Để có được những bức ảnh pháo hoa đẹp dịp Tết, bạn cần chuẩn bị vài dụng cụ và nắm rõ những thông số cần thiết.
Không khí chào đón, tiếng nổ, mùi thuốc đặc trưng và nhất là “vũ điệu” ánh sáng mà pháo hoa mang lại đã trở thành ký ức khó quên với nhiều người trong các dịp lễ, Tết. Mọi người đều muốn chụp lại những hình ảnh tuyệt đẹp đó để khoe với bạn bè hoặc lưu giữ làm kỷ niệm. Tất nhiên, cách chụp pháo hoa đẹp là vấn đề không ít người quan tâm.
Chụp ảnh pháo hoa có nhiều khó khăn hơn so với chụp những đối tượng khác. Việc chọn lựa thời điểm chụp, khoảng cách và góc chụp đôi khi rất bị động. Người chụp cũng phải có kỹ năng điều chỉnh các thông số tương đối nhanh.
Điều gì giúp bức ảnh pháo hoa đẹp hơn?
Nếu chỉ có những vòng sáng pháo hoa tỏa rộng trong bầu trời đêm thì bức ảnh sẽ nhàm chán, đơn điệu, trông như một ảnh đồ họa bởi phần mềm máy tính. Bức ảnh pháo hoa sống động hơn nếu khung hình có thêm người xem, cảnh đường phố hoặc một hoạt động nào đó.
Khi trình diễn pháo hoa, các nghệ sỹ thường dựng nên một kịch bản. Pháo được bắn theo từng đợt với những màu sắc và hình ảnh có chủ đích, hiếm khi tung ra một loạt bắn liên tục. Với người chụp ảnh, điều này khiến cho các khung hình trở nên tẻ nhạt vì những chòm sáng riêng lẻ, thiếu sức sống. Vì vậy các bức ảnh pháo hoa cần chụp phơi sáng trong thời gian dài, khoảng 10, 20 giây, thậm chí lâu hơn.
Kỹ thuật chụp pháo hoa
Để chụp ảnh pháo hoa, bạn có hai lựa chọn. Thứ nhất (và xấu nhất) là cầm máy ảnh trên tay, đợi đến thời điểm nhiều viên pháo được bắn lên bầu trời và chụp. Thứ hai (chọn lựa tốt hơn) là đặt máy ảnh vào chân máy, chụp với chế độ phơi sáng ban đêm. Đây chính là kỹ thuật được đề cập đến trong bài viết này.
Để có những bức ảnh đẹp nhất, bạn hãy đến vị trí bắn pháo hoa sớm, trước khi mặt trời lặn. Tìm chỗ đặt chân máy và thử khung hình nơi dự định chụp pháo hoa. Việc đến sớm cho phép bạn có được vị trí và góc chụp ưng ý nhất.
Khoảng cách từ nơi chụp đến nơi bắn pháo hoa sẽ quyết định đến việc sử dụng ống kính nào. Một ống kính zoom lớn sẽ cho phép chụp linh hoạt hơn, tuy nhiên trong đa số trường hợp cũng không cần đến một ống tele quá dài. Ống kính có tiêu cự từ 18-70 mm phù hợp trong nhiều tình huống.
Khi chụp pháo hoa thì khẩu độ không quan trọng bằng tốc độ màn trập. Thông thường khẩu độ được đặt ở mức f/8-f/16, tùy thuộc vào ánh sáng xung quanh. Nếu màn bắn pháo hoa diễn ra trong thành phố thì mức f/16 sẽ cho kết quả tốt hơn. Ngược lại ở những nơi tối như ven rừng thì hãy nghiêng về mức f/8.
Pháo hoa sẽ lóe sáng khá mạnh và bạn đang dùng chân máy để chụp, vì vậy không cần lo lắng về ISO. Chỉ cần đặt tại mức 100, sau đó điều chỉnh phơi sáng và tốc độ màn trập.
Không có tốc độ màn trập cố định nào để chụp pháo hoa cả. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào màn trình diễn và khoảnh khắc chụp. Cho dù bạn có mở 10 giây hay 30 giây, điều quan trọng nhất là bắt được nửa giây của đợt nổ đồng loạt trên bầu trời. Sự khác biệt chỉ nằm ở chỗ tốc độ 30 giây sẽ bắt được 5-6 vụ nổ trên bầu trời, thay vì 1-2. Tốc độ màn trập cũng là điều kiện để chụp phơi sáng.
Bạn hãy bắt đầu thử nghiệm với bức ảnh có tốc độ màn trập 10 giây. Nếu phơi sáng quá nhiều, hãy giảm khẩu độ và thời gian phơi sáng xuống khoảng 5 giây. Nếu ảnh thiếu sáng, hãy thử tăng khẩu độ và nâng thời gian phơi sáng lên 20 giây. Cách duy nhất để thiết lập được thông số phù hợp là thử đi thử lại nhiều lần đến khi chụp được bức ảnh ưng ý nhất.
Các thủ thuật khác
Hãy chuẩn bị để có thể điều chỉnh các thông số kể trên một cách nhanh nhất. Trong màn trình diễn pháo hoa, tốc độ bắn có thể bị thay đổi liên tục. Tốc độ màn trập lúc đầu có thể chụp được những bức ảnh phơi sáng tuyệt vời nhưng lại không phù hợp cho hình ảnh tiếp theo.
Bạn cũng cần chú ý đến các yếu tố khác trong khung hình. Một bờ sông bên trong bức ảnh pháo hoa sẽ giúp tăng yếu tố lãng mạn. Nếu bạn điều khiển máy ảnh chụp bằng cáp kết nối hoặc remote không dây, hãy đặt máy ở chế độ Bulb. Màn trập luôn trong trạng thái mở sẽ giúp thời gian phơi sáng linh hoạt hơn.
Thật sự khó chụp được những bức ảnh pháo hoa đẹp bằng smartphone. Thay vào đó, bạn có thể quay phim bằng điện thoại của mình. Ngoài ra, sử dụng những phần mềm chuyên dụng Slow Shutter Cam trên iOS hoặc Long Exposure Camera 2 trên Android cùng với một chân máy kèm theo sẽ hỗ trợ rất nhiều trong khi chụp.