Theo đánh giá của TechTimes, mặc dù được Xiaomi định giá ở phân khúc tầm trung nhưng 11T Pro lại mang trong mình nhiều trang bị mà một mẫu máy cao cấp phải thèm muốn.
Không lâu sau màn ra mắt đầy cảm xúc tại Trung Quốc, Xiaomi 11T Pro đã chính thức “hạ cánh” tại Việt Nam và TechTimes đã có cơ hội sử dụng mẫu máy này trong một thời gian đủ dài để mang đến cho bạn đọc những đánh giá chi tiết nhất về mẫu máy vô cùng đặc biệt này.

Có thể nói, Xiaomi 11T Pro là một mẫu máy mang đậm đặc tính của một mẫu Xiaomi dòng T bởi vì độ thực dụng của nó. Cụ thể như thế nào, cùng tìm hiểu ngay bên dưới.
Một thiết kế cục mịch, khó gây ấn tượng với đại đa số người dùng
Từ chuẩn xác nhất để mô tả vẻ ngoài của Xiaomi 11T Pro chính là “cục mịch”. Ấn tượng đầu tiên là máy khá to, nặng và dày nếu so với các thiết bị trong cùng phân khúc. Đây vừa là điểm trừ, vừa là điểm cộng của 11T Pro.

Đầu tiên, nói về điểm cộng, vẻ ngoài to nạc của 11T Pro cho phép Xiaomi dễ dàng sắp xếp linh kiện và viên pin lên đến 5.000mAh vào bên trong. Đây là điểm đầu tiên thể hiện sự thực dụng của mẫu máy này. Tuy nhiên, đó là ưu điểm duy nhất về thiết kế của 11T Pro.
Sang với nhược điểm, nếu không phải là một người dùng chăm chăm vào khai thác công năng của thiết bị, khả năng cao thì 11T Pro sẽ khó lọt vào mắt xanh của số đông, đặc biệt là các chị em. Máy quá to và không cân đối, cân nặng cũng không lý tưởng. Điều này vô hình chung khiến sản phẩm này yếu thế hẳn so với các đối thủ về mặt thiết kế.

Nhiều người sẽ cho rằng, việc máy to nặng sẽ làm cảm giác cầm nắm trở nên chắc chắn và “đầm” hơn. Thực tế lại hoàn toàn ngược lại, cảm giác cầm 11T Pro khá trơn trượt. Máy luôn có xu hướng tuột khỏi tay người dùng, đặc biệt là đối với những người hay ra mồ hôi tay thì điều này càng dễ xảy ra. Do đó, nếu quyết định mua mẫu máy này và có một bàn tay tương đối “ướt át”, thì cần hết sức cẩn thận khi sử dụng hoặc khả dĩ nhất là nên sử dụng kèm một chiếc ốp lưng để đảm bảo an toàn.
Về chất lượng gia công, Xiaomi tạo nên 11T Pro từ một phần khung viền nhôm và 2 mặt kính. Bảo vệ cho màn hình 6,67 inch ở mặt trước là kính cường lực Gorilla Glass Victus tương đương với các mẫu máy cao cấp, mặt sau cũng được hoàn thiện từ kính nhưng là kính bóng, bám rất nhiều mồ hôi và dấu vân tay. Hơn nữa, mặt kính này cho cảm giác khá “nhựa”, không được cao cấp như các đối thủ trong cùng tầm giá.
Tuy sở hữu nhiều điểm yếu về mặt thiết kế như vậy, nhưng TechTimes xin nhấn mạnh, ưu điểm của Xiaomi 11T Pro hoàn toàn không nằm ở vẻ ngoài.
Màn hình hiển thị lại thể hiện hoàn toàn ngược lại
Trái ngược với thiết kế có phần kén người dùng, màn hình trên Xiaomi 11T Pro lại là điểm thuyết phục mọi người đến với thiết bị này.
Máy sở hữu một màn hình AMOLED 6,67 inch Full HD cho khả năng hiển thị ấn tượng trong tầm giá. Như mọi smartphone sở hữu tấm nền AMOLED khác, màn hình trên Xiaomi 11T Pro có độ tương phản vô cùng tốt, màu sắc lên tươi tắn và trong trẻo. Thiết bị này cũng hỗ trợ chuẩn HDR10 và HDR10+ cho phép hiển thị lên đến 1 tỷ màu sắc khác nhau.
Màn hình trên 11T Pro có tốc độ làm tươi lên đến 120Hz và tần số lấy mẫu là 480Hz. Ở chế độ 60Hz, thiết bị sẽ tự động điều chỉnh tần số quét ở 3 mức 60, 90 và 120Hz để phù hợp với các thao tác của người dùng. Nếu tuỳ chọn tần số quét cao 120Hz được lựa chọn thì máy lại sẽ ưu tiên thông số này ở hầu hết các trường hợp. Tuy nhiên khi hiển thị hình tĩnh hoặc kích hoạt chế độ tiết kiệm pin, máy sẽ mặc định giảm về 60Hz.
Kể từ khi khui hộp và bắt đầu sử dụng 11T Pro, TechTimes đã mặc định lựa chọn tần số quét 120Hz để tối ưu hoá trải nghiệm và có một số nhận xét như sau. Về thao tác vuốt chạm, mẫu máy này thực sự mang lại cảm giác cao cấp, các chuyển động được xử lý mượt mà, hiệu ứng đóng mở ứng dụng hầu như không có hiện tượng “khựng” hay giật lag, nếu có thì phần nhiều đều do giao diện MIUI hoạt động thiếu ổn định, điều này sẽ được nói chi tiết hơn ở phần sau của bài viết.
Nếu lo lắng việc kích hoạt chế độ 120Hz sẽ ảnh hưởng đến thời lượng sử dụng thì người dùng hoàn toàn có thể yên tâm, 11T Pro có một viên pin lên đến 5.000mAh.

Ở một số trường hợp đặc biệt, như xem video trên các nền tảng như YouTube, Netfix, Disney+… tần số quét sẽ tự động được giảm về 60Hz. Bởi lẽ, tốc độ khung hình tối đa của nội dung trên các nền tảng này hầu hết đều rơi vào khoảng 60fps.
Nhắc đến các nền tảng streaming trực tuyến thì không thể không nhắc đến Widevine. Hiểu đơn giản đây là một loạt các tiêu chuẩn được các nhà phát hành đưa ra để bảo vệ bản quyền nội dung. Chứng chỉ Widevine thuộc nền tảng DRM (Digital Rights Management) của Google được chia thành 3 mức là L3, L2 và L1, trong đó L1 là tiêu chuẩn cao nhất, những thiết bị đạt chuẩn này sẽ có thể streaming nội dung trực tuyến ở chất lượng hàng đầu.
Và đúng vậy, Xiaomi 11T Pro đạt chứng chỉ Widevine L1. Không như những hãng sản xuất khác cứ liên tục hứa hẹn về những chứng chỉ chưa từng hoặc sẽ không bao giờ tồn tại trên thiết bị của mình, Xiaomi đã bổ sung hầu như mọi chứng chỉ mà hãng đã hứa hẹn lên 11T Pro trước cả khi mẫu máy này được ra mắt.
Đi sâu một chút vào phần cài đặt màn hình, Xiaomi cung cấp cho người 4 bốn chế độ màu sắc khác nhau bao gồm Sống động (Vivid), Bão hoà (Saturated), Tiêu chuẩn (Standard) và Cài đặt nâng cao, trong đó chế độ sống động được khuyến nghị sử dụng và TechTimes cũng sử dụng chế độ màu sắc này xuyên suốt thời gian trải nghiệm. Nếu là người dùng phổ thông và không có nhiều yêu cầu chuyên nghiệp về mặt màu sắc, bạn cũng nên sử dụng chế độ này.


Ngay bên dưới 4 tuỳ chọn chế độ màu sắc, người dùng còn được cung cấp thêm một chế độ hiển thị gọi là Màu sắc thích ứng (Adaptive Colors), cơ chế hoạt động của nó gần giống như True Tone, sẽ điều khiển nhiệt độ màu của màn hình tuỳ theo điều kiện ánh sáng môi trường.

Cuối cùng trong phần màn hình cũng là các công cụ hình ảnh AI bao gồm:
- Siêu phân giải: Sẽ nâng cấp độ phân giải của video.
- Tăng cường hình ảnh: Hệ thống trí tuệ nhân tạo trên thiết bị sẽ nhận diện chủ thể trong ảnh để tối ưu hiệu ứng hiển thị.
- Tăng cường HDR: Biến video SDR thành HDR bằng hệ thống AI.
- MEMC: Thêm khung hình vào video cho chuyển động được mượt mà hơn.
Theo TechTimes, cả 4 chế độ kể trên đều không thực sự có tác động quá nhiều đến chất lượng video và người dùng có thể kích hoạt để trải nghiệm thêm. Tuy nhiên theo cảnh báo từ Xiaomi, việc kích hoạt các tính năng AI này sẽ ảnh hưởng đôi chút đến thời lượng pin.
Về màn hình, độ thực dụng của Xiaomi 11T Pro đã được đẩy lên một tầm cao mới, máy không hoa mỹ với viền màn hình siêu mỏng, camera ẩn. Chỉ đơn giản là một màn hình 6,67 inch Full HD sử dụng tấm nền AMOLED với tần số quét 120Hz và các chế độ thông minh, thiết bị này đã đủ thoả mãn hầu như mọi nhu cầu của một người dùng phổ thông.
Phần cứng và hiệu năng của một chiếc flagship thực thụ, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề
Nói về độ thực dụng, TechTimes xin cam đoan đây là phần không cần đọc review thì các “chip thủ” đều đã biết sức mạnh của Xiaomi 11T Pro là “khủng khiếp” như thế nào khi mang trong mình bộ xử lý được xem là mạnh mẽ nhất thị trường ở thời điểm hiện tại – Snapdragon 888. Tuy nhiên, nó mạnh đến mức nào?
Không có một tựa game nào có thể làm khó được 11T Pro, đây là điều hiển nhiên. Điểm gây băn khoăn ở đây chính là khả năng tận dụng hết sức mạnh của bộ xử lý Snapdragon 888 của thiết bị này. Bài test hiệu năng chuyên dụng của chuyên trang GSMArena đã chỉ ra rằng, Xiaomi 11T Pro chỉ chạy với 50% hiệu suất CPU và 75% hiệu suất GPU trong suốt quá trình stress test. Vì sao lại như vậy?
Câu trả lời đến từ nhiệt độ toả ra từ bộ xử lý này. Tuy sở hữu hệ thống tản nhiệt buồng hơi hiện đại nhất ở thời điểm hiện tại, Xiaomi vẫn quyết định “bóp” hiệu năng của con chip Snapdragon 888 để tránh hiện tượng quá nhiệt. Tuy nhiên, sau khoảng 15 phút chơi Genshin Impact, máy vẫn nóng lên khá nhanh và nhiệt độ tập trung nhiều ở vùng xung quanh cụm camera.

GSMArena cho rằng, Xiaomi có vẻ đã hơi tham lam khi cố gắng nhét một con chip cao cấp như Snapdragon 888 lên 11T Pro và TechTimes hoàn toàn đồng ý với điều này.
Snapdragon 870 có lẽ là một lựa chọn hợp lý hơn trên Xiaomi 11T Pro. Nó sẽ cho mẫu máy này một hiệu năng ổn định hơn, nhiệt độ