ROG Strix Scar II được bán ra thị trường với mức giá 48 triệu đồng cho phiên bản màn hình 15.6 inch, sử dụng card đồ họa GeForce RTX 2060 và phiên bản cao cấp hơn sử dụng màn hình 17.3 inch sử dụng card đồ họa GeForce RTX 2070 giá 61,99 triệu đồng.
Về ngoại hình, ROG Strix Scar II sử dụng card đồ họa RTX không hề có sự khác biệt so với phiên bản sử dụng card đồ họa GTX. Nhìn tổng thể, Scar II có kiểu dáng khá gọn gàng, tuy nhiên không vì thế mà chiếc máy mất đi tính hầm hố đặc trưng riêng của dòng laptop gaming nói chung và của ROG nói riêng.
Chiếc máy nổi bật và đậm chất gaming với những họa tiết cắt vát cách điệu. Từ ngay bên ngoài chúng ta có thể thấy được phần nắp máy được hoàn thiện từ chất liệu kim loại được phay xước thành 2 mảng riêng biệt kết vào vào đó là logo ROG được đặt về một bên của nắp máy. Đặc biệt logo ROG còn được trang bị đèn led RGB giúp cho chiếc máy thêm phần “ma mị” mỗi khi khởi động.
Ngoài ra, chi tiết vát hình thang ở phần cạnh bản lề giúp tạo thêm điểm nhấn về mặt thiết kế cho chiếc máy và đồng thời chi tiết thiết kế này cho phép luồng không khí đi qua mà không bị cản lại, làm lộ ra các lá tản nhiệt bằng đồng và qua đó tăng cường khả năng tản nhiệt.
Thông qua hình ảnh của mặt dưới và hai cạnh bên, chúng ta có thể thấy Scar II được thiết kế khá nhiều vị trí để không khí qua máy được luu thông nhiều hơn. Theo Asus cho biết, hệ thống làm mát ROG là một trong những vũ khí mạnh mẽ cho Strix Scar II, bởi vì việc làm mát ổn định và tuyệt vời mang đến cho người chơi trải nghiệm chơi game mượt mà. SCAR II tiếp tục được trang bị với nhiều ống tản nhiệt, hệ thống quạt kép 12V và các đường ống chống bụi độc quyền, dẫn bụi bên trong đến các đường dẫn bụi chuyên dụng bằng lực ly tâm của quạt, giữ cho các mô-đun nhiệt bên trong sạch sẽ và cải thiện độ bền.
Khá đáng khen khi Asus trang bị cho chiếc Scar II khá nhiều cổng kết nối ở hai cạnh bên. Đặc biệt, bên trong máy còn thiết kế thêm 1 khe Ram và 1 khe cắm ổ cứng HDD để người dùng có thể nâng cấp máy sao cho phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Máy được trang bị các phím nóng độc lập phía trên bàn phím, bao gồm tăng / giảm âm lượng, bật / tắt mic và phím nóng Armory Crate. Hơn nữa, các phím chức năng (F1 đến F12) cũng có sẵn.
Về trải nghiệm gõ tổng thể, keycap cong 0,25mm nên cảm giác tiếp xúc giữa các ngón tay với phím khá thoải mái. Nó cũng giúp hướng ngón tay về phía trung tâm của phím. Hành trình phím 1,8 mm giúp game thủ có thể xác định chính xác lực nhấn và phản hồi. Các keycaps WASD được thiết kế trong suốt giúp game thủ nhận biết được các phím điều hướng khi chơi game và khi kết hợp với đèn RBG cụm phím này trở nên bắt mắt hơn rất nhiều. Đồng thời, họa thiết camo công nghệ IMR 3D phủ lên bề mặt mang đến một thiết kế tinh tế nhưng độc đáo và bền bỉ với chuẩn độ bền của quân đội Mỹ.
Đèn nền AURA RGB được chia thành 4 vùng với nhiều chế độ khác nhau, chúng ta có thể được điều khiển thông qua mục AURA trong Armory Crate. Đặc biệt, AURA Sync tích hợp cho phép bạn đồng bộ hóa bàn phím với các thiết bị ngoại vi ROG khác.
ROG Strix SCAR II sử dụng màn hình có chất lượng Full HD (1920×1080) tấm nền IPS, mang đến cho người chơi một cái nhìn hoàn toàn mới, tuyệt vời. Thân máy nhỏ hơn với chiều rộng dưới 40cm mang lại tỷ lệ màn hình so với thân máy tới 80%, làm cho máy di động hơn so với các mẫu 15 inch và 17 inch viền dày truyền thống.
