Trong buổi gặp gỡ báo chí diễn ra vào 24/05/2019, ngoài việc đưa ra loạt bằng chứng liên quan đến việc vi phạm bản quyền thì POPS cũng cho biết đã nộp hồ sơ khởi kiện FPT tại Tòa án Nhân dân Quận 10 (TPHCM) vào tháng 4 vừa qua.
Theo đại diên POPS cho biết, hành vi này không những bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả, xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của POPS mà còn bị xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với POPS vì các nhãn hiệu, logo, hình tượng được bảo hộ là các chỉ dẫn thương mại của POPS.
Việc FPT xóa nhãn hiệu, tên thương mại POPS khỏi các Logo được gắn trên các nội dung này như “POPS Kids”, “POPS Baby”, “POPS UP” và thay vào đó là nhãn hiệu FPT là hành vi cố tình thực hiện, đồng thời sẽ làm cho người sử dụng dịch vụ hoặc các bên liên quan bị nhầm lẫn mà tin rằng giữa POPS và FPT có mối liên hệ nào đó, trong khi thực tế không phải như vậy. Điều này sẽ dẫn đến thiệt hại cho POPS, cũng như uy tín của POPS đối với các đối tác.

Theo bằng chứng mà POPS đưa ra, phía FPT đã đăng tải các nội dung thuộc quyền sở hữu của POPS vào cuối năm 2017 và hành vi này vẫn còn được tiếp diễn sau đó ngay cả khi POPS đã gửi Thư khuyến cáo cho FPT và yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm. Đến đầu tháng 4 vừa rồi POPS lại phát hiện tổng cộng hơn 1.800 nội dung do POPS sản xuất và thuộc quyền sở hữu của POPS cùng với đó là các nội dung của đối tác nước ngoài mà POPS cấp li-xăng.
Cũng theo POPS, hai bên đã có buổi họp giữa 2 bên vào ngày 09/05 và phía FPT đã xin lỗi và thừa nhận sai phạm nhưng không đưa ra phương án giải quyết hay có phản hồi nào thêm để khắc phục và đền bù thiệt hại cho POPS.

Theo đó, POPS và FPT đã đi đến các thống nhất rằng, FPT sẽ chấm dứt hành vi xâm phạm và tháo gỡ tất cả các nội dung của POPS và đối tác trên truyền hình FPT trong vòng 24 tiếng. Ngoài ra, FPT phải trao trả chi phí nội dung mà POPS đã chi trả để sản xuất, mua bản quyền, chi phí về quyền Sở hữu trí tuệ cho tất cả các nội dung bị FPT xâm phạm… Đại diện FPT cũng đã đồng ý đưa ra phương án giải quyết chi tiết cho POPS chậm nhất vào ngày 16/5. Tuy nhiên, đến thời hạn này, phía FPT đã không có động thái phản hồi nào thêm về các điểm đã thống nhất trong cuộc họp.
Ngày 20/5, FPT đã ủy quyền bên thứ ba để gửi đến POPS công văn yêu cầu hợp tác. Trong đó, công ty Luật Bross & Partners – đại diện cho FPT – khẳng định rằng khách hàng của họ tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của POPS và mong muốn được hợp tác cùng phát triển.

POPS cho biết trướcc đó FPT đã nhiều lần liên lạc với POPS để đề nghị mua lại nội dung của POPS để kinh doanh trên các nền tảng của FPT. Tuy nhiên, theo POPS họ đang trong quá trình cân nhắc hợp tác thì FPT đã “chiếm đoạt nội dung” thuộc sở hữu của POPS để khai thác một cách trái phép, gây thiệt hại cho POPS.
Chia sẻ về vấn đề này, bà Esther Nguyễn – Sáng lập và Giám đốc Điều hành của POPS cho biết:
- Việc FPT đăng tải để khai thác và kinh doanh các sản phẩm mà POPS sở hữu và được quyền khai thác một cách hợp pháp mà không được sự đồng ý của POPS và đối tác của POPS là hành vi xâm phạm quyền sở hữu bản quyền của POPS và đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của POPS.
- Việc tạo ra một tác phẩm là công sức của cả một tập thể các nghệ sỹ, nhà sản xuất, nhà đầu tư. Việc FPT liên tiếp xâm phạm quyền của POPS nói riêng và các chủ thể khác nói chung đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đầu tiên là các nghệ sỹ – những người đã dốc hết tâm huyết của mình để tạo ra tác phẩm. Khi hành vi xâm phạm xảy ra mà họ không được bảo vệ thì sẽ không khuyến khích họ sáng tạo, đầu tư vào sản phẩm mới. Từ đó dẫn đến việc hạn chế trong sáng tạo để làm ra những tác phẩm khác.
- Đối với các nhà cung cấp nội dung hay những nhà kinh doanh nội dung quốc tế khi họ muốn vào Việt Nam. POPS đã không ngừng giới thiệu Việt Nam là một thị trường đầy năng động và việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam không ngừng tiến bộ trong 11 năm qua và những công ty lớn ở Việt Nam luôn tôn trọng bản quyền, nhưng thực trạng xâm phạm quyền xảy ra một cách trắng trợn như vậy sẽ làm họ mất lòng tin và chùng bước khi muốn đầu tư hay đưa có sản phẩm giải trí quốc tế vào Việt Nam.
- Đối với người tiêu dùng Việt Nam, đây là thiệt hại to lớn đối với họ, vì thay vì họ có thể xem các nội dung này trên kênh YouTube POPS Kids hay trên App của POPS một cách miễn phí, họ phải trả cho FPT một khoản tiền phí không nhỏ mỗi tháng để xem được những nội dung này.