HTC U12 Plus là phiên bản kế nhiệm của U11 năm ngoái với vẻ ngoài trau chuốt và hoàn thiện hơn. Bên cạnh đó, điểm nhấn thứ hai của model này có thể kể đến chính là bộ tứ camera hoành tráng.
Mặc dù sở hữu nhiều ưu điểm đáng khen nhưng HTC U12 Plus vẫn vấp phải một số nhược điểm “rành rành trước mắt”. TechTimes sẽ đánh giá nhanh những điểm nổi bật của dòng smartphone cao cấp nhất của HTC vừa ra mắt tại Việt Nam với giá 19,99 triệu đồng này.
Tuy “to xác” nhưng cầm nắm rất thoải mái
HTC U12 Plus có kích thước lớn 6 inch, phần khung được gia công bằng chất liệu kim loại còn mặt lưng làm từ kính với phong cách cực kỳ bóng bẩy. Điều này sẽ khiến cho máy rất dễ bám dấu vân tay.
Do HTC vẫn sử dụng ngôn ngữ thiết kế Liquid Surface cho U12 Plus nên máy không chỉ có vẻ ngoài độc đáo, mà những đường cong ôm sát thân máy còn giúp người dùng cầm nắm thiết bị thoải mái hơn dù có kích thước lớn.
Không những thế mặt lưng của HTC U12 Plus còn phản xạ ánh sáng và thể hiện chiều sâu từ mọi góc nhìn. Dù mang màu sắc nhất định như hai phiên bản bán tại Việt Nam là đen gốm (Ceramic Black) và đỏ quyến rũ (Flame Red), nhưng điện thoại sẽ không ngừng thay đổi màu sắc theo điều kiện ánh sáng và môi trường thực tế bên ngoài.
Các chi tiết như camera kép, đèn LED Flash và cảm biến vân tay được bố trí thành hình chữ T ở mặt sau máy, nhờ vậy người dùng không phải vương ngón tay lên quá cao để sử dụng cảm biến vân tay.
Mặt trước và mặt sau của điện thoại được bảo vệ bằng kính cường lực Gorilla Glass 3, mà HTC tuyên bố rằng U12 Plus có thể giảm “thương tích” tối đa khi rơi rớt nhất là ở các góc uốn cong cực đại.
Tuy nhiên khi trải nghiệm thực tế phần mặt lưng bằng kính vẫn bị trầy xước nhỏ do bất cẩn để trên một số bề mặt. Có lẽ HTC nên dùng phiên bản Gorilla Glass 5 sẽ bảo vệ máy tốt hơn, nhưng dù sao đi nữa thì dùng phiên bản kính cường lực nào của Corning vào thời điểm hiện tại cũng chỉ giảm trầy xước mà thôi. Nên TechTimes khuyên bạn nên gắn ốp lưng cho U12 Plus để tránh mất thẩm mỹ khi dùng lâu dài.
Ở phần “mặt tiền”, HTC đã bắt kịp xu hướng mỏng hóa các viền màn hình nên nhìn đẹp không thua gì các đối thủ như Samsung Galaxy S9, LG G7 ThinQ và OnePlus 6. Đây được xem là ưu điểm lớn khi so với U11 với phần viền màn hình quá dày.
Màn hình Super LCD HDR 10 rộng 6 inch có tỷ lệ khung hình 18:9 và độ phân giải 2.880 x 1.440 pixel, với mật độ điểm ảnh là 537 ppi, mang đến khả năng hiển thị nội dung sắc nét và giàu màu sắc nhưng có điều độ sáng của U12 Plus chưa cao cho lắm (tương đối khó khăn khi dùng ngoài trời nắng). Trong khi đó góc nhìn của máy cũng không mấy tốt, khá tối khi nhìn từ bên trái/phải sang.
Một cổng sạc kiêm kết nối USB Type-C nằm ở đáy máy cùng với một dải loa ngoài nằm sát bên. Bạn sẽ hài lòng với âm thanh trong trẻo, lớn và hay từ loa ngoài BoomSound. Thiết kế loa woofer và tweeter riêng biệt mang lại âm thanh mạnh mẽ và trầm bổng.
