách khác biệt và các mối quan hệ đan xen, có phần phức tạp, đây cũng là nguồn gốc cho biểu tượng nổi tiếng và đáng mơ ước nhất thế giới.
Các nhân vật chính trong câu chuyện bi kịch này bao gồm:
Ngài John Walter Edward Douglas-Scott-Montagu, Nam tước Baron Montagu thứ 2 của Beaulieu (1866-1929). Một nhà tiên phong trong phong trào phát triển ngành công nghiệp ôtô, đồng thời là nhà biên tập của tạp chí xe hơi Car Illustrated. Lâu đài tổ tiên của Ngài ở vùng New Forest, Anh – hiện là nơi tọa lạc của National Motor Museum (Bảo tàng Mô tô Quốc gia).
Ngài Claude Goodman Johnson (1864-1926) Thư ký của Automobile Club of Great Britain & Ireland (Câu lạc bộ Ô tô của Vương quốc Anh và Ireland), sau này là Royal Automobile Club (Câu lạc bộ Ô tô Hoàng gia), trước khi theo Ngài Hon Charles Stewart Rolls tham gia vào hoạt động kinh doanh vào năm 1903. Claude là một nhà báo tài năng, với sự nhạy bén trong lĩnh vực kinh tế thương mại.
Quý cô Eleanor Velasco Thornton (1880-1915). Cô là nguồn cảm hứng cho câu chuyện về biểu tượng Spirit of Ecstasy. Vốn là một nữ diễn viên kiêm vũ công, cô cũng đảm đương vai trò là trợ lý của Claude Johnson cho đến năm 1902, khi cô trở thành Giám đốc văn phòng cho Lãnh chúa Montagu; cô đồng thời là người mẫu, và nàng thơ, của họa sĩ Charles Sykes.
Ngài Charles Robinson Sykes (1875-1950). Ngài là một họa sĩ minh họa và nhà điêu khắc, người đã làm việc cho cả Lãnh chúa Montagu và Claude Johnson. Dưới nghệ danh ‘Rilette’, Sykes đã thiết kế nhiều quảng cáo và bìa tạp chí, những bức họa đó giờ đây được công nhận là tác phẩm nghệ thuật theo đúng nghĩa của chúng.
Lãnh chúa Montagu xuất thân từ dòng dõi quý tộc Anh quốc ở vùng Beaulieu. Ngài là người tiên phong trong nền công nghiệp ôtô Anh quốc đồng thời giữ cương vị tổng biên tập của tạp chí xe hơi The Car Illustrated vào năm 1902. Trong thời gian giữ trọng trách tổng biên tập tạp chí và tham gia lĩnh vực bất động sản, Montagu đã đem lòng yêu nữ trợ lý Eleanor Thornton từ cái nhìn đầu tiên. Quá say mê Thornton, Ngài Montagu đã bí mật yêu cầu họa sỹ Charles Sykes làm việc cho tạp chí The Car Illustrated chế tác ra một bức tượng người tình. Cuối cùng, Sykes đã hoàn thành bức tượng một người phụ nữ trẻ đặt ngón tay trỏ lên môi trong khi vạt áo bay trong gió và đặt tên là Whisper.
Lãnh chúa John Walter Edward Douglas-Scott-Montagu
Khi Montagu lần đầu tiên gặp gỡ Eleanor, một người phụ nữ thông tuệ và nổi tiếng xinh đẹp, ngay lập tức Ngài đã bị mê hoặc và mời cô làm Giám đốc văn phòng tại tòa soạn của mình. Cô đã chấp nhận lời đề nghị đó, và nhà xuất bản quý tộc cùng vị đồng nghiệp mới – kém Ngài 14 tuổi – sớm bắt đầu một cuộc tình bí mật kéo dài 13 năm. Đó là một mối tình say đắm và chân thành.
