Danh sách những chiếc laptop đủ tiêu chuẩn để trở thành “người đồng hành” đắc lực cho các doanh nhân nằm trong đề cử của giải thưởng TechTimes Editors’ Choice 2020.
Laptop doanh nhân là dòng sản phẩm đòi hỏi nhiều yếu tố để trở thành một giải pháp tối ưu cho người dùng khối doanh nghiệp. Sau đây là 5 ứng cử viên nổi bật nhất trong năm 2020 do đội ngũ TechTimes chọn lựa.
ASUS ZenBook Flip S
ASUS ZenBook Flip S UX371EA là một sản phẩm có khá nhiều ưu điểm, có thể gói gọn lại là sự hòa quyện giữa những chuẩn mực cần phải có trên laptop doanh nhân và những công nghệ mới nhằm tối ưu trải nghiệm người dùng.
Thiết kế lịch lãm, màn hình chất lượng cao
Thiết kế ghi được điểm cộng đầu tiên: Sang trọng, chau chuốt – Một vẻ đẹp chuẩn mực, gần như không một yếu tố thừa thãi trên chiếc máy này.
ZenBook Flip S sở hữu màn hình 13,3 inch, tấm nền OLED cao cấp và độ phân giải lên đến 4K. Chất lượng hiển thị của máy vượt xa những gì mà một chiếc laptop doanh nhân cần, đủ sức đáp ứng nhu cầu giải trí đa phương tiện, thậm chí là chỉnh sửa, biên tập hình ảnh và video chuyên nghiệp.
Ngoài ra, việc màn hình có thể lật 180 độ và hỗ trợ cảm ứng là một điểm không quá cần thiết nhưng cũng mang lại sự “đổi gió” thú vị trong quá trình sử dụng, chẳng hạn như cầm máy theo chiều dọc giống như một tờ báo và bắt đầu lướt đọc tin tức vậy.
Kết nối chuẩn doanh nghiệp
Là laptop dành cho người dùng khối doanh nghiệp, ZenBook Flip S không có quá nhiều cổng kết nối nhưng bù lại rất hữu dụng trong nhiều trường hợp. 2 cổng kết nối USB-C Thunderbolt 4 cho khả năng truyền dữ liệu nhanh, đồng thời xuất hình ảnh độ phân giải cao ra các màn hình ngoài.
Bên cạnh đó là cổng HDMI full-size cực kì quan trọng cho các buổi thuyết trình, hội thảo thông qua máy chiếu – Đây là điều mà rất nhiều laptop cao cấp hiện nay lược bỏ và người dùng phải phụ thuộc vào các adapter chuyển, rất bất tiện.
Cuối cùng là cổng USB-A truyền thống để gắn USB, chuột không dây… Ngoài ra, nếu muốn trải nghiệm không dây hoàn toàn, người dùng hoàn toàn có thể sử dụng chuột và bàn phím bluetooth một cách ổn định thông qua kết nối Bluetooth 5.0.
Cấu hình mạnh mẽ, đáp ứng đa tác vụ
Cấu hình của ZenBook Flip S cũng như các laptop trong danh sách đề cử của TechTimes đã xóa bỏ định kiến laptop doanh nhân chỉ cần sang, bền còn “yếu thì là chuyện bình thường”.
Cụ thể, máy được trang bị chip xử lý Intel Core i7-1165G7 (Tiger Lake thế hệ 11), RAM 16GB, SSD 1TB tốc độ cao và card đồ họa tích hợp Iris Xe.
Từ đó, người dùng có thể xử lý công việc một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất mà không gặp phải các yếu tố cản trở như giật lag. Đồng thời, những giờ phút giải trí sau công việc cũng trở nên thú vị hơn – “Không ai nói doanh nhân là không được chơi game giải trí”.
Nói tóm lại, ZenBook Flip S là một công cụ “đủ đầy” cho người dùng: Đủ sang trọng để thể hiện đẳng cấp, Đủ gọn gàng cho mọi chuyến đi, đủ mạnh mẽ cho các tác vụ từ công việc đến giải trí. Một ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu Laptop dành cho doanh nhân của năm 2020.
