Khi sản xuất chiếc máy tính giá 3.000 USD tại Mỹ, Apple phải vật lộn để tìm đủ ốc vít.
Tờ New York Times vừa tiết lộ thông tin trên. Theo đó, vào năm 2012, CEO của Apple là Timothy D.Cook đã lên truyền hình thông báo Apple sẽ sản xuất máy tính Mac tại Mỹ. Đó sẽ là sản phẩm đầu tiên của Apple được sản xuất bởi các công nhân Mỹ và trên mỗi sản phẩm Mac Pro sẽ có dòng chữ: Được lắp ráp tại Mỹ.
Tuy nhiên, khi Apple bắt đầu sản xuất dòng máy tính trị giá 3.000 USD ở Austin, bang Texas, họ vấp phải một khó khăn không lường trước, đó là phải vật lộn để tìm cho đủ số ốc vít cho máy tính, theo chia sẻ của những người từng làm việc trong dự án khi đó.
Tại Trung Quốc, Apple có thể dễ dàng dựa vào các nhà máy địa phương bởi họ có thể cung cấp số lượng lớn ốc vít tùy chỉnh trong thời gian ngắn. Còn ở Texas, nơi theo nhiều người nói là “mọi thứ đều lớn hơn”, hóa ra lại không tồn tại các đơn vị cung ứng linh kiện như ốc vít.
Các thử nghiệm liên quan tới phiên bản mới của máy tính bị cản trở, chỉ vì nhà thầu của Apple chỉ có 20 nhân viên và không thể sản xuất quá 1.000 ốc vít mỗi ngày.
Sự thiếu hụt ốc vít là một trong các vấn đề khiến việc lắp ráp máy tính bị trì hoãn nhiều tháng. Khi máy đã sẵn sàng để sản xuất hàng loạt, Apple buộc phải đặt hàng ốc vít từ Trung Quốc.
Những thách thức ở Texas cho thấy một phần vấn đề mà Apple sẽ gặp phải nếu hãng này cố gắng chuyển phần lớn dây chuyền sản xuất của mình ra khỏi Trung Quốc. Họ nhận ra không có quốc gia nào, nhất là Mỹ, có thể đảm bảo đủ tiêu chí kết hợp giữa quy mô, kỹ năng lao động, cơ sở hạ tầng và chi phí như Trung Quốc.
Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất của Apple và trong tháng qua, những rủi ro đi kèm với sự phụ thuộc đó đã trở nên rõ ràng.
Ngày 2/1, Apple cho biết, lần đầu tiên trong 16 năm, họ không đạt được mức doanh số kỳ vọng, chủ yếu do thị trường Trung Quốc. Chưa hết, công ty có thể đối mặt với áp lực tài chính nhiều hơn nữa nếu chính quyền của Tổng thống Trump thực hiện lời đe dọa trước đó là áp thuế đối với điện thoại sản xuất tại Trung Quốc.
Apple đã cố gắng đa dạng chuỗi cung ứng của mình và hai trong số các thị trường được Apple tìm đến là Ấn Độ và Việt Nam, theo chia sẻ của một giám đốc điều hành Apple xin giấu tên. Ông lo lắng sự phụ thuộc nặng nề vào Trung Quốc trong vấn đề sản xuất, giữa bối cảnh căng thẳng giữa hai nước không thể dự đoán trước, là một rủi ro.
“Kỹ năng của nhân công ở đây thật không thể tin được”, Cook nói tại một hội nghị ở Trung Quốc cuối năm 2017, bởi làm các sản phẩm của Apple đòi hỏi phải có máy móc hiện đại và rất nhiều người biết cách điều hành chúng.
“Tại Mỹ, bạn có thể tổ chức một cuộc họp gồm các kỹ sư gia công nhưng tôi không chắc chúng ta có thể kiếm đủ người để lấp đầy một căn phòng”, ông nói. “Còn tại Trung Quốc, bạn có thể lấp kín nhiều sân bóng bằng những con người như vậy”.
Năm 2004, Tim Cook giúp Apple chuyển sang sản xuất sản phẩm ở nước ngoài. Việc này giúp công ty cắt giảm một loạt chi phí và định hình nên quy mô sản xuất khổng lồ trên phạm vi toàn cầu, nền tảng cần thiết để tạo ra một số sản phẩm công nghệ bán chạy nhất trong lịch sử.
Apple ký nhiều hợp đồng với các nhà máy khổng lồ ở Trung Quốc, một số nhà máy có quy mô diện tích hàng cây số vuông và sử dụng hàng trăm nghìn công nhân trong việc lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói sản phẩm.
Tổ hợp này bao gồm các bộ phận được sản xuất trên khắp thế giới, từ Na Uy đến Philippines, sau đó tất cả được chuyển đến Trung Quốc. Việc lắp ráp cuối cùng là phần tốn nhiều công sức nhất trong chuỗi tạo sản phẩm công nghệ. Vị trí của nhà máy lắp ráp thường xác định một sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ từ đâu để đánh thuế.
Tim Cook phản đối suy nghĩ iPhone là của Trung Quốc. CEO Apple cho hay Corning, một nhà máy ở Kentucky, sản xuất màn hình iPhone và một công ty khác ở Allen, Texas tạo công nghệ laser cho hệ thống nhận diện khuôn mặt.
Ông cũng tranh luận lao động giá rẻ là lý do Apple vẫn ở Trung Quốc. Mức lương tối thiểu tại Trịnh Châu, nơi đặt nhà máy lắp ráp iPhone lớn nhất thế giới, khoảng 2,1 USD mỗi giờ và đã bao gồm phúc lợi. Apple cho biết mức lương khởi điểm cho công nhân lắp ráp sản phẩm là khoảng 3,15 USD một giờ. Tất nhiên, số tiền chi trả cho nhân công làm việc tương tự tại Mỹ cao hơn đáng kể.
Một cựu giám đốc của Apple cho biết, với cùng công việc tương tự của Apple ở Trung Quốc, sẽ có rất nhều người làm việc để đảm bảo rằng tất cả các nguyên liệu được đưa vào sản xuất. Còn ở Texas, đó chỉ là một công nhân và người đó thường bị quá tải.
Chưa kể, một sự thất vọng khác đối với việc sản xuất ở Texas, đó là công nhân Mỹ sẽ không làm việc suốt ngày đêm. Các nhà máy Trung Quốc có ca làm việc vào tất cả các giờ nếu cần thiết, và công nhân đôi khi còn được sắp xếp từ giấc ngủ để đáp ứng các mục tiêu sản xuất, điều không thể áp dụng ở Mỹ.
Theo Đất Việt