Ngài Charles Robinson Sykes
Vào năm 1903, khi Eleanor mang thai, cô và Ngài Montagu quyết định rằng đứa bé tốt nhất nên được nhận nuôi ngay sau khi sinh ra. Eleanor đã ôm Joan – đứa trẻ sơ sinh – trong vài giây trước khi giao cô bé cho Montagu, cô dặn Ngàii rằng “đừng bao giờ nhắc đến tên đứa bé nữa”. Về sau, Eleanor không bao giờ gặp lại đứa con của mình; nhưng người cha vẫn tiếp tục gặp gỡ cô con gái. Montagu đã sắp xếp (và chu cấp tiền bạc) để Joan được một cựu trung sĩ từ trung đoàn của Ngài, sau này là bác sĩ, cùng người vợ nuôi dưỡng. Trong những năm sau đó, Montagu có tiếp tục đến thăm con gái mình, người ta chỉ biết đến Ngài là “chú John”, và đã làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ cô bé, trong giới hạn đúng mực và một cách thầm lặng.
NÀNG THƠ CHO MỘT BIỂU TƯỢNG?
Nhiều người đã lầm tưởng Sykes và Eleanor gặp nhau thông qua The Car Illustrated, tuy nhiên thực tế là họ đã quen nhau từ trước. Một vài năm trước đấy, Eleanor đã sinh sống tại The Pheasantry được biết đến nơi ở dành cho nghệ sĩ ở đường Kings Road, quận Chelsea, London. Tại đây, cô sống một cuộc sống hai cuộc đời bí mật: là một trợ lý nghiêm trang, đáng kính, chuyên nghiệp cho Johnson tại The Automobile Club vào ban ngày; trở thành một vũ công và người mẫu vẽ (life-model) gợi cảm, quyến rũ vào ban đêm. Một trong những nghệ sĩ mà cô thường xuyên làm mẫu lại chính là chàng họa sĩ Charles Sykes.
Quý cô Eleanor Velasco Thornton
Charles Sykes & nàng thơ Eleanor
Ít ai biết, tuy Sykes được Montagu thuê làm họa sĩ vẽ tranh minh họa, nhưng bản thân Sykes cũng là một nhà điêu khắc tài năng, từng học dưới trướng của Giáo sư Edouard Lanteri lỗi lạc tại trường Royal College of Art. Năm 1903, Ngài đã điêu khắc một chiếc cúp mô phỏng theo Eleanor, cho Montagu để trao tặng tại cuộc đua Gordon Bennett. Một tác phẩm khác của Sykes, mang tên Bacchante, đã được trưng bày tại Royal Academy (Học viện Hoàng gia) và Paris Salon. Gương mặt và dáng người của bức tượng mang những nét tương đồng rõ rệt với nàng thơ Eleanor lâu năm của Ngài.
Cũng trong thời kỳ này (không rõ ngày tháng cụ thể), Sykes đã chế tác một biểu tượng cho chiếc Rolls Royce Silver Ghost của Ngài Montagu. Có tên gọi là ‘The Whisper’ (Lời thì thầm), bức tượng nhỏ được làm bằng nhôm và mô tả hình ảnh một người phụ nữ trẻ, khoác tấm áo choàng bay trong gió với ngón tay trỏ đặt trên môi. Bức tượng này đã được xác nhận là tạo hình dựa theo Eleanor: liệu đây có phải là biểu hiện cho tấm lòng trân trọng của Sykes đối với bạn bè và ông chủ của mình, hay được thực hiện theo gợi ý của Eleanor như một món quà cho người yêu của cô, điều này vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải đáp. Dù sự thật là gì, Ngài Montagu vẫn trưng bày bức tượng trên mọi chiếc xe Rolls-Royce mà Ngài sở hữu cho đến khi ông qua đời vào năm 1929; như một lời thừa nhận kín đáo về tình yêu của Ngài dành cho Eleanor, điều mà Montagu đã giấu kín bấy lâu.
“The Whisper” – nguồn cảm hứng cho Spirit of Ecstasy
Nhiều nguồn tin cho rằng ‘The Whisper’ là nguồn cảm hứng cho Spirit of Ecstasy; và do đó, biểu tượng này được mô phỏng theo Eleanor Thornton. Đó là một giả thuyết hợp lý và thú vị, và cũng có đủ những chi tiết tương đồng để chứng minh điều nó. Nhưng một lần nữa, khó mà có thể khẳng định tính thực hư của câu chuyện này.
