Trung bình cáp quang biển tại Việt Nam gặp sự cố 10 lần mỗi năm, mỗi lần sửa kéo dài cả tháng, gây ảnh hưởng đến kết nối Internet của người dùng.
Thực trạng nói trên về hạ tầng Internet Việt Nam được ông Hoàng Đức Dũng, đại diện Viettel Networks và ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông nêu tại sự kiện Internet Day hôm 15/12.
Theo ông Dũng, mức độ đảm bảo về hạ tầng quốc tế phục vụ kết nối Internet cho người dùng Việt hiện thấp nhất trong khu vực. Thống kê cho thấy cáp quang biển kết nối Việt Nam với thế giới đứt khoảng 10 lần mỗi năm và mỗi lần kéo dài khoảng một tháng. Điều này khiến nhà mạng chỉ khai thác sử dụng được 3/4 khả năng của tuyến cáp đó. Thực tế trong năm 2021, nhiều tuyến cáp liên tục gặp sự cố, ảnh hưởng đến việc kết nối Internet quốc tế của người dùng.
Chẳng hạn, tuyến AAE-1 gặp trục trặc ngày 4/9 khiến 20% dung lượng đi quốc tế bị ảnh hưởng và đến 27/11 mới hoàn tất quá trình sửa chữa. Tuyến APG bị đứt ngày 29/10, gây mất kết nối giữa Việt Nam và Nhật Bản, Mỹ. Đến hết ngày 29/11, toàn bộ lưu lượng mới trở lại ổn định. Trong khi đó, sự cố đứt cáp AAG xảy ra từ ngày 23/10, mất toàn bộ lưu lượng đi quốc tế trên tuyến này nhưng phải đến 15/12 mới được khắc phục.
Không chỉ thiếu ổn định, số lượng cáp quang biển Việt Nam cũng ở mức thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Theo đại diện Viettel, Việt Nam có hơn 97 triệu dân, hơn 68 triệu người sử dụng Internet nhưng lại chỉ có 7 tuyến cáp biển, có nghĩa trung bình 14 triệu dân trên một tuyến cáp. Trong khi đó, Singapore có 30 tuyến cáp trên 5,85 triệu dân, Malaysia 22 tuyến trên 32,3 triệu dân, Thái Lan 10 tuyến trên 69,8 triệu dân.
Trong số 7 tuyến cáp kết nối tới Việt Nam gồm SMW3, AAG, IA, APG, AAE-1, SJC2, ADC, tuyến SMW3 đã cũ khi được khai thác từ năm 1999 và chuẩn bị phải thanh lý, còn AAG và IA cũng đã vận hành 12 năm, từ 2009.
Theo ông Dũng, hạ tầng cáp quang biển chưa đủ dùng cho các doanh nghiệp viễn thông, khiến họ phải thuê thêm các tuyến cáp qua đất liền tới Hong Kong. Khi có sự cố đứt, doanh nghiệp chưa đủ hạ tầng ứng cứu, trong khi nhu cầu sử dụng Internet tại Việt Nam ngày càng tăng.
Điểm sáng về Internet tại Việt Nam năm qua nằm ở tốc độ và mức giá.Dẫn thống kê của cable.co.uk, ông Nguyễn Phong Nhã nói Việt Nam là một trong những thị trường có giá cước Internet băng rộng cố định rẻ nhất thế giới, đứng thứ 12/211. Báo cáo của Liên minh Viễn thông quốc tế ITU cũng cho thấy, giá Internet cố định/bình quân thu nhập của người Việt ở mức thấp, bằng 41% giá trung bình trên thế giới.
Tốc độ download và upload của Internet Việt Nam đạt lần lượt 84,12 và 74,42 Mb/giây, ở mức khá so với tốc độ trung bình trên thế giới là 116,86 và 64,73 Mb/giây. Trong khu vực ASEAN, tốc độ Internet của Việt Nam kém Singapore, Thái Lan và Malaysia, tốt hơn Indonesia, Philippines, Campuchia, Lào, Brunei, Myanmar.
Các chuyên gia cho rằng, hạ tầng Internet tại Việt Nam cần cải thiện trong thời gian tới, khi nhu cầu của người dùng ngày càng tăng. Theo thống kê của Cục Viễn Thông, trong giai đoạn Covid-19 từ tháng 1/2020 đến tháng 10/2021, lưu lượng Internet băng rộng tại Việt Nam tăng hơn 40% từ 4.955 petabyte lên 6.977 petabyte. Cao điểm trong tháng 8, tổng dung lượng đạt 7.824 petabyte. Đặc biệt trong giai đoạn này, lưu lượng Internet băng rộng di động tăng 95%, từ 346 lên 677 petabyte.
Viettel dự báo dung lượng kết nối quốc tế từ Việt Nam sẽ tăng thêm 30% mỗi năm, đạt ít nhất 87 Tbps vào năm 2030 và có thể lên đến 316 Tbps nếu tốc độ tăng trưởng đạt 50% mỗi năm. Nghiên cứu độc lập từ Huawei và Cisco cũng thể hiện những con số tương tự.
“Đến 2030, cần mở rộng kết nối quốc tế gấp 10 lần hiện tại và có thể lên đến 40 lần với dự báo tăng trưởng khả quan”, ông Dũng nói.
Còn theo đại diện Cục Viễn thông, để nâng cao chất lượng Internet băng rộng, doanh nghiệp viễn thông cần thực hiện bốn giải pháp gồm: nâng cấp băng thông với mục tiêu phủ đại trà hơn 70% người dùng gói cước 100 Mb/giây vào năm 2022; thay thế modem/router cũ bằng các mẫu mới hỗ trợ băng tần kép 2,4 và 5 GHz; tăng cường tuyến cáp quốc tế, đồng thời sửa đổi quy chuẩn để nâng cao chất lượng. Còn với Internet di động, giải pháp gồm bổ sung băng tần cho hệ thống 4G, chia sẻ hạ tầng dùng chung giữa các nhà mạng tại các đô thị lớn, mở rộng quy mô thử nghiệm 5G.
Ngoài ra, đại diện Cục Viễn thông và Trung tâm Internet Việt Nam cũng cho rằng cần có những giải pháp lâu dài như xây dựng trung tâm dữ liệu trong nước, đẩy mạnh sử dụng các sản phẩm công nghệ trong nước để giúp giảm ảnh hưởng khi kết nối quốc tế có vấn đề.
Theo VnExpress