Kiều là một bộ phim khác góp mặt vào danh sách thảm hoạ phim Việt với kịch bản phi lý và những cảnh nóng thô thiển, đạp đổ những giá trị nhân văn của kiệt tác Truyện Kiều.
-
Điểm trung bình2
-
Kịch bản1
-
Diễn xuất1
-
Kỹ xảo1
-
Âm nhạc5
Mặc dù năm 2021 còn chưa đi được một nửa đoạn đường, điện ảnh Việt lại có thêm một tác phẩm gần như “phá nát” kiệt tác mà đại thi hào Nguyễn Du để lại sau bộ phim Kiều@ của đạo diễn Đỗ Thành An.
Review phim Kiều được thực hiện bởi TechTimes không chứa nội dung chi tiết. Bạn đọc nếu cảm thấy nội dung phim phù hợp, hãy ra rạp để ủng hộ đoàn làm phim nhé.

Truyện Kiều là một trong những kiệt tác của nền văn học Việt Nam. Từ “Kiều” bấy lâu nay vốn dĩ đã mang trên mình nhiều sức mạnh. Chính vì vậy, việc khán giả trông đợi Kiều là một bộ phim hoành tráng, đầy chiều sâu, xứng đáng với tầm vóc của tác phẩm gốc là điều tất yếu. Thế nhưng, trái với mong đợi của khán giả, với những giá trị nhân văn mà Truyện Kiều truyền tải, phim Kiều được nhiều chuyên gia review và bản thân tác giả đánh giá phim có kịch bản phi lý, chứa đựng những cảnh nóng thô thiển và kỹ xảo vụng về.
Nhìn chung, nếu đây là một MV của ca khúc Kiều Mệnh Khúc do Bùi Lan Hương trình bày thì sẽ là câu trả lời hoàn hảo cho cốt truyện, kỹ xảo, nét diễn của các nhân vật… Tuy nhiên, thì sự thật vẫn là sự thật, Kiều là một bộ phim điện ảnh có đầu tư nhưng với những khuyết điểm còn tồn đọng thì đây chính là tác phẩm đáng quên của điện ảnh Việt.
Nội dung phim
Nội dung của Kiều là một trích đoạn trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du. Phim là lát cắt cuộc đời Kiều (Trình Mỹ Duyên) từ thời điểm bán mình để chuộc cha và em trai , sau đó vào lầu xanh và gặp được Thúc Sinh (Lê Anh Huy) – một khách làng chơi giàu có. Kiều đem lòng yêu thương Thúc Sinh và được chàng đưa ra khỏi lầu xanh. Thế nhưng, Thúc Sinh đã có vợ là Hoạn Thư (Cao Thái Hà). Biết chồng có tình nhân, Hoạn Thư lên kế hoạch hãm hại Kiều.

Phim còn những yếu tố phóng tác khác như sự gia tăng vai trò của Đạm Tiên (Mai Thu Huyền) với yếu tố ma quái. Đạm Tiên là người con gái nằm dưới nấm mồ vô danh mà Kiều từng xót thương, thắp cho nén nhang trong một lần đi tảo mộ. Xuyên suốt bộ phim, Đạm Tiên thoắt ẩn thoắt hiện, dùng năng lực của mình để ngăn cản những gã đàn ông xấu làm hại Kiều.
Ngoài ra còn có sự xuất hiện của nhân vật Hiếu Bá (Hiếu Hiền) – một khách làng chơi giàu có khác thường xuyên lui tới lầu xanh, đối đầu với Thúc Sinh để chiếm được Kiều.
Khi đạo diễn cũng muốn được… nổi tiếng?
Sáng tạo trong kịch bản là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, những yếu tố được thêm thắt trong Kiều lại vô cùng phi lý, thiếu tính logic, đặc biệt là đối với nhân vật Đạm Tiên. Hồn ma Đạm Tiên không chỉ thể hiện sự thất bại trong việc xây dựng nhân vật mà còn ở phần kỹ xảo. Cô sở hữu phép thuật mạnh đến nỗi có thể quật ngã, đánh bay bất cứ ai chạm vào Kiều. Tâm lý của nhân vật này trước sau bất nhất. Ở đầu phim, cô ra sức bảo vệ Kiều. Nhưng dần về sau, nhân vật này lại trở nên thù oán Kiều khi Kiều không nghe theo lời mình, và kích động Kiều trả thù.
Theo review bởi nhiều chuyên gia, khán giả và bản thân TechTimes, nhân vật Đạm Tiên là sự thêm thắt thừa thải để tạo điểm nhấn cho diễn viên kiêm đạo diễn bộ phim Kiều – Mai Thu Huyền. Khi mình là đạo diễn thì làm gì cũng đúng miễn là được lên phim và chiếm spotlight? (PV)