MỐI LIÊN HỆ VỚI ROLLS-ROYCE
Năm 1910, ông chủ cũ của Eleanor, Ngàii Claude Johnson, một lần nữa xuất hiện trong câu chuyện. Khi đó, Claude không còn làm việc ở The Automobile Club, mà đã trở thành Giám đốc điều hành của Rolls-Royce, thương hiệu được đồng sáng lập bởi đối tác kinh doanh cũ của Ngài, Ngài Hon Charles Stewart Rolls, và vị kỹ sư tài năng Henry Royce.
Ngài Claude Johnson
Thời điểm đó, Royce đã phát chán những món đồ trang trí, mà Ngài cảm thấy là vô vị, trên nắp bộ tản nhiệt của những chiếc xe Rolls-Royce, bao gồm những chú mèo đen, tượng mặt quỷ và một vị cảnh sát vui tính. Tuy nhiên, Claude Johnson đã phát hiện ra một cơ hội và tranh luận rằng họ nên sản xuất biểu tượng của riêng mình để nâng tầm một chiếc Rolls-Royce. Cuối cùng, Royce miễn cưỡng đồng ý; và thông qua người bạn là Ngài Montagu, Johnson đã ủy quyền cho Charles Sykes tạo ra biểu tượng huyền thoại.
Ngài Claude Johnson vốn đã có hình dung nhất định về món đồ trang trí mình muốn. Trong một chuyến đi đến Paris, Ngài đã bị ấn tượng bởi tính nghệ thuật của bức tượng đá cẩm thạch Grecian ‘Nike of Samothrace’, Nữ thần Chiến thắng, được điêu khắc vào năm 190 TCN và được trưng bày tại Bảo tàng Palais du Louvre từ năm 1883. Sở hữu chiều cao 9 ft (2,75 m), nàng được miêu tả như một vị thần có cánh từ trên trời giáng xuống, khoác trên mình chiếc áo dài và áo choàng mềm mại. Đáng tiếc là, sự thăng trầm của thời gian đã tước đi cả hai cánh tay và đầu của nàng.
Bức tượng đá cẩm thạch Grecian ‘Nike of Samothrace’
“Tôi muốn một thứ gì đó đẹp đẽ, giống như Nike,” Johnson nói với Sykes. “Anh hãy đi xem và tham khảo bức tượng đó.” Sykes đã làm như vậy, nhưng Ngài nhanh chóng nhận thấy Nike mang khí chất quá sắc bén và có phần hiếu chiến, không phù hợp để trở thành một biểu tượng của Rolls-Royce. Vốn thường xuyên ngồi trên chiếc xe Silver Ghost của Ngài Montagu, Sykes tin rằng một hình tượng thanh tao, tinh tế hơn sẽ thể hiện chính xác hơn vẻ duyên dáng, sự êm ái từ cỗ máy và sức mạnh tinh tế của thương hiệu. Một lần nữa, điều này dẫn đến suy đoán rằng nàng thơ của Ngài gần như chắc chắn là Eleanor Thornton.
Dù có khả năng Eleanor là nguyên mẫu cho hình dáng tổng thể của Spirit of Ecstasy, nhưng khuôn mặt có thể lấy cảm hứng từ người khác. Đường nét khuôn mặt có những điểm tương đồng với một người phụ nữ mà Sykes có mối quan hệ vô cùng thân thiết và yêu mến – đó là mẹ Ngài, bà Hannah Robinson Sykes. Một số người suy đoán rằng Sykes đã sử dụng trí tưởng tượng của mình để tạo ra một vóc dáng người phụ nữ thỏa mãn con mắt nghệ thuật và tầm nhìn của Ngài về người phụ nữ lý tưởng.