Khi Edge Sense 2 kết hợp với phím bấm cảm biến lực
Tất cả các phím bấm thế hệ mới (được gọi là phím bấm cảm biến lực) trên HTC U12 Plus đều được đặt ở bên cạnh phải, bao gồm phím tăng/giảm âm lượng nằm trên cùng, còn phím nguồn nằm bên dưới.
Với phím bấm cảm biến lực sẽ mang đến cho người dùng một trải nghiệm cảm ứng cực nhạy và thông minh, giống như cơ chế trên phím home của dòng iPhone 7 và iPhone 8 của Apple. Tuy nhiên nếu bạn đã quen với cảm giác bấm vào phím vật lý thì thời gian đầu sẽ khá khó chịu khi dùng phím bấm cảm biến lực.
Chưa kể khi bạn chạy bộ và cầm U12 Plus trong tay cũng dễ kích hoạt chế độ nào đó do chạm vào phím bấm cảm biến lực, hay khi bỏ điện thoại vào túi quần chẳng hạn,…
HTC cho biết dùng phím bấm cảm biến lực sẽ giúp U12 Plus chống nước tốt hơn. Tuy nhiên model này cũng chỉ đạt chuẩn IP68 như trên Galaxy S9 (dùng phím vật lý mà vẫn chống nước rất tốt).
TechTimes thấy rằng đôi khi phím bấm cảm biến lực gây ra một số bất tiện cho người dùng, nên hy vọng thời gian tới, hãng này sẽ tung ra bản cập nhật phần mềm mới để người dùng tùy chỉnh lại các cơ chế sử dụng một cách phù hợp nhất.
Về phần Edge Sense 2, bên cạnh việc bóp viền để thao tác, phiên bản này còn có các tính năng mới như gõ đúp và giữ. Thao tác nhanh hơn, tốt hơn và còn rất thoải mái khi sử dụng chỉ với một tay.
- Gõ đúp: Gõ đúp vào cạnh, thuận tiện khi sử dụng một tay, cho dù bạn thuận tay trái hay tay phải. Một màn hình nhỏ có thể tuỳ biến sẵn sàng hỗ trợ bạn ngay đầu ngón tay. Bạn có thể chuyển đổi thành phím Quay lại hoặc một Thanh điều hướng mới để thoải mái trải nghiệm màn hình rộng tỉ lệ 18:9. Thiết kế thật sự trực quan.
- Nhấn giữ trên màn hình: Chỉ cần thao tác nhấn giữ là bạn đã có thể cài đặt màn hình theo cách mà bạn muốn, ngay cả khi đang nằm thư giãn. Không phải phiền phức cài đặt chế độ xoay hay giảm độ sáng màn hình.
- Bóp cạnh viền: Đơn giản chỉ cần bóp nhẹ cạnh viền để chụp ảnh, khởi chạy Trợ lý ảo và kích hoạt Edge Launcher, dễ dàng tuỳ biến để truy cập nhanh các ứng dụng yêu thích, danh bạ và cài đặt nhanh.
Hiệu suất “miễn chê”
HTC U12 Plus được trang bị bộ vi xử lý Snapdragon 845 của Qualcomm kết hợp với dung lượng RAM 6 GB và tùy chọn bộ nhớ trong 64 GB hoặc 128 GB. Với thông số này, chắc chắn hiệu suất của U12 Plus không thua kém gì các smartphone flagship khác đang có mặt trên thị trường hiện nay, bằng chứng khi thử nghiệm nhanh với các công cụ benchmark. Cụ thể điểm số như sau:
- AnTuTu 3DBench: 250.938 điểm.
- Geekbench 4 (CPU): 2.406 điểm ở bài đơn nhân, còn đa nhân là 8.787 điểm.
- 3DMark Sling Shot Extreme (Vulkan): 2.776 điểm.
