Giữa thời tiết nắng mưa thất thường, các món đồ gia dụng có thể bị hỏng hóc bất cứ lúc nào bởi độ ẩm và nấm mốc.
Độ ẩm cao không chỉ khiến chúng ta thấy bứt rứt mà các thiết bị điện tử gia dụng cũng “khó chịu” không kém. Đặc biệt là đối với mùa nồm, ẩm ở miền Bắc. TechTimes mách bạn 7 cách dưới đây để bảo quản đồ gia dụng, hoạt động được tốt và lâu dài trong và sau những mùa ẩm ướt.
Không để thiết bị quá sát tường
Tường nhà dễ bị ẩm ướt bởi nước mưa. Nơi đây thường dễ xảy ra sự cố chập điện, đặc biệt là khi bạn đặt các thiết bị điện tử gia dụng quá sát tường hoặc sát với nhau. Do đó, bạn nên đặt các thiết bị ở nơi khô ráo, an toàn, cách tường 10 – 15 cm. Đối với các thiết bị gia dụng trong bếp, bạn nên đặt cách nền nhà ít nhất 80 – 100 cm.
Không để thiết bị “nằm yên” quá lâu
Giữa thời tiết ẩm ướt, thiết bị gia dụng sẽ càng có nguy cơ hỏng hóc nếu bạn để chúng “nằm yên” một chỗ quá lâu. Đối với TV, máy tính, thay vì tắt hẳn, bạn nên để chúng ở chế độ chờ. Bởi chúng có cơ chế toả nhiệt, làm nóng và có thể tự sấy khô linh kiện bên trong. Việc để thiết bị ở chế độ chờ không tốn nhiều điện năng nên bạn không cần quá lo lắng. Thậm chí việc để thiết bị ở chế độ chờ còn tiết kiệm được một lượng điện năng và bảo vệ các linh kiện bên trong khi bạn không cần phải việc bật/tắt thiết bị liên tục.
Một cách khác để bảo quản đồ gia dụng là bạn nên bật các thiết bị này 1 lần/1 ngày trong một thời gian ngắn để tránh tình trạng bị đọng nước, ẩm mốc vì không được toả nhiệt.
Tránh dùng máy sấy sấy trực tiếp vào thiết bị điện tử bị ẩm ướt
Cho dù thiết bị có bị dính nước hay ẩm ướt như thế nào, bạn cũng không nên dùng máy sấy sấy trực tiếp để hong khô. Bởi nhiệt độ của máy sấy dễ làm hỏng các vi mạch, khiến thiết bị càng bị hỏng nhanh hơn. Bạn có thể dùng máy sấy để sấy các thiết bị có kích thước lớn hoặc có nắp đậy. Nhưng vẫn nên hạn chế hết mức có thể cách này. Cách tốt nhất là dùng khăn khô lau sạch, đặt ở nơi khô, thoáng mát, cho vào tủ chống ẩm hoặc đem đi bảo hành, sửa chữa nếu thiết bị đã bị ẩm ướt nặng.
Tránh lau nhà quá thường xuyên
Nghe có vẻ… không liên quan, nhưng việc lau nhà quá nhiều cũng ảnh hưởng đến các thiết bị điện tử gia dụng. Đặc biệt là các thiết bị phải tiếp xúc trực tiếp với sàn nhà như tủ lạnh, máy giặt, quạt máy, máy lọc không khí… Thời tiết ẩm ướt, sàn nhà sũng nước sẽ dễ khiến các thiết bị này bị hỏng hóc, chập điện. Nếu muốn giữ cho sàn nhà luôn sạch sẽ, bạn nên lau bằng khăn khô, có độ xốp và độ ẩm vừa phải.
Bật điều hoà chế độ khô
Ngoài việc hạn chế độ ẩm trong phòng bằng cách mở cửa sổ, cửa ra ban công và bật quạt máy, bạn cũng có thể bảo quản đồ gia dụng bằng cách bật điều hoà chế độ khô. Cách này sẽ giúp không khí trong phòng thoáng mát, khô tự nhiên mà không lo không khí nồm ẩm từ bên ngoài tràn vào.
Cho thiết bị vào tủ chống ẩm
Nếu điều kiện kinh tế cho phép, bạn nên trang bị một chiếc tủ chống ẩm hoặc hộp chống ẩm để bảo quản các thiết bị điện tử như máy ảnh, ống kính, máy tính bảng, điện thoại… Bạn nên để tủ chống ẩm trong điều kiện độ ẩm khoảng 30-55%, không khí quá khô cũng sẽ ảnh hưởng đến thiết bị.
Và cuối cùng, cách bảo quản đồ gia dụng tốt nhất là thường xuyên lau chùi
Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Không có cách bảo quản nào tốt hơn bằng việc thường xuyên lau chùi và kiểm tra các thiết bị. Tủ lạnh, lò nướng, lò vi sóng, máy điều hoà, quạt máy, máy hút mùi… là những sản phẩm gia dụng bạn nên lau chùi thường xuyên, ít nhất 1 lần/1 tuần bởi chúng rất dễ bị bám bụi và thức ăn. Bụi và vết bám của thức ăn sẽ khiến chúng hoạt động không được tốt, dễ bị ẩm mốc, đồng thời gây mùi khó chịu, ảnh hưởng đến sức khoẻ gia đình.
Tác hại của thời tiết ẩm ướt đối với một vài thiết bị điện tử |
---|
– TV là một trong số những thiết bị gia dụng dễ bị ảnh hưởng bởi độ ẩm nhất. Bởi diện tích tiếp xúc của TV với không khí lớn. Khi bị ảnh hưởng bởi độ ẩm, chất lượng hình ảnh sẽ giảm, bị nhoè, nhiễu thường xuyên hoăc bật lâu không lên. – Loa và amply cũng dễ bị hỏng hóc bởi độ ẩm, gây nhiễu tiếng và âm thanh bị “rè”. – Máy ảnh, ống kính, film cuộn khi bị ẩm mốc sẽ khiến hình bị giảm chất lượng. |