Ý NGHĨA TÊN BIỂU TƯỢNG
Ban đầu, bức tượng của Sykes được đặt tên là ‘The Spirit of Speed’ (Linh hồn của tốc độ), một danh hiệu sẽ trở thành dòng chữ bất tử xuất hiện trên bức thư từ Rolls-Royce gửi đến Ngài John Montagu. Trong bức thư đó, thương hiệu đã thể hiện khát vọng tìm kiếm một biểu tượng có thể truyền tải “tinh thần của Rolls-Royce – đó là êm ái tĩnh lặng, không hề có sự rung động khi di chuyển, cách khai thác bí ẩn nguồn năng lượng mạnh mẽ, là một “sinh vật sống” tuyệt đẹp với sự duyên dáng”.
Cũng theo bức thư đó, khi thiết kế “nữ thần nhỏ bé duyên dáng” của mình, Sykes đã nghĩ đến “Spirit of Ecstasy, nữ thần chọn du lịch đường bộ (road travel) là niềm vui thú của mình, và mỗi khi vị khách lên xe sẽ tận hưởng sự trong lành của không khí, và âm thanh du dương tạo nên bởi những tấm rèm bay trong gió”.
Rolls-Royce đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ của cái tên Spirit of Ecstasy vào năm 1911. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nàng đã không nhận được sự tán thành của cả hai nhà sáng lập. Ngài Henry Royce vốn đã không thích những biểu tượng như vậy; và Ngài Hon Charles Stewart Rolls đã không có cơ hội nhìn thấy Spirit of Ecstasy, vì bức tượng chỉ được tạo ra sau khi Ngài qua đời trong một vụ tai nạn máy bay vào tháng 6 năm 1910. Sự tồn tại của nàng gần như là nhờ vào tầm nhìn, sự nhạy bén và ảnh hưởng tuyệt đối của Ngài Claude Johnson.
Linh cảm của Ngài đã được chứng minh là đúng đắn khi vào năm 1920, Rolls-Royce mang Spirit of Ecstasy tham gia một cuộc thi ở Paris để tìm ra biểu tượng nhãn hiệu xe hơi hàng đầu thế giới. Đương nhiên là bức điêu khắc đã dành chiến thắng và Sykes đã nhận được huy chương vàng.
Thực tế cũng cho thấy biểu tượng này đã không được đánh giá cao trong thời gian đầu, thể hiện ở việc Spirit of Ecstasy chỉ là một ‘Phụ kiện tùy chọn’ cho đến tận năm 1939. Có lẽ là phản ánh thái độ không mặn mà của Ngài Henry, các bức tượng chỉ xuất hiện trên khoảng 40% trong số 20.000 chiếc xe hơi được giao trong thời kỳ này.
BƯỚC CHUYỂN MÌNH THEO THỜI ĐẠI
Spirit of Ecstasy đã trở thành chi tiết đặc trưng của thương hiệu Rolls-Royce từ năm 1911. Nhưng khi thương hiệu và những chiếc xe động cơ của hãng không ngừng phát triển và thay đổi theo thời gian, bản thân bức tượng cũng đã trải qua những bước chuyển mình theo từng giai đoạn riêng biệt.
Ở hình dạng ban đầu vào năm 1911, nàng thơ là một bức tượng có chiều cao 6 7/8 inch (~18cm) với đôi chân trần; đến những năm 1960, bức tượng đã trải qua tám lần sửa đổi với chiều cao nhỏ nhắn hơn, khoảng hơn 4 5/16 inch (~ 11cm). Khoảng cách từ mũi của nàng đến phần chóp của chiếc áo choàng tung bay cũng được thu hẹp lại tương ứng, từ 13cm còn 7cm. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện thêm những phiên bản với sự thay đổi nhỏ về phần hình dáng cơ bản, tư thế đứng và độ nghiêng chính xác của ‘đôi cánh’ bức tượng qua nhiều thập kỷ.
Cụ thể là, các vị khách đặt mua xe từ năm 1934 cho đến năm 1959 có tùy chọn hình người ở tư thế quỳ, là biến thể mà một số người cho là phù hợp hơn với thiết kế thân xe ở thời kỳ đó.