HTC U12 Plus có thể xử lý bất kỳ tác vụ, ứng dụng, game nào mà bạn đưa ra. Hơn hết là khi hoạt động trong nhiều giờ liền máy cũng không nóng.
Lợi thế được cài sẵn Android 8.0 Oreo
U12 Plus được cài sẵn Android 8.0 Oreo với giao diện HTC Sense UI, nhưng không có nhiều tùy chỉnh.
Trong khi đó HTC lại không cài cho U12 Plus các ứng dụng “cây nhà lá vườn” tương tự như BlinkFeed (tính năng cập nhật tin tức tổng hợp, sử dụng bằng cách vuốt lên hoặc xuống ở màn hình chính để duyệt các câu chuyện), hay HTC Sense Companion (học hỏi thói quen hàng ngày của bạn, rồi đưa ra các thông báo, nhắc nhở,…). Tuy nhiên, hai tính năng này có lẽ cũng không có nhiều người sử dụng.
Nhìn chung hầu hết ứng dụng mặc định trên máy nhìn “khá chán”, nhất là Bloatware (các ứng dụng của hãng hoặc bên thứ ba được cài sẵn trên máy khi bán ra, phần nhiều ít được quan tâm, chỉ tốn bộ nhớ và đôi khi chạy ngầm gây hao pin) và dĩ nhiên bạn không thể gỡ bỏ những ứng dụng này một cách dễ dàng.
Dự kiến U12 Plus sẽ được cập nhật Android P vào cuối năm nay. Hy vọng, HTC sẽ dành ra chút thời gian để lắng nghe nguyện vọng của người dùng và gỡ bỏ bớt những Bloatware không cần thiết.
Bộ tứ camera quyền lực
Với 4 camera, HTC U12 Plus giúp bạn chụp được những hình ảnh có chất lượng rất tốt. Cụ thể, camera kép phía sau có độ phân giải 12 MP + 16 MP (hỗ trợ chống rung quang học OIS và chống rung điện tử EIS), còn camera kép phía trước đều 8 MP.
Camera sau hỗ trợ lấy nét siêu tốc với công nghệ UltraSpeed AutoFocus thế hệ thứ 2, cùng với đó là Zoom quang học 2x và zoom kỹ thuật số 10x cho phép camera tập trung vào hành động và chủ thể nhưng vẫn bảo toàn chi tiết cho bức ảnh.
Trên cả camera kép trước và sau đều hỗ trợ chế độ chụp hiệu ứng Bokeh, mang lại những hiệu ứng tự nhiên long lanh và đầy nghệ thuật cho phần hậu cảnh.
Nhờ có tính năng HDR Boost 2, hình ảnh vẫn đảm bảo được chi tiết, ít bị nhiễu ngay cả khi thiếu sáng hoặc ánh sáng quá mạnh.
Ngoài ra, bạn còn có thể thêm nhiều hiệu ứng thú vị và vui nhộn cho các bức ảnh, thước phim ngay khi chụp với bộ hình dán thực tế ảo tăng cường – AR sticker.
Tóm lại
Qua quá trình trải nghiệm ban đầu cho thấy, HTC U12 Plus có thiết kế tốt, màn hình hiển thị đẹp, nhiều tính năng hữu dụng, đặc biệt là camera chất lượng cao, hiệu năng mạnh mẽ. TechTimes sẽ đánh giá chi tiết hơn ở bài viết sau để bạn có thêm thông tin trước khi quyết định có nên mua sản phẩm cao cấp của HTC này hay không?
Ưu điểm:
- Màn hình viền mỏng, đẹp, hiển thị nội dung xuất sắc.
- Hiệu năng sử dụng cao.
- 4 camera chất lượng tốt.
- Chất lượng âm thanh tuyệt vời.
Nhược điểm:
- Phím bấm cảm biến lực đôi khi khá "bất cập" với người dùng mới.
- Hệ điều hành cài khá nhiều Bloatware.
- Góc nhìn màn hình chưa rộng lắm.
-
Thiết kế
-
Màn hình
-
Hệ điều hành
-
Camera
-
Cấu hình