Sau đây là cách khắc phục cũng như những nguyên nhân khiến điều hòa không mát hoặc không thể hoạt đồng như bình thường.
Điều hòa không mát, có thể do lưới lọc của dàn nóng và dàn lạnh bị bám bẩn
Không vệ sinh lưới lọc thường xuyên sẽ khiến lưới lọc bị bám đầy bụi bẩn, điều hòa phải hút gió vào và đẩy gió ra ít hơn nhưng công suất tiêu thụ lại cao hơn bình thường, gây tiếng ồn nhiều hơn nhưng không mang lại hiệu quả làm lạnh tốt.
Để khắc phục tình trạng điều hòa không mát như trên, bạn nên vệ sinh lưới lọc định kỳ 6 tháng một lần. Đối với những gia đình miền Bắc, cần tổng vệ sinh máy trước khi bước vào mùa hạn để đảm bảo điều hòa đạt được hiệu quả làm mát tối ưu, theo báo Tuổi Trẻ.
Điều hòa bị thiếu hoặc hết gas
Lượng gas trong điều hòa điều hòa không đủ làm lạnh không khí cũng là một nguyên nhân khiến điều hòa kém lạnh
Lắp ráp không đúng tiêu chuẩn khiến đường ống dẫn gas bị rò rỉ hoặc sử dụng lâu ngày không nạp gas làm lượng gas không đủ làm lạnh không khí.
Khi hết gas có những biểu hiện thường thấy: Tuyết bám trên van ống nhỏ của dàn lạnh; dòng điện hoạt động thấp hơn so với định mức ghi trên máy; những dòng sản phẩm điều hòa đời mới thường tự động tắt máy sau 10 – 15 phút và báo lỗi.
Khi gặp những biểu hiện trên, bạn nên đến trung tâm bảo trì, bảo dưỡng có uy tín để được hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, bạn nên kiểm tra, nạp gas điều hòa định kỳ 6 tháng 1 lần để máy luôn hoạt động tốt.
Máy nén bị hỏng
Khi máy nén hỏng điều hòa vẫn hoạt động bình thường nhưng không khí thổi ra từ máy không được làm mát
Máy nén là một bộ phận quan trọng đối với điều hòa, khi máy nén hỏng điều hòa vẫn hoạt động bình thường nhưng không khí thổi ra từ máy không được làm mát.
Có rất nhiều nguyên nhân gây hư hỏng máy nén như: mất nguồn cấp, lỗi mạch điều khiển… Bộ phận này đòi hỏi phải gặp thợ sửa chuyên nghiệp để kịp thời kiểm tra và khắc phục, tránh trường hợp khách hàng tự ý thay mới toàn bộ gây lãng phí.
Hỏng tụ điện, bảng mạch
Tụ điện, bảng mạch bị hỏng sẽ biến máy điều hòa thành một chiếc quạt gió thông thường. Nguyên nhân thường gặp: Điều hòa hoạt động quá tải; điều hòa duy trì ở nhiệt độ quá thấp (dưới 20 độ C) liên tục trong thời gian quá dài.
Cách khắc phục: Liên hệ với trung tâm bảo trì để được thay mới tụ điện, bảng mạch; để giảm thiểu hư hỏng tụ chỉ nên duy trì điều hòa ở mức nhiệt độ từ 25 – 27 độ C. Vệ sinh bảng mạch thường xuyên ngăn chặn kịp thời côn trùng làm tổ gây chập cháy bảng mạch. Khi vệ sinh phải tắt nguồn đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Điện không đủ tải
Hầu hết các dòng điều hòa tại Việt Nam có thể hoạt động tốt trong phạm vi nguồn điện từ 200 – 230V. Thế nhưng trong những ngày nắng nóng vừa qua, do nhu cầu dùng thiết bị điện tăng cao đột biến, nên tại nhiều khu vực ngoại thành, thậm chí tại một số nơi trong nội thành Hà Nội, đã có hiện tượng quá tải nhiệt, khiến một số nơi điện cung cấp chỉ còn dưới 200V.