Vào những năm 1970, một số quốc gia đã cố gắng cấm sử dụng biểu tượng này vì lý do an toàn. Ví dụ: ở Thụy Sĩ, vị khách hoàn toàn không được phép trưng bày biểu tượng SOE trên xe và khi nhận bàn giao chiếc xe của mình, họ sẽ tìm thấy bức tượng đặt trong ngăn đựng găng tay. Đối với vấn đề này, Rolls-Royce đã tìm ra giải pháp khéo léo và thanh lịch là gắn bức tượng lên một phần đế có lò xo, cho phép bức tượng thu mình vào bên trong bộ tản nhiệt để giảm khả năng gây thiệt hại khi bị chạm vào. Cơ chế này đã được phát triển thành một chuyển động uyển chuyển, duyên dáng có tên là ‘the rise’ (sự trỗi dậy) và là một tính năng tiêu chuẩn trên mọi chiếc ô tô Rolls-Royce được chế tác thủ công tại Goodwood.
THIẾT KẾ MỚI CHO KỶ NGUYÊN HIỆN ĐẠI
Một trong những chi tiết đáng chú ý liên quan đến câu chuyện về nguồn gốc biểu tượng Spirit of Ecstasy là từ năm 1911, mỗi bức tượng nhỏ đều do chính Charles Sykes đúc, khắc và hoàn thiện thủ công. Con gái Ngài là Josephine đã tiếp quản công việc này từ năm 1928, cho đến khi việc chế tác bị gián đoạn do chiến tranh bùng nổ vào năm 1939. Do đó, mỗi biểu tượng Spirit of Ecstasy được đúc từ thời kỳ này đều là độc nhất vô nhị.
Giờ đây, những bức tượng được chế tạo bằng cách sử dụng một quy trình đúc sáp kết hợp các phương pháp và vật liệu có niên đại hơn 5.000 năm, với công nghệ của Thế kỷ 21. Mỗi bức tượng nhỏ được chế tạo dựa trên một mô hình ba chiều do máy tính tạo ra, hình ảnh này được dựng bằng công nghệ kỹ thuật số dựa trên bản Spirit of Ecstasy gốc. Những bậc thầy nghệ nhân đã sử dụng hình ảnh này để tạo ra một công cụ đúc rắn, được làm thủ công, bằng cách sử dụng máy cắt có kích thước chỉ 0,2mm để đảm bảo sao chép một cách chính xác ngay cả những chi tiết nhỏ nhất. Với công cụ đúc này, họ đã tạo ra một mô hình tượng nhỏ bằng sáp có độ chính xác cao, mô hình này sau đó được tráng bằng gốm. Sau khi lớp phủ này khô lại, phần sáp được nung chảy và rút đi, để lại một khuôn trống hoàn hảo mà từ đó vật đúc mới sẽ được tạo hình.
Mỗi bức tượng nhỏ được chế tạo bằng cách lấp đầy khuôn đúc bằng thép không gỉ, được nóng chảy ở nhiệt độ 1600 ° C. Sau khi khối thép được làm nguội, khuôn được mở ra, để lộ bức tượng Spirit of Ecstasy hoàn hảo. Bước chuyển đổi cuối cùng được thực hiện tại Bộ phận Hoàn thiện (Finishing Department), nơi sử dụng một quá trình xử lý bề mặt có tên là peening. Nó được thực hiện bằng cách điều hướng hàng triệu quả bóng thép không gỉ, đường kính chỉ 17 phần nghìn inch (0,04mm), bắn vào vật đúc ở tốc độ nhanh, giúp đánh bóng bề mặt bức tượng mà không làm nó bị mài mòn. Sau quá trình gia công, thành phẩm được đánh bóng gương lần cuối và kiểm tra đảm bảo chất lượng nghiêm ngặt, trước khi chiếm vị trí xứng đáng của nàng phía trên lưới tản nhiệt mang tính biểu tượng của Rolls-Royce.