Macbook Pro 13 inch (Apple M1)
Macbook Pro trong hơn một thập kỉ qua luôn là một trong những sự lựa chọn hàng đầu cho công việc. Trong năm 2020, Apple đã giới thiệu mẫu chip M1 với hiệu năng gây “choáng ngợp” với người dùng, trong khi đây chỉ là một chiếc SoC di động đúng nghĩa.
Thiết kế không đổi tuy vẫn đẳng cấp
Nói về thiết kế, Macbook Pro vẫn luôn đẹp, sang trọng và độ hoàn thiện top đầu thế giới tính đến thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, “10 năm 1 thiết kế” đã ít nhiều khiến người dùng cảm thấy nhàm chán và nếu như không quan tâm quá nhiều đến hiệu năng, họ sẽ ở lại với chiếc MacBook cũ của mình thêm vài năm tiếp theo.
Ở MacBook Pro có nhiều yếu tố mà khi kết hợp với nhau làm nên trải nghiệm rất tốt cho người dùng trong quá trình làm việc lâu dài, đến nỗi khi họ đã “ngán” thiết kế của máy nhưng vẫn không thể nào đổi sang một chiếc máy chạy HDH Windows được. Một vài ví dụ nổi bật chẳng hạn như: HDH MacOS tối ưu “cực tốt”, Trackpad tối ưu tốt đến mức không cần dùng chuột ngoài nếu như không chỉnh sửa hình ảnh, màn hình Retina độ nét cao…
Cổng kết nối công nghệ mới nhưng quá ít ỏi
Kết nối có thể nói là yếu điểm lớn nhất trên hầu hết các dòng MacBook từ năm 2016 cho đến nay. Apple đã luọc bớt rất nhiều chuẩn và chỉ giữ lại cổng USB-C và jack cắm tai nghe 3.5mm. Tất nhiên, USB-C trên MacBook là chuẩn Thunderbolt cho tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh nhưng với người dùng doanh nghiệp, họ cần nhiều hơn thế để công việc được xử lý thuận tiện hơn mà không cần phụ thuộc vào các adapter gắn ngoài, chẳng hạn như: cổng USB-A, cổng HDMI…
Apple M1 – Khi hiệu năng nâng cao hiệu suất công việc
Và trên hết là một thời lượng sử dụng pin tuyệt vời với chip Apple M1, người dùng hoàn toàn có thể sử dụng MacBook Pro mới này xấp xỉ 10 tiếng đồng hồ cho tác vụ hỗn hợp như xem video và gõ văn bản.
Bên cạnh đó, việc máy chạy các tác vụ nặng không giảm hiệu năng khi sử dụng điện năng từ pin cũng là một điểm cộng rất lớn khi mà hầu hết các laptop Windows đều cần cắm adapter sạc nếu muốn trải nghiệm không bị ảnh hưởng.
Apple M1 đã được các chuyên gia khắp nơi khen ngợi bởi hiệu năng xử lý tuyệt vời. Với doanh nhân, họ có thể sẽ không ngồi đo từng điểm benchmark hay chú ý nhiều đến phần cứng như game thủ nhưng ở MacBook Pro có một thứ có thể nhận thấy ngay.
Đối với những chiếc laptop xử lý có cấu hình “khủng” hơn về mặt thông số nhưng việc tối ưu có thể sẽ không được như MacBook Pro chạy chip M1, thậm chí có thể nói đến các MacBook Pro thế hệ trước. Thử nghiệm mở 10 tab trên trình duyệt Chrome trên sản phẩm và chuyển đổi qua lại không hề xảy ra hiện giật lag mặc dù máy chỉ có RAM 8GB mà thôi.
Nhìn chung, ở MacBook Pro là sự kết hợp giữa thiết kế sang trọng, hiệu năng xử lý công việc tuyệt vời và một thương hiệu dễ nhận diện nhất hiện nay với logo quả Táo huyền thoại.
Acer Swift 5
Acer Swift 5 có cách tiếp cận người dùng doanh nghiệp theo một cách truyền thống và tập trung nâng cấp những tiêu chí đó một cách tốt nhất.
