Việt Nam phải giải quyết những vấn đề căn cơ trước mắt rồi mới tính đến chuyện xây dựng thành phố thông minh (Smart City).
UBND TP Đà Nẵng vừa công bố sẽ chi hơn 2.100 tỷ đồng để thực hiện đề án xây dựng thành phố thông minh (Smart City) từ nay đến năm 2025, nối dài thêm danh sách hơn 30 tỉnh, thành phố đang triển khai hoặc khởi động các đề án về thành phố thông minh.
Tuy nhiên, việc xây dựng thành phố thông minh có thực sự cần thiết và ở Việt Nam liệu có hay không tình trạng xây dựng thành phố thông minh chỉ mang tính phong trào?
Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, một số chuyên gia đều khẳng định việc xây dựng thành phố thông minh là một xu thế tất yếu nhưng phải tìm hiểu cặn kẽ vấn đề để tìm ra hướng đi phù hợp.
PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen, chỉ ra thực trạng nhiều địa phương hô hào xây dựng thành phố thông minh nhưng khái niệm, nhận thức như thế nào là thành phố thông minh hiện vẫn còn nhiều tranh cãi. Vì thế, theo ông, không nên quá vội vã trong việc này.
“Tôi nghĩ định hướng phát triển một thành phố hiện đại thì rõ hơn. Còn với thành phố thông minh, nhiều tỉnh, thành dường như vẫn còn lơ mơ về khái niệm, nếu vội vàng xác định một vài tiêu chí rồi đầu tư ào ạt, thiếu đi sự bài bản thì không khéo nó lại trở thành một phong trào, giống như phong trào xây sân bay, trụ sở trước đây ở các địa phương”, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi chỉ rõ.
Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cho rằng, điều căn cơ và cần thiết trước mắt mà các tỉnh, thành phố cần giải quyết đó là xây dựng một thành phố sạch và an toàn. Vệ sinh môi trường, ngập nước, kẹt xe, tai nạn giao thông, cướp giật trên đường phố…, đó mới là những vấn đề thực tế mà người dân mong chính quyền thành phố xử lý ráo riết.
“Khi thành phố chưa sạch, chưa an toàn mà đã tiến tới xây dựng thành phố thông minh, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài vào thì có vẻ nóng vội và không cẩn thận, Việt Nam sẽ trở thành “bãi rác” và nhận lại những thứ vô ích.
Còn đối với nhà đầu tư, suy nghĩ của họ rất đơn giản và việc mời gọi họ không hề khó khăn bởi đã là nhà đầu tư thì mục tiêu cuối cùng bao giờ cũng là lợi nhuận, bất kỳ dự án nào Việt Nam kêu gọi, họ thấy có lợi nhuận thì sẽ vào, thậm chí nhà đầu tư còn “dụ” đối tác có dự án này, dự án nọ để họ trúng thầu. Còn chuyện thành phố sẽ như thế nào, đi về đâu, tốn kém ra sao, phân bổ ngân sách thế nào… là chuyện của địa phương”, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi lưu ý.
Ông cũng nhắc lại câu chuyện mà ông đã thuộc nằm lòng từ khi đang học phổ thông, đó là vào những năm 70 của thế kỷ trước, Việt Nam chủ trương xây dựng nền kinh tế phát triển công nghiệp nặng. Điều ấy là quá vội vàng bởi công nghiệp nặng cần quá nhiều vốn, công nghệ trong khi Việt Nam lại không có. Ở giai đoạn đó, Việt Nam có lợi thế vào lao động nhưng lại không phát triển các ngành công nghiệp thâm dụng lao động. Hệ quả là đất nước không thể đi lên, mãi đến sau đổi mới, kinh tế Việt Nam mới khởi sắc và phát triển thấy rõ, lao động có việc làm, xã hội có nhiều bước chuyển thấy rõ.
Từ câu chuyện này, một lần nữa, PGS.TS Nguyễn Văn Ngãi khẳng định, các tỉnh, thành Việt Nam phải hết sức tỉnh táo và thận trọng bởi ngân sách có hạn thì phải chi cho những việc thiết thực, người dân được hưởng lợi nhanh nhất, còn thành phố thông minh nghe thì “hay thật hay” nhưng rất tốn kém và còn xa xôi.
Thể hiện một quan điểm khác, TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM trấn an rằng không nên lo ngại việc xây dựng thành phố thông minh chỉ mang tính phong trào bởi thời đại ngày nay là thời đại của công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số và truyền thông nhằm số hóa các vấn đề trong quản trị đô thị.
Cũng theo TS.KTS Võ Kim Cương, bản chất của thành phố thông minh chính là khai thác được trí tuệ con người, năng lực của hệ thống công nghệ thông tin nhằm tăng năng suất lao động, tạo ra năng suất lao động mới, quan hệ mới trong đô thị,
“Mục tiêu nâng cao năng suất lao động là mục tiêu bao trùm nhất trong thời đại công nghiệp hóa hiện nay, do đó các địa phương trên cả nước đều có nhu cầu và có điều kiện để trở thành TP thông minh.
Muốn vậy, phải xác định lại các điều kiện để đưa thành phố mình thành thành phố có năng suất lao động cao, môi trường sống tốt.
Chằng hạn, năng suất lao động có liên quan đến vấn đề giao thông đô thị. Nếu giao thông tắc nghẽn thì chắc chắn không thể có năng suất lao động cao. Muốn vậy, thành phố thông minh phải có hệ thống điều khiển giao thông tốt nhất để giải quyết vấn đề đó”, TS.KTS Võ Kim Cương nói.
Nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cũng chỉ ra một số trở ngại trong việc thực hiện thành phố thông minh ở Việt Nam.
Thứ nhất, thời đại CNTT là thời đại giao tiếp, trong khi khả năng hợp tác, giao lưu, trao đổi thông tin của người Việt lại kém. Do đó, phải khắc phục thói quen này.
Thứ hai, muốn có TP thông minh phải có hệ thống dữ liệu thông tin trao đổi với nhau. Điều này đòi hỏi các ngành, các cá nhân phải có ham muốn cung cấp thông tin và để được chia sẻ thông tin.
Thứ ba, phải đào tạo lại trình độ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, tạo ra thói quen mới trong xã hội thông minh.
Thứ tư là vấn đề kinh phí.
Đặc biệt, TS.KTS Võ Kim Cương lưu ý, phải rất cẩn trọng khi thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào xây dựng thành phố thông minh bởi không loại trừ khả năng nhà đầu tư đưa công nghệ vào mà có cài cắm một số thứ mà phía Việt Nam không nắm được, làm lộ thông tin bí mật, cần bảo vệ, rối loạn hệ thống…
Theo Đất Việt