Cách đây hơn một năm rưỡi, “tin tức giả mạo” (Fake News) không phải thuật ngữ được nhiều người sử dụng. Nhưng hiện nay, “tin tức giả” đang được nhìn nhận như một trong những mối đe dọa lớn nhất đến sự tiếp cận, nền kinh tế tri thức và tranh luận tự do.
[responsivevoice_button voice=”Vietnamese Male” buttontext=”Nghe bản tin Podcast Audio”]
“Tin tức giả mạo” cũng đã trở thành thuật ngữ ưa thích của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi dùng để chỉ trích các tờ báo luôn bêu xấu ông và còn được chọn là “từ ngữ của năm 2017”. Dự báo từ các chuyên gia, người dân tại các nền kinh tế phát triển sẽ phải tiếp xúc với tin tức giả mạo nhiều hơn tin thật. Tờ Telegraph cho biết: Tin tức giả mạo đang làm gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia và có thể trong thời gian tới sẽ có những quy định gắt gao hơn với truyền thông xã hội để hạn chế, ngăn chặn tin giả.
Các mạng xã hội phổ biến như Facebook, Twitter hay Google đang bị chính phủ “sờ gáy”, để mắt nhiều hơn vì tin giả. Đức còn đe dọa phạt các trang mạng xã hội số tiên lên đến 50 triệu USD nếu không gỡ bỏ các bài viết, hình ảnh được báo cáo là giả mạo, gây thù hận trong 24 giờ.
Tuy nhiên, chưa có định nghĩa chính xác tin tức giả mạo là gì? Nó gây ra bao nhiêu vấn đề cho xã hội và cần làm gì với tin tức giả mạo đó.
Trước khi có Internet, muốn truyền tải thông tin cần rất nhiều tiền. Để xây dựng niềm tin trong dân chúng cũng ngốn vài năm.
Nhưng khi các phương tiện truyền thông xã hội trỗi dậy, phát triển mạnh mẽ đã phá vỡ nhiều ranh giới ngăn chặn các tin tức giả mạo lan truyền. Nếu trước đây, tin tức được kiểm duyệt chặt chẽ trước khi đăng tải chính thức trên phương tiện truyền thông, thì truyền thông mạng xã hội trao quyền cho bất cứ ai đều có thể tạo ra và truyền bá thông tin, đặc biệt là những người được coi là giỏi nhất trong “trò chơi” mạng xã hội.
Nổi bật là Facebook và Twitter, cho phép mọi người trao đổi thông tin với quy mô lớn hơn bao giờ hết. Trong khi các nền tảng xuất bản như WordPress lại cho phép bất cứ ai có thể tạo ra trang web một cách dễ dàng. Tóm lại, những rào cản để ngăn chặn tin tức giả mạo đã dần được gỡ bỏ.
Nga, bầu cử Mỹ và Trump trong những cáo buộc liên quan đến tin giả mạo
Ngày 18/1, ông Donald Trump “vinh danh” những người được “Giải thưởng tin tức giả” (Fake News Awards) vì đã “xuất sắc” thực hiện những cuộc “tấn công” Tổng thống trên một số cơ quan truyền thông lớn ở Mỹ.
Tờ Telegraph cho biết: Tuy những tin vịt và các câu chuyện dối trá đã có mặt trên internet nhiều năm nay – kể từ những ngày đầu tiên internet xuất hiện – nhưng các chiến dịch thông tin sai lệch có tổ chức, thường liên quan đến chính phủ đã xuất hiện, ảnh hưởng của tin giả tới nền dân chủ và xã hội cũng đã được nghiên cứu cẩn thận.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 được coi là cung cấp nơi sản sinh “đất màu” cho các tin tức giả. Tin tức viết về ông Trump cũng được chia thành các phe nhóm rõ rệt. Một số trang tin tức có quan điểm chống lại Donald Trump. Các phương tiện truyền thông chính thống thể hiện sự nghi ngờ với Trump. Và còn có xu hướng độc giả luôn tin tưởng và chia sẻ những câu chuyện phù hợp với quan điểm, niềm tin của họ bất chấp tính chính xác, khách quan.
Sự tăng trưởng của truyền thông mạng xã hội được coi là yếu tố cốt lõi cho sự lan tràn của tin giả mạo. Những nền tảng mạng xã hội như Facebook bị cáo buộc tạo ra “bong bóng lọc”, thuật ngữ chỉ xu hướng hoặc sở thích muốn tìm kiếm và sẵn sàng đồng ý với quan điểm, nội dung mà chúng ta thích chứ không phải nội dung chúng ta cần và giấu nhẹm, không đề cập đến những quan điểm mình không thích.