Thiết kế không mới nhưng đủ đẹp
Acer Swift 5 sở hữu bộ vỏ Magie-Lithium vừa mang lại tính thẩm mỹ, sang trọng vừa có được sự nhẹ nhàng tối ưu cho mỗi chuyến đi. Bên cạnh đó, máy có phiên bản Vàng Gold vốn là màu yêu thích của các doanh nhân Việt Nam.
Màn hình của máy có kích thước 14 inch, vừa vặn cho nhu cầu công việc. Tuy nhiên, viền màn hình lại được thu mỏng rất nhiều, mang lại hai điểm cộng: Diện tích hiển thị chiếm 90% mặt trước giúp mang lại hiệu ứng thị giác tốt và cũng đồng thời làm cho tổng thể máy trở nên gọn gàng hơn, tương đương một chiếc laptop 13 inch truyền thống mà thôi.
Tuy mỏng nhẹ nhưng hệ thống kết nối trên Acer Swift 5 vẫn đủ tiêu chuẩn cho người dùng doanh nghiệp với cổng USB-C Thunderbolt 4, 2 cổng USB-A 3.0, cổng HDMI full-size và jack cắm tai nghe 3,5mm.
Intel Evo – Chuẩn mực cần có trên laptop doan nhân
Tương tự đối thủ Asus Flip S ở trên, Acer Swift 5 được trang bị giải pháp phần cứng mới nhất từ Intel kết hợp với tiêu chuẩn Evo hướng trực tiếp đến giới doanh nhân.
Theo đó, một chiếc máy đạt chuẩn Intel Evo phải đáp ứng được các tiêu chí như: Thời gian sử dụng pin 9 tiếng trở lên, hỗ trợ sạc nhanh, có chip xử lý Intel Core i5 hoặc i7 với card đồ họa tích hợp Iris Xe, kết nối Wi-Fi 6… Đặc biệt là thời gian sáng màn hình khi máy từ trạng thái nghỉ đến lúc mở lên phải dưới 1 giây – Đây có thể nói là điểm cộng lớn giúp laptop Windows có thể cạnh tranh với dòng MacBook đến từ Apple.
Cuối cùng, yếu tố bảo mật cũng là điều phải có trên các laptop doanh nhân. Với Acer Swift 5, nhà sản xuất đã chọn giải pháp là tích hợp cụm cảm biến vân tay ngay bên cạnh trackpad giúp việc mở máy trở nên nhanh chóng hơn đồng thời bảo vệ dữ liệu ngươi dùng tốt hơn.
Dynabook Portege X30L-G
Dynabook Portégé X30L-G có lẽ là một cái tên hiếm hoi của dòng Laptop Dynabook, kể từ khi Sharp mua lại mảng máy tính của Toshiba.
Thiết kế “chuẩn doanh nhân thập niên 2000”
Thiết kế có phần “hơi đơn điệu” tùy theo gu của người dùng mà đó có thể là điểm cộng hay trừ, tuy nhiên độ thẩm mỹ và hiện đại của máy thua thiệt nhiều khi so sánh với các laptop khác trong danh sách đề cử của TechTimes.
Đánh đổi lại, Dynabook Portégé X30L-G lại có trọng lượng vô cùng nhẹ, việc cầm nắm nay trên tay mang lại cảm giác tương tự một chiếc máy tính bảng vậy. Sản phẩm này cũng đã được công nhận là chiếc laptop 13 inch nhẹ nhất mà không cần phải “hy sinh” bất cứ cổng kết nối cần thiết nào (870 gram).
Bên cạnh nhẹ, máy còn rất bền bỉ khi đạt tiêu chuẩn quân đội MIL-STD-810G. Từ đó, việc vô tình làm rơi máy sẽ phần nào ít gặp rủi ro hơn so với những chiếc laptop khác trên thị trường.
Chỉ với hai tiêu chí trên thôi đã cho thấy Dynabook Portégé X30L-G đúng là chỉ dành cho doanh nhân: Bền và nhẹ.
