Khi cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine ngày một căng thẳng, cũng có một cuộc chiến khác đang âm thầm diễn ra trên mạng xã hội.
Theo báo cáo từ công ty theo dõi Internet NetBlocks, Nga đã chặn Twitter bắt đầu từ sáng ngày 26/2 (giờ địa phương). Quan sát của NetBlocks cho thấy kết nối thất bại hay bị “bóp” trên mọi nhà mạng, bao gồm Rostelecom, MTS, Beeline, MegaFon. Người Nga vẫn có thể truy cập Twitter qua VPN.
Các nhà báo đang làm việc tại Nga xác nhận điều này. Một phóng viên BBC chia sẻ kết nối bị hạn chế nghiêm trọng, vẫn gửi được tin nhắn nhưng mất thời gian chờ.
Trước đó, vào đêm 25/2, Nga thông báo chặn một phần Facebook sau khi nền tảng này xóa tài khoản của 4 tổ chức truyền thông nhà nước. Động thái được Nga miêu tả là vi phạm “quyền lợi và tự do của công dân Nga”.
Trên tài khoản chính thức, Twitter thừa nhận đang bị hạn chế với một số người dùng tại Nga và đang nỗ lực để duy trì dịch vụ.
Về phần mình, các mạng xã hội cũng đưa ra quyết định riêng trong bối cảnh chiến sự tại Nga và Ukraine tiếp tục diễn ra ác liệt. Ngày 26/2, YouTube thông báo tạm dừng tính năng kiếm tiền của một số chủ kênh người Nga, bao gồm RT. Nguyên nhân là các kênh có liên quan tới những lệnh trừng phạt gần đây của phương Tây với Nga. YouTube cũng hạn chế truy cập kênh của RT và các kênh khác tại Ukraine theo yêu cầu của chính phủ nước này.
Bộ trưởng Kỹ thuật số Ukraina ông Mykhailo Fedorov sáng ngày 26/2 viết trên Twitter rằng, ông đã liên hệ với YouTube để chặn một số kênh của Nga, đặc biệt là Russia 24, TASS và RIA Novosti.
Trước YouTube, Meta tuyên bố cấm truyền thông nhà nước Nga chạy quảng cáo và kiếm tiền trên các nền tảng của mình. Công ty sẽ tiếp tục dán nhãn lên các bài đăng của các trang này. “Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình tại Ukraine và sẽ tiếp tục chia sẻ những biện pháp đang thực hiện để bảo vệ mọi người trên nền tảng”, Nathaniel Gleicher, Giám đốc Chính sách bảo mật Meta, viết trên Twitter.
Twitter cũng tạm thời chặn quảng cáo tại Ukraine và Nga, cũng như tính năng gợi ý tweet từ những tài khoản mà người dùng không theo dõi để hạn chế nội dung sai sự thật được chia sẻ. Twitter không cho biết các biện pháp kéo dài đến khi nào. Mạng xã hội cũng hướng người dùng đến các thông tin của ban biên tập để cung cấp thêm bối cảnh về những gì đang diễn ra tại Ukraine.
Bên cạnh đó, công ty còn nỗ lực để bảo vệ các tài khoản cao cấp, bao gồm của nhà báo, nhà hoạt động, quan chức và tổ chức chính phủ, trước các nỗ lực tấn công mạng. Facebook đã bật công cụ “khóa tài khoản” cho người dùng tại Ukraine. Theo đó, khi tài khoản bị khóa, người khác không phải bạn bè của họ sẽ không thể tải về hay chia sẻ ảnh đại diện, xem bài viết trên tường.
Khi khủng hoảng leo thang, tình trạng tin giả, tin sai sự thật cũng tăng theo. Người phát ngôn YouTube cho biết đã xóa hàng trăm kênh và hàng ngàn video trong vài ngày qua.
Theo ICTNews