Các nhà phê bình nói rằng: Facebook và Twitter được xây dựng trên nền chủ nghĩa duy cảm và cảm xúc hơn là sự thật.
Các tiêu đề như “Giáo hoàng ủng hộ Trump”, “Hillary đã bán vũ khí cho ISIS”, “Nhân viên FBI bị tình nghi trong vụ rò rỉ thông tin email của Hillary được tìm thấy đã chết” lan truyền nhanh chóng trên Facebook trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử, thu được hàng nghìn lượt share (chia sẻ).
Nhưng theo Freedom House, những tin tức giả mạo đã vượt ra khỏi ranh giới nước Mỹ.
Tin giả mạo là gì?
Tin tức giả mạo có nhiều phiên bản, nhân vật chính và các động cơ khác nhau. Tin tức giả mạo không bị giới hạn ở một lĩnh vực, phạm vi mà có thể bao gồm:
- Nội dung giật gân mang tính thương mại: Những tin tức giả kiểu này thường không có cơ sở thực tế. Mục tiêu chính của những người “sáng tác” là thu hút lượng truy cập tới website để tăng thu nhập từ quảng cáo.
- Thông tin pha thật, trộn giả gây nhiễu: Mục tiêu không phải là thu nhập, kiếm tiền từ quảng cáo mà là tạo sự ảnh hưởng. Tin tức giả kiểu này có thể được tạo ra với nội dung mang tính phản ánh, dẫn lại ý kiến từ chuyên gia cho công chúng, nhưng lại nhằm chia rẽ hoặc làm ảnh hưởng đến một ứng cử viên khi đang chạy đua giành một chức vụ nào đó. Nội dung có thể được tạo ra từ các câu chuyện thật nhưng được xào xáo, cắt ghép để chúng có nét nghĩa khác hoặc những nội dung có khả năng kích động quần chúng.
- Các trang tin có tên miền hơi quen thuộc: Thông tin đưa ra dưới các trang tin có tên miền như cnn.co thoạt nhìn khiến người đọc tưởng đó là nguồn tin cậy. Nhưng thực ra, đó chỉ là các tin được chỉnh sửa theo chiều hướng có lợi cho một cá nhân, đảng phái nào đó và luôn công khai ủng hộ quan điểm chính trị nhất định.
- Tin tức trên mạng xã hội: Twitter, Facebook là môi trường dễ dàng cho các tin giả được phát tán với cấp số nhân. Nó đặc biệt nghiêm trọng khi kẻ phát tán nắm được các dữ liệu về người dùng để chọn thời điểm xuất hiện, chủ đề ăn khách với các lứa tuổi và xuất hiện tại các góc màn hình, chuyên mục mà mỗi người dùng có thói quen đọc. Bởi vậy, ngay cả khi có tin đính chính, thì cũng đã quá muộn bởi tin giả đã đi vòng quanh thế giới.
Những định nghĩa và động cơ khác nhau khiến việc xác định và đếm số tin tức giả mạo khó khăn. Như trong một số trường hợp, website mang tính thương mại đăng tin giả mạo có thể bị phản đối bằng cách không kiếm được nguồn thu từ quảng cáo, quảng cáo trên trang giảm… Nhưng điều này lại không ảnh hưởng đến các chiến dịch thông tin sai để định hướng dư luận.
Cảnh báo về các tin tức giả mạo tiềm ẩn đã được Facebook nhắc đến. Nhưng lại ít có hành động để chống lại những nội dung như thế đang tồn tại trên các trang web.
Tin tức giả mạo có ảnh hưởng đến cuộc sống không?
Rất khó để nói tin giả mạo ảnh hưởng đến đời sống như thế nào vì nó tác động theo nhiều mức độ và các kiểu khác nhau. Ban đầu CEO Facebook, Mark Zuckerberg nói rằng: Quan điểm thông tin sai lệch trên Facebook tác động, ảnh hưởng đến kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ là “ý tưởng điên rồ”. Nhưng sau đó, chính Mark cũng nghĩ lại và nói rằng rất hối tiếc vì đã đưa ra bình luận này.
Quy mô người dùng của Facebook và Twitter tương ứng là 2 tỷ 330 triệu người. Từ số giờ người dùng dành ra mỗi tuần để sử dụng và có mặt trên các mạng xã hội này cho thấy nhiều người đã tiếp xúc với các tin tức giả hoặc các chiến dịch thông tin sai lệch.

