Theo các nhà nghiên cứu, trong 4,7 triệu tác phẩm NFT thì chỉ có 1% trong số đó có giá trị trên 1.500 USD, còn lại đều rất rẻ thậm chí là vô giá trị.
Dù đã trở thành một xu hướng trên thị trường tài sản số được một thời gian, nhưng độ nóng của những tác phẩm NFT vẫn chưa hề có dấu hiệu dừng lại. Là cái tên sở hữu tác phẩm NFT có giá trị lớn nhất thế giới, cụ thể là 69 triệu USD, nghệ sĩ Beeple cho biết cách đây 1 năm những tác phẩm của anh có giá bán chưa bao giờ vượt quá 100 USD. Thành công nam nghệ sĩ nhanh chóng trở thành niềm cảm hứng cho hàng trăm nghìn người trên khắp thế giới về giấc mơ đổi đời với NFT.
Tuy nhiên, các chuyên gia từ Đại học London đã phân tích hơn 4,7 triệu giao dịch NFT, được thực hiện bởi 500.000 nhà sưu tầm khác nhau và kết luận rằng, những thành công như Beeple là cực kỳ hiếm có. Dù NFT đưa Beeple thành một nghệ sĩ nổi tiếng thế giới sau một đêm nhưng với đại đa số, những bộ sưu tập NFT thậm chí không thể giúp nhà phát hành mua được một bữa ăn tại McDonald’s.
Mauro Martino, lãnh đạo Phòng thí nghiệm Visual AI, trực thuộc IBM cho biết: “Chỉ 1% NFT được bán giá trên 1.500 USD. 75% được bán với giá dưới 15 USD, thậm chí là thấp hơn. Bản thân tôi cũng không hề khuyến khích bạn bè tìm cách làm giàu từ những tác phẩm NFT, vì trên thực tế tỉ lệ thành công trong lĩnh vực này là rất thấp”.
“Có những người nghĩ NFT sẽ chỉ là một xu hướng nhất thời. Nhưng tôi tin đây mới chỉ là điểm bắt đầu”, Martino chia sẻ.
Hiện nay, đang có một nhóm không nhỏ các nghệ sĩ “cầu may đổi đời” bằng cách đưa tác phẩm của mình lên các sàn NFT trong và ngoài nước. Tuy nhiên, không phải tác phẩm nào cũng nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng. Trong khi đó, những nghệ sĩ này còn phải chi trả cho các khoản phí để duy trì sự xuất hiện của tác phẩm trên sàn giao dịch, đây là một con số không hề nhỏ. chờ một tác phẩm nào đó được mua, những người này phải bỏ ra khoản phí không hề nhỏ để đưa tác phẩm lên sàn.
Vì là một hình thức giao dịch tài sản khá mới, việc định giá một tác phẩm NFT đang tương đối khó khăn, nếu không muốn nói là có thể dễ dàng bị thao túng. Tuy nhiên, chúng vẫn có một số công thức định giá và tuân theo quy tắc của thị trường. Có 3 tham chiếu cơ bản bao gồm: Độ hiếm của tác phẩm, Giá trị ứng dụng của tác phẩm và Tính hữu hình của tài sản NFT.
Độ hiếm là một khái niệm khá mơ hồ, đơn giản, nếu NFT đó có một số lượng giới hạn, thuộc về một nghệ sĩ nổi tiếng và không còn được sáng tác thêm, thì đó là một NFT đắt giá.
Đến với quy tắc thứ hai, một NFT có thể được ứng dụng cả ngoài đời lẫn trong thế giới ảo ví dụ như thẻ bài, mô hình sưu tập hay các nhân vật trong game NFT được gọi là có trị tiện ích khi có thể được giao dịch và quy đổi ra các loại tiền pháp định. Giá trị này được xác định dựa vào độ uy tín, tiềm năng dự án và quy mô cộng đồng tham gia.
Cuối cùng là tính hữu hình của tài sản. Một số NFT được liên kết với những nhân vật, tổ chức ngoài thực tế và mang lại giá trị hữu hình. Ví dụ điển hình của tham chiếu này là câu lạc bộ Du thuyền Bored Ape với bộ sưu tập 10.000 avatar NFT hình vượn đình đám một thời. Những người sở hữu NFT này được hưởng một số đặc quyền thực tế như cung cấp cơ hội kinh doanh, tham gia các buổi gặp gỡ và những NFT hình vượn này như một “tấm kim bài” chứng minh họ là thành viên hội Bored Ape.
“Tuy nhiên, phải lưu ý rằng rất ít NFT đang lưu hành trên thị trường thực sự có giá trị quy đổi. Hầu hết các tác phẩm nghệ thuật gắn mác NFT nhưng vẫn vô giá trị. Để bán được, trước tiên chúng ta phải chứng minh được giá trị của nó. NFT đó phải giải quyết được vấn đề cụ thể hoặc gắn với nghệ sĩ, sự kiện nổi tiếng. Nếu không, chúng chỉ là những tài sản vô nghĩa. NFT không phải cây đũa thần hô biến một vật bất kỳ thành món tài sản có giá trị hàng trăm nghìn USD như mọi người đang kỳ vọng”, một chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật số nhận định.