Với thời gian phản hồi 3ms, tấm nền IPS tần số quét 144Hz giúp có được hiệu ứng hình ảnh trong game được tốt hơn nhiều so với các loại màn hình có tần số quét thấp, điều này cũng góp phần tạo nên lợi thế hơn cho người chơi so với các đối thủ khác.
Ngoài ra Asus còn trang bị cho chiếc Scar II khả năng bắt wifi tốt hơn với wifi đa ăn-ten cho phạm vi rộng hơn tới 30%, thông lượng cao hơn và giảm việc rớt kết nối. Công nghệ ROG RangeBoost được cấp bằng sáng chế kết hợp bốn ăn-ten đặt ở phía sau và phía trước của máy với một thuật toán độc đáo liên tục quét môi trường và chọn cặp ăn-ten tốt nhất để phủ lên các điểm chết của nhau, tạo ra tín hiệu mạnh nhất có thể. wifi Gigabit mới nhất của Intel 802.11ac (2×2) đẩy băng thông không dây tối đa lên tới 1.7Gbps – gấp đôi so với 802.11ac và gấp 12 lần so với 802.11b/g/n thông thường.
Được trang bị đồ họa lên đến NVIDIA GeForce RTX 2070, Strix SCAR II mới nhất mang lại hiệu năng mạnh mẽ khi chơi game và đồng thời công nghệ Ray Tracing cũng giúp cho đồ họa trong các tựa game 3D có cảm giác chân thực hơn. Máy sử dụng bộ xử lý Intel Core i7-8750H, vi xử lý này không chỉ cung cấp nhiều sức mạnh tính toán cho game mà còn cung cấp nhiều hiệu năng cho các tác vụ yêu cầu tính toán đa nhân, như chuyển đổi phương tiện, truyền phát và kết xuất. Bản nâng cấp của bộ xử lý cũng nâng cấp chipset lên HM370, cho phép hỗ trợ bộ nhớ tốc độ xung nhịp cao DDR4 2666 MHz với hiệu suất tốt hơn 10% so với thế hệ trước (DDR4 2400 MHz).
Thử chấm điểm hiệu năng máy qua các phần mềm chuyên dụng, máy đạt được điểm số khá ấn tượng:
Scar II trang bị cho chiếc máy 3 chế độ TDP CPU (TDP (thermal design power) là công suất thoát nhiệt tối đa của một con chip xử lý, có mặt trên mọi CPU hay GPU, và được sử dụng để đo lượng nhiệt mà bộ xử lý sẽ phát ra khi tải các tác vụ trên hệ thống. Ví dụ, nếu CPU bạn đang dùng có TDP là 90W, điều đó cho thấy theo tính toán CPU này dự kiến sẽ tạo ra giá trị nhiệt tối đa rơi vào khoảng 90W khi vận hành). Cụ thể, 3 chế độ đó là Silent, Balanced và Overboost, người sử dụng có thể tùy chọn để phù hợp hơn trong các nhu cầu sử dụng.
- Silent: 25W TDP CPU, hiệu năng vừa đủ, rất phù hợp với các tác vụ nhẹ nhàng, cơ bản. Ở chế độ này máy không sử dụng quá nhiều năng lượng nên nhiệt độ tỏa ra rất ít và máy chạy cũng rất yên tĩnh.
- Balanced: 35W TDP CPU, hiệu năng được nâng lên một cách rõ rệt và hầu hết các tựa game mà TechTimes thử nghiệm trên chiếc máy này đều được chơi ở chế độ này. Vì hiệu năng được tăng lên nên chúng ta có thể cảm nhận thấy rõ được nhiệt độ và tốc của quạt được tăng lên đáng kể nhưng cũng không quá gây khó chịu khi sử dụng.
- Overboost: 45W TDP CPU, ở chế độ này hiệu năng sẽ được tăng hơn khoảng 10-15% và tất nhiên tiếng ồn từ quạt tản nhiệt và có nhiệt độ cũng tăng lên đáng kể.
TechTimes đã thử kiểm tra nhanh hiệu năng thật tế của máy qua các tựa game FPS phổ biến hiện nay như Apex Legends, PUBG ở chế độ Balaned và tất cả đều hoạt động khá mượt mà và ổn định. Với tựa game Apex Legends máy dễ dàng đạt được 106 FPS, trong khi đó tựa game PUBG nặng ký hơn thì máy cũng dễ dàng đạt được hơn 70FPS. Ở cả 2 trò chơi nhiệt độ của CPU và GPU đều ổn định ở mức trên 80 độ và 70 độ.