Điện cung cấp không đủ khiến máy điều hòa, đặc biệt là các dòng thế hệ cũ, máy nén (block) không thể hoạt động trơn tru và kém hiệu quả. Thậm chí một số trường hợp điện chập chờn còn gây cháy, hỏng bảng mạch bên trong thiết bị.
Để khắc phục điều này, người dùng tại những khu vực điện kém ổn định, điện yếu, nên tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết, tránh khung giờ cao điểm (6-8 giờ tối), hoặc mua thêm bộ ổn áp để dùng cho các thiết bị điện trong nhà, báo Dân Trí cho hay.
Lắp máy điều hòa ở góc tường nóng
Đây là trường hợp rất nhiều gia đình gặp phải khi lắp điều hòa ở bức tường nóng nhất trong phòng. Nguyên nhân là do hiện nay, nhiều gia đình ở chung cư hoặc các căn nhà có diện tích hẹp nên hạn chế trong việc chọn được góc phù hợp để lắp đặt cả dàn nóng và dàn lạnh đảm bảo cho hệ thống điều hòa hoạt động tối ưu.
Thêm đó, cũng không ít người cho rằng việc lắp điều hòa ở góc phòng nóng sẽ nhanh chóng giảm nhiệt. Tuy vậy, đây là quan niệm hoàn toàn sai lầm và dễ dẫn đến tình trạng máy điều hòa phải chạy quá tải khi phải làm mát bức tường quá nhiệt trước rồi mới đến không khí trong phòng. Đặc biệt với những ngày thời tiết ngoài trời lên đến hơn 40 độ C, thì việc để điều hòa nhiệt độ ở góc phòng nóng, bị nắng chiếu trực tiếp sẽ khiến điều hòa nhiệt độ phải hoạt động liên tục mà vẫn không thể làm mát đủ nhu cầu.
Tốt nhất, bạn nên lắp điều hòa ở những góc mát để nhiệt độ trong phòng giảm nhanh rồi mới từ từ mát những bức tường xung quanh. Tuy nhiên, cũng nên lưu ý không nên kéo hệ thống dẫn giữa dàn nóng, lạnh quá dài vì như vậy hệ thống sẽ không hoạt động tối ưu.
Công suất điều hòa chưa thực sự phù hợp
Công suất điều hòa nhiệt độ cũng ảnh hưởng đến khá nhiều yếu tố: vật liệu xây dựng, nguồn nhiệt tác động đến căn phòng, số lượng người sử dụng, tần suất sử dụng…Vì thế, không phải căn phòng nào cũng có tiêu chuẩn giống nhau. Tình trạng điều hòa nhiệt độ không đủ lạnh thường xuyên xảy ra ở các gia đình có đông nhân khẩu, không gian quá rộng và không khép kín; Hay ở các công sở, nơi phòng làm việc có nhiều người, nhiều loại máy móc và thiết bị gia nhiệt hay có quá nhiều người thường xuyên ra/vào.
Để tránh tình trạng này, trước khi mua điều hòa nhiệt độ, người mua có thể cộng/trừ thêm khoảng 5 – 10m3/công suất. Trường hợp trong lúc sử dụng phòng có mặt ngoài bị chiếu nắng trực tiếp, thông với phòng khác, có quạt hút thông gió… hãy cộng thêm từ 0.3 – 0.5 Hp tùy mức độ nhiệt nóng làm tổn thất công suất lạnh.
Với công thức như trên, bạn có thể tự tính ra công suất điều hòa cần thiết cho căn phòng của mình tùy theo chiều cao, diện tích, thể tích và hướng nhà. Khi mua máy lạnh cần xem xét, tính toán tất cả các yếu tố có thể tác động đến hoạt động của máy để chọn cho mình một máy lạnh có công suất phù hợp nhất.