Theo một nghiên cứu từ Đại học Stanford, trong tháng bầu cử Tổng thống Mỹ, các trang tin tức giả nhận được 159 triệu lượt truy cập. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy những tin tức được chia sẻ rộng rãi nhất trong cuộc bầu cử đều là tin tức giả được tạo ra. Phần lớn là những thông tin ủng hộ ông Trump.
Có ít bằng chứng về những tin tức giả mạo tại Anh trong cuộc bỏ phiếu Brexit hoặc cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017, dù có bằng chứng cho thấy các robot mạng đã được sử dụng trong cả hai đợt này. Tuy nhiên, có sự khác biệt giữa việc tiếp cận và tạo ảnh hưởng bằng tin tức giả.
Sau cùng là một việc rất khó để đo lường và điều này đã đúng với các phương tiện truyền thông trong nhiều năm: Truyền thông đã “lái” bao nhiêu sự thật và nó phản ánh bao nhiêu sự thật?
Làm thế nào để nhận diện tin tức giả mạo?
Nhận biết tin tức giả không dễ. Facebook đã đưa ra danh sách hữu ích gồm các cách để phát hiện tin giả, bao gồm kiểm tra các nguồn khác và đường dẫn URL của một trang web.
Những tin tức mới thường được viết hay đến nỗi bạn không thể nghi ngờ, càng khiến chúng trở thành những câu chuyện tin tức hay ho, thú vị. Nhưng dù thế nào bạn vẫn nên thể hiện sự hoài nghi về mọi thứ: điều này có thể thực sự xảy ra?
Các mẹo của Facebook để phát hiện tin giả
- Hãy hoài nghi về tiêu đề: Tiêu đề của các tin tức giả mạo thường rất hấp dẫn và chứa rất nhiều chữ in hoa, dấu chấm than để thu hút người dùng truy cập. Nếu tiêu đề có thông điệp xác nhận về một điều không thể tin được, nó có thể là tin tức giả.
- Kiểm tra kỹ đường dẫn URL: Nhiều tin tức giả mạo còn có cách giả mạo nguồn tin xác thực bằng cách thực hiện những thay đổi nhỏ cho URL. Bạn có thể vào trang web để so sánh URL với các nguồn được thiết lập.
- Kiểm tra nguồn tin nhằm đảm bảo câu chuyện đến từ nguồn uy tín, đáng tin cậy. Nếu câu chuyện đó được kể trên trang web mà bạn chưa từng nghe, hãy kiểm tra mục “Giới thiệu” của website đó để tìm hiểu thêm.
- Để ý định dạng bất thường hay những lỗi ngớ ngẩn: Các trang tin giả mạo có thể sở hữu tên miền hoặc thiết kế giao diện giống với trang tin chính thống để đánh lừa người đọc. Không những thế, những bài viết lan truyền tin tức giả mạo thường có những lỗi chính tả và ngữ pháp ngớ ngẩn, lỗi hiển thị hoặc font chữ nhảy loạn, không có sự thống nhất.
- Kiểm tra hình ảnh: Các tin tức giả mạo thường chứa hình ảnh hoặc video được cắt cúp, chỉnh sửa để phục vụ cho ý đồ bóp méo sự thật. Đôi khi bức ảnh có thể được xác thực, nhưng được đưa ra khỏi bối cảnh gốc của nó. Bạn có thể tìm kiếm hình ảnh trên Google để biết hình ảnh gốc của nó là gì.
- Kiểm tra ngày tháng của tin tức: Tin tức giả mạo có thể chứa các mốc thời gian không có ý nghĩa, hoặc dữ liệu sự kiện sai/bị thay đổi hoặc không có logic về mặt thời gian.
- Kiểm tra các dẫn chứng: Kiểm tra nguồn dẫn, dẫn chứng của bài viết để xác nhận đó là tin chính xác hay không. Thiếu bằng chứng hoặc đưa chỉ dẫn thông tin từ các chuyên gia giấu tên có thể là đặc điểm nhận dạng tin tức giả mạo.
- Xem các bài viết có nội dung tương tự: Nếu không có nguồn tin tức nào khác đưa tin về câu chuyện đó, có thể nó là tin tức giả mạo.
- Tìm hiểu xem đó có phải câu nói đùa không: Đôi khi vì không có giới hạn rõ ràng cho các câu chuyện bịa đặt và lời nói đùa, chuyện chế, nên rất khó phân biệt tin tức giả mạo. Trong trường hợp này cần kiểm tra xem nguồn tin đăng tải có hay đăng nội dung giả mạo hoặc những tin rác không.
[blog type=”alt” heading=”Xem thêm bài mới nhất” heading_type=”block” /]
Theo Sống Mới/Telegraph