Trong năm 2020, Rolls-Royce đã giới thiệu hình ảnh nhận diện thương hiệu mới, có tên gọi là The Spirit of Ecstasy Expression. Đối với cách xử lý hình ảnh hoàn toàn mới này, các nhà thiết kế đã vẽ lại bức tượng này ở dạng đơn giản, hiện đại để dùng làm biểu tượng đồ họa, như một phần của hệ thống nhận diện thương hiệu mới của công ty. Hình ảnh minh họa này được mô phỏng bằng công nghệ máy tính và có thể sử dụng cho các tài liệu trực tuyến. Ở phiên bản kỹ thuật số, các đường cong của bức tượng nhỏ được khắc hoạ bằng một dải các đường song song uốn lượn và thay đổi theo cách bố trí của nó. Biểu tượng mới được thiết kế sao cho gợi lên sự chuyển động; một dáng hình mềm mại, mượt mà dường như tuôn chảy và phủ lên trên các bề mặt vật lý và kỹ thuật số.
Ngày hôm nay, Rolls-Royce Motor Cars trân trọng tiết lộ rằng biểu tượng Spirit of Ecstasy sẽ xuất hiện dưới một hình dạng mới để tô điểm cho Spectre, chiếc xe động cơ điện đầu tiên của thương hiệu. Nàng thơ mới mang nét đẹp tinh giản và duyên dáng hơn bao giờ hết – một biểu tượng hoàn hảo cho chiếc Rolls-Royce sở hữu tính khí động học tuyệt nhất từng được tạo ra, và mang lại dấu ấn cho tương lai điện khí hoá táo bạo của thương hiệu.
Các nguyên mẫu Spectre ban đầu có hệ số cản (cd) chỉ 0,26, khiến nó trở thành chiếc Rolls-Royce có tính khí động học tốt nhất từng được tạo ra. Con số này dự kiến sẽ được cải thiện trong quá trình thực hiện các quy trình thử nghiệm toàn diện của sản phẩm vào năm 2022.
CÁI KẾT CHO MỘT CÂU CHUYỆN TÌNH BÍ MẬT
Năm 1915, khi Ngài Montagu phải tới Ấn Độ làm cố vấn về Dịch vụ Vận chuyển Máy móc cho chính phủ nước này, Ngài đã quyết định sẽ đưa cô tình nhân Eleanor Thornton cùng đi trên con tàu SS Persia sang Ấn Độ. Trước chuyến đi này, Thornton đã viết thư cho bà Cecil, vợ Ngài Montagu, để xin phép đi cùng Ngài sang Ấn Độ.
Vào ngày 30/12, khi hai người đang ngồi ăn trưa thì một chiếc tàu ngầm Đức đã nổ ngư lôi vào vỏ tàu SS Persia. Tiếp sau đó là hàng loạt tiếng nổ lớn và một trong những nồi hơi của con tàu đã nổ tung. Trong tình trạng lộn xộn, Ngài Montagu và Eleanor cố bám vào sàn tàu lúc đó đã bắt đầu vỡ.
Họ đã cố tìm một chiếc thuyền cứu hộ nhưng không kịp. Trong tích tắc, Ngài Montagu ôm Eleanor trong vòng tay, nhưng ngay sau đó cô bị nước cuốn khỏi tay ông và sau đó chìm xuống biển. Ngài Montagu đã được cứu sống có lẽ nhờ mặc chiếc áo ghi-lê phao và được đẩy lên mặt nước.
Sau tai nạn, Ngài Montagu yếu đi nhiều, nhưng vẫn cố gắng tìm kiếm Eleanor Thornton trong nhiều năm. Montagu còn dựng thẻ tưởng niệm cạnh chỗ dành riêng cho gia đình Ngài ở nhà thờ Beaulieu để tạ ơn Chúa vì Ngài đã thoát nạn, và để tưởng nhớ Eleanor Velasco Thornton.
Ngài Montagu không bao giờ có thể vượt qua nỗi đau mất đi Eleanor, một điều mà Ngài chưa từng đề cập một cách công khai. Nhưng trong suốt quãng đời còn lại của mình, linh hồn cô tiếp tục sánh vai bên Ngài tới bất cứ điểm đến nào trên chiếc xe hơi Rolls-Royce của mình.