Trong năm 2017, số lượng các vụ tấn công bằng mã độc tống tiền đã tăng tới hơn 300 lần so với năm 2016. Dự báo sang năm mới, chúng sẽ không chỉ nguy hiểm hơn mà còn trở nên vô cùng khó lường.
Theo các chuyên gia an ninh mạng đến từ Carbon Black, từ tháng 1 đến tháng 12 năm nay, số lượng vụ tấn công mạng vào các thiết bị đầu cuối đã tăng tới 328% so với cuối năm ngoái.
Điều này có nghĩa nếu một doanh nghiệp có khoảng 10.000 nhân viên thì sẽ phải đối mặt với… 1000 cuộc tấn công mỗi ngày. Trong đó, ransomware tiếp tục là công cụ tấn công chủ yếu của tội phạm. Chỉ tính riêng trong năm 2017, các doanh nghiệp trên toàn cầu đã bị thiệt hại tới 5 tỷ USD vì loại hình tấn công này.
Báo cáo mới nhất của Carbon Black cho thấy, năm 2017, ransomware thường nhắm tới các doanh nghiệp, các công ty công nghệ cao, các tổ chức chính phủ và công ty luật. Các biến thể ransomware nguy hiểm nhất trong năm bao gồm: Spora, CryptXXX/Exroute, Locky, Cerber và Cenasom…
Sau khi cuộc tấn công WannaCry diễn ra hồi tháng 5 đã khiến cả thế giới phải quan tâm đến mã độc tống tiền. 72% người tiêu dùng cho biết họ sẽ xem xét thay đổi tổ chức tài chính mà mình đang tham gia và 70% sẽ ngừng giao dịch với một nhà bán lẻ nếu phát hiện bị ransomware tấn công.
Hơn một nửa (52%) các cuộc tấn công năm 2017 được phát hiện không sử dụng các tập tin gốc để tạo ra lỗ hổng (không phải malware). Xu hướng này đã xuất hiện từ năm 2016 và dự báo vẫn tiếp tục phát triển trong các năm tới.
93% các nhà nghiên cứu bảo mật cho biết, các cuộc tấn công này gây ra nhiều thiệt hại hơn so với tấn công bằng malware.
Trong năm tới đây, các cuộc tấn công sẽ càng trở nên phức tạp hơn. Ransomware sẽ trở nên tập trung hơn bằng cách tìm kiếm các loại tập tin nhất định và nhắm mục tiêu vào các công ty cụ thể như luật pháp, y tế, môi trường chứ không đơn thuần một mục tiêu như hiện nay.
Đã có các loại ransomware nhắm mục tiêu vào các cơ sở dữ liệu, điều chỉnh mã code thuộc các đơn vị kinh doanh để chiếm giữ nhiều tập tin quan trọng và độc quyền như thiết kế AutoCAD
Việc ransomware sẽ tiếp tục được tạo ra, phát tán trong năm 2018 là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, không phải là không có cách để đối phó với những loại mã độc này. Chỉ cần người dùng lưu ý, luôn luôn cập nhật phần mềm mới nhất khi có thể, không kích vào những đường link lạ, sử dụng phần mềm bảo mật phù hợp… để hạn chế khả năng lây nhiễm cao nhất có thể.
Theo Người Đưa Tin