Không chỉ vậy, nhân vật Kiều và Thúc Sinh được xây dựng một chiều và nghèo nàn trong phát triển tâm lý. Diễn xuất non yếu của Trình Mỹ Duyên và Lê Anh Huy khiến cho hai nhân vật này càng thiếu chiều sâu hơn.
Hoạn Thư tuy có cá tính hơn, diễn biến nội tâm đặc sắc hơn trong tác phẩm gốc, nhưng lại bị phá nát bởi chính bàn tay của biên kịch và đạo diễn khi vướng vào những phân cảnh bi luỵ quá mức và những cảnh nóng vô cùng thô thiển.

Bên cạnh đó, phần kỹ xảo và chuyển cảnh thể hiện rõ sự vụng về của đạo diễn. Các cảnh phim chuyển đổi quá nhanh, thiếu liên kết khiến cho khán giả cảm tưởng mình đang xem các trích đoạn trong một phim truyền hình hoặc vở kịch nào đó.
Những cảnh 18+ phản cảm, thô thiển
Tuy nhiên, điều khiến người viết phẫn nộ hơn cả chính là những cảnh nóng vô cùng rẻ tiền và phản cảm. Những cảnh phim như thế này không khác gì…sỉ nhục kiệt tác Truyện Kiều.

Cảnh nóng gây tranh cãi nhất là trường đoạn khi Kiều về nhà Hoạn Thư làm người hầu, Hoạn Thư ép buộc Kiều phải dâng rượu và đánh đàn trong khi nàng ân ái với Thúc Sinh để trả thù Kiều. Đây là chi tiết được biên kịch thêm thắt vào và khiến người xem…sốc thật sự trước hành động của nhân vật Thúc Sinh. Người viết hoàn toàn không thể hiểu được biên kịch và đạo diễn muốn truyền tải điều gì qua phân cảnh này.
Một cảnh nóng thô thiển khác không thể không kể đến khi review phim Kiều là phân cảnh thể hiện những uẩn ức, khát khao của Hoạn Thư. Cô chứng kiến Thúc Sinh ân ái với Thuý Kiều ngay tại đồng hoa. Sau đó, cô nảy sinh ảo giác, ngỡ rằng Thúc Sinh đang ân ái với mình. Người viết phần nào hiểu được dụng ý của biên kịch khi xây dựng phân cảnh này. Thế nhưng, cách thể hiện lại quá non nớt, thiếu tinh tế khiến trường đoạn này trở nên cực kì khó chịu và rẻ tiền.
Điểm cộng duy nhất khi TechTimes review phim Kiều là phần âm nhạc với bài hát Kiều Mệnh Khúc do Bùi Lan Hương thể hiện. Nhưng đáng tiếc là, cho dù bài hát này có hay như thế nào, Bùi Lan Hương có thể hiện xuất sắc đến đâu thì cũng không thể “cứu” nổi được bộ phim này.
Nhìn chung, tác giả có mượn câu thơ trong tập truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du để có thể bày tỏ nỗi lòng:
Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
Thật đớn đau khi thấy một kiệt tác của Dân tộc, của Đại thi hào Nguyễn Du lại bị cải biên một cách vô tội vạ, thu hút người xem qua những cảnh nóng dung tục, cốt truyện lủng củng để rồi trở thành những thảm hoạ phim Việt. Thiết nghĩ, các nhà kiểm duyệt nên có cứng rắn hơn trong việc để những dạng phim “thảm hoạ” này ra rạp.
Phim hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.