Màn hình và Kết nối tối ưu hóa cho công việc
Màn hình của Dynabook Portégé X30L-G có kích thước 13,3 inch, độ phân giải Full HD và có công nghệ IGZO độc quyền từ Sharp. Trải nghiệm thực tế cho thấy màn hình này cho độ nét vừa phải nhưng độ sáng cao, màu sắc chuẩn và khả năng chống chói tốt.
Như đã nói ở trên, Dynabook Portégé X30L-G sở hữu đầy đủ các cổng kết nối quan trọng cho công việc bao gồm: 2 cổng USB-A 3.0, 1 cổng USB 3.1 Type-C, 1 cổng HDMI full-size, 1 cổng LAN RJ-45, 1 jack cắm 3.5mm và 1 khe thẻ microSD.
Từ đó, hiệu suất công việc của người dùng sẽ được cải thiện đáng kể so với việc sử dụng các laptop mỏng nhẹ thông thường khác. Đặc biệt là khả năng sạc nhanh PD thông qua cổng USB-C rất hiệu quả cho những chuyến đi khi người dùng có thể tận dụng adapter sạc của smartphone để “chữa cháy” khi cần thiết.
Phần cứng bảo mật cao
Dynabook cũng cho biết Portégé X30L-G sở hữu BIOS riêng để tăng cường tính bảo mật. Từ đó, người dùng doanh nghiệp sẽ không cần phải lo lắng quá nhiều về việc dữ liệu của mình bị đánh cắp nếu như bị thất lạc máy.
Bên cạnh đó là cụm cảm biến vân tay trên trackpad vừa giúp khóa máy an toàn, vừa giúp việc mở trở nên nhanh chóng và tiện lợi hơn.
Cấu hình của Dynabook Portégé X30L-G bao gồm các tùy chọn chip Intel Core i3/i5/i7 thế hệ 10, RAM 8GB, SSD tốc độ cao nhiều mức dung lượng. Nhìn chung, phần cứng như trên đủ để đáp ứng các nhu cầu công việc thông thường và chỉ thực sự “hụt hơi” nếu như người dùng làm việc có liên quan nhiều đến hình ảnh và video.
Dell XPS 13 9310
“Laptop doanh nhân cũng cần phải đẹp” – Đó là tiêu chí mà Dell đặt ra cho các dòng sản phẩm XPS của mình, đơn cử trong bài viết này là model Dell XPS 13 9310.
Thiết kế sang trọng dẫn đầu thế giới Windows
Có thể nói, Dell XPS 13 9310 thuộc top các laptop Windows đẹp nhất, sang trọng nhất hiện nay mà người dùng có thể sở hữu. Từ tổng thể cho đến những chi tiết nhỏ nhất đều được hãng sản xuất gia công một cách tỉ mỉ và chỉnh chu nhất.
Mặt ngoài nhôm nguyên khối, cạnh viền cắt CNC kim cương, khu vực lót tay vân cacbon, màn hình 4 viền siêu mỏng, trackpad to như MacBook – Tất cả những điểm trên đã giúp máy ghi điểm tuyệt đối với hầu hết mọi đối tượng người dùng, dù là khó tính nhất.
Ở phiên bản cao cấp nhất, Dell XPS 13 9310 được trang bị màn hình 4K giúp trải nghiệm hình ảnh rất tốt không chỉ cho nhu cầu công việc mà còn giải trí đa phương tiện, dựng ảnh hoặc biên tập video.
Cấu hình chuẩn Intel Evo
Kết nối có lẽ là yếu điểm hơi đáng tiếc trên Dell XPS 13 9310 khi máy chỉ có 2 cổng USB-C, 1 jack cắm tai nghe 3.5mm và 1 khe thẻ microSD. Người dùng sẽ phải trang bị thêm adapter ngoài nếu như muốn sử dụng các thiết bị ngoại vi như máy chiếu.
Với phần cứng là chip xử lý Intel Core i Tiger Lake thế hệ 11, card đồ họa Intel Iris Xe và SSD tốc độ truy xuất cao, không quá khó hiểu khi Dell XPS 13 9310 đạt được chứng chỉ Evo – Đây có thể xem là một chuẩn mực mà bất cứ laptop doanh nhân từ năm 2020 trở về sau cần phải có.