Bắt đầu hành trình của mình vào năm 2008, Google Chrome chỉ mất vỏn vẹn 4 năm để chiếm lấy vị trí top 1 từ tay Internet Explorer.
Xuất hiện trên gần như mọi thiết bị có khả năng truy cập Internet, Chrome đã, đang và sẽ là trình duyệt phổ biến nhất trên toàn cầu. Mới chỉ ra đời năm 2008 và tồn tại vỏn vẹn 13 năm nhưng trình duyệt non trẻ này đã một tay đẩy đế chế hùng mạnh của ông hoàng Internet Explorer vào dĩ vãng. Google đã làm gì để đưa Chrome từ một kẻ vô danh đến vị trí đỉnh cao như hiện tại? Đó là một câu chuyện không quá dài.
Năm 2008 – Phiên bản beta của Google Chrome ra đời
Google ra mắt phiên bản thử nghiệm của Chrome vào ngày 2/9/2008. Đây được xem là thời điểm mà trào lưu smartphone đang bắt đầu được nhen nhóm. Lúc này, việc truy cập vào các trang web trên máy tính cá nhân hầu như đều thông qua Internet Explorer, còn trên thiết bị di động thì là các trình duyệt WAP.

Ngay từ những ngày đầu của quá trình phát triển, Google đã chọn xây dựng Chrome trên WebKit, một rendering engine hỗ trợ phân giải và hiển thị các ứng dụng dưới dạng web. Đây được xem là nước đi cao tay của gã khổng lồ tìm kiếm, vì bấy giờ, ông lớn này đang sở hữu khá nhiều sản phẩm dịch vụ dạng này, điển hình nhất là Google Maps.
Về sau, công ty này còn sáng tác một bộ truyện tranh để giải thích lý do tại sao họ tạo ra một trình duyệt mới. Trong khi thị trường vào năm 2008 đã vô cùng chật chội với những cái tên đình đám như Internet Explorer, Mozzila Firefox, Opera…


Tuy bộ comic dài tới 39 trang, nhưng trang đầu tiên đã gần như thể hiện hết triết lý của Google. Với họ, trải nghiệm trình duyệt lúc bấy giờ đã hoàn toàn lạc hậu. Mọi người không sử dụng Internet để chỉ truy cập các bài báo học thuật chỉ có chữ và số nữa, không gian web là một nơi rộng lớn có vô vàn nội dung để khám phá.
Lợi thế lớn nhất của Chrome vốn đã xuất hiện ngay từ giai đoạn beta này. Với việc tách riêng từng tab trình duyệt thành các môi trường riêng biệt (gọi là sandbox), Google đã giải quyết vấn đề cố hữu của các trình duyệt ở thời điểm bấy giờ, đó là hiện tượng treo web khi sử dụng, vốn không mấy xa lạ với người dùng Internet Explorer. Với sandbox, khi một website gặp sự cố, nó chỉ ảnh hưởng đến một tab trình duyệt duy nhất và không tác động tiêu cực đến trải nghiệm sử dụng chung.

Động thái tiếp theo giúp Google đi trước các đối thủ một bước đó là sự ra mắt của dự án mã nguồn mở Chromium. Một dự án mã nguồn mở là một điều gì đó vô cùng thời thượng vào năm 2008 và nó nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của các nhà phát triển đối với Chrome. Google biết rằng họ cần nguồn lực từ các nhà phát triển độc lập để tăng tốc, hoàn thiện và cả cải tiến Chrome. Chưa dừng lại ở đó, đây cũng là nền móng vững chắc cho kế hoạch lớn mang tên “tiện ích mở rộng”.
2009 – Chrome OS và các tiện ích mở rộng
Bước năm 2009, Chrome đã thu hút được không ít sự chú ý từ cả những nhà phát triển lẫn người dùng. Trong chưa đầy một năm, Chrome đã thu hút hơn 30 triệu người dùng, một con số vô tiền khoáng hậu tại thời điểm đó và cũng chưa có trình duyệt nào làm được điều tương tự.
Mùa hè năm đó, Google thông báo rằng họ đang xây dựng toàn bộ hệ điều hành dựa trên Chrome, được đặt tên đơn giản là “Chrome OS”. Mặc dù Chrome OS và cơ sở người dùng ngày càng tăng là điều quan trọng, nhưng chúng không phải là thành công lớn nhất của Chrome trong năm 2009.

Vào tháng 12/2009, Google ra mắt thư viện tiện ích mở rộng, đây được xem là sự kiện mang tính cách mạng vào thời điểm đó. Với sự ra mắt này, Google hy vọng sẽ có thể thuyết phục người dùng rằng, ứng dụng mới chính là tương lai.
Người dùng và các nhà phát triển ngay lập tức bị thu hút bởi các tiện ích mở rộng. Chỉ trong hơn một năm, thư viện này đã có hơn 10.000 tiện ích và theme. Tùy chỉnh là một điều thể hiện phong cách cá nhân sâu sắc và người dùng tỏ ra vô cùng thích thú với ý tưởng cá nhân hóa giao diện và chức năng trên trình duyệt của họ.

Vào cuối năm 2009, Chrome đã nắm trong tay 5% thị phần. Tuy nhiên, hành trình của Chrome chỉ mới bắt đầu và nó đang sở hữu những yếu tố để tạo nên một cuộc cách mạng thực thụ, sẵn sàng giúp Google chiếm thị phần lớn hơn nữa vào những năm sau đó.
2010 – Chrome Web Store ra đời
Với tốc độ phát triển chóng mặt của Chrome, đã đến lúc Google bắt đầu thu lợi từ trình duyệt này. Vào tháng 8 năm 2010, Google bắt đầu tính phí 5 USD cho mỗi ứng dụng được để phát hành trên thư viện tiện ích mở rộng. Đây vừa là một cơ hội kiếm thêm thu nhập vừa là một biện pháp an ninh cần thiết để Google có thể quản lý các ứng dụng trên nền tảng của mình. Với khoản phí 5 USD, Google có thể triển khai xác minh tên miền cho tất cả các ứng dụng mới được gửi để phát hành.

Trong suốt năm 2010, Chrome tiếp tục chứng kiến mức tăng người dùng lớn nhất từ trước đến nay. Từ con số 40 vào cuối năm 2009, số người dùng Chrome tăng vọt lên 120 triệu, đe dọa vị trí hàng đầu của Microsoft về thị phần trình duyệt. Có lẽ điều thú vị nhất là Microsoft đã không làm gì được để ngăn Chrome tiến lên phía trước.
Vào cuối năm 2010, Google đã ra mắt Chrome Web Store. Không giống như thư viện tiện ích mở rộng, đây là một cửa hàng ứng dụng thực thụ. Với sự bổ sung cần thiết này, Chrome nhanh chóng không chỉ trở thành trình duyệt nhanh nhất mà còn là trình duyệt linh hoạt nhất thế giới.
Các tiện ích, plugin và theme trong Chrome Web Store đã định hình cách mà người dùng sử dụng web và thậm chí cả cách kiếm tiền từ nội dung web. Với các tiện ích mở rộng có chức năng chặn quảng cáo xuất hiện, phương pháp kiếm tiền từ nội dung web bằng quảng cáo truyền thống không còn khả thi nữa. Điều này đã lại một lần nữa mở ra một cơ hội mới cho Google, mở đường cho gã khổng lồ tìm kiếm tìm đến đến lĩnh vực kinh doanh chủ chốt khác của họ ngày nay, cũng chính là quảng cáo!
2011 – Logo mới, Chromebook và trang “Tab Mới”
Ngày từ phiên bản beta, Chrome đã có một logo được thiết kế 3D, trông khá giống một quả Pokeball 3 màu. Tuy nhiên, đến tháng 3/2011, thiết kế này đã có vẻ lỗi thời. Apple bắt đầu xu hướng đưa các biểu tượng phẳng lên iOS và Google không muốn thiết kế của họ trở nên lạc quẻ. Gã khổng lồ tìm kiếm đã quyết định thay đổi logo của Chrome. Phối màu với 3 mảng xanh, đỏ và vàng vẫn được giữ nguyên, trong khi logo lại được “làm phẳng” để mang lại cảm giác hiện đại hơn.

Chưa muốn dừng lại, tháng 5/2011, Google ra mắt Chromebook. Tuy nhiên, do sức ảnh hưởng quá ghê gớm của Windows, giai đoạn đầu của những chiếc laptop chạy Chromebook đã gặp không ít khó khăn để tiếp cận người dùng. Về sau, thị phần của Chromebook cũng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự ra mắt của Apple iPad. Tuy nhiên, với sự bền bỉ đến từ các nhà sản xuất và những chỉnh sửa cần thiết từ Google, Chromebook đã trở nên vô cùng phổ biến, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.
Để kết thúc năm 2011, Chrome đã ra mắt một tính năng mới và nó trở thành tiêu chuẩn trên tất cả các trình duyệt – trang “Tab Mới”. Mặc dù đơn giản, nhưng trang “tab mới” lại là một ý tưởng mang tính đột phá. Việc tổng hợp tất cả các website hoặc ứng dụng yêu thích ngay khi mở ra tab mới thật sự hữu ích. Người dùng còn có quyền tùy chỉnh trang tab mới một cách tự do, nó giúp việc duyệt web được cá nhân hoá một cách tối đa.

Đến cuối năm 2011, Chrome đã chiếm gần 25% thị phần và bắt đầu “lăm le” vị trí thứ hai của Firefox. Để “chốt hạ” cuộc cách mạng của mình, Google cần đưa Chrome lên các thiết bị di động.
2012: Chrome đặt chân lên các thiết bị di động
Có một thực tế khá “hài hước” đó là Google phải mất đến 4 năm để mang Chrome lên Android. Mặc dù hệ điều hành này đã chính thức ra mắt vào tháng 9/2008, cùng thời điểm với Chrome phiên bản beta. Tuy ra mắt cùng một lúc, nhưng Google hiểu rõ tiềm năng của thị trường thiết bị di động, do đó, họ không hề muốn vội vàng trong việc đưa trình duyệt “cây nhà lá vườn” của mình lên hệ điều hành Android.
Vào tháng 2/2012, Chrome cuối cùng cũng ra mắt trên Android. Với hàng triệu thiết bị Android đang hoạt động, đây là một cú hích cực lớn để Chrome tiếp tục đánh chiếm thêm miếng bánh thị phần từ các đối thủ. Chỉ bốn tháng sau, Google ra mắt Chrome dành cho iOS. Từ “đòn knockout” này, Chrome chính thức “hất cẳng” trình duyệt già nua của Microsoft ra khỏi ngai vàng, kết lại quá trình “chinh phạt” chỉ trong 4 năm ngắn ngủi.

Cuối mùa hè năm 2012, Google được công bố đã dẫn đầu thị phần trình duyệt, với 31% người dùng đang sử dụng thường xuyên. Microsoft thì gần như đã buông xuôi bằng cách… không làm gì cả. Theo Statcounter, đến tháng 8/2021, Chrome vẫn đang giữ vững ngôi đầu của mình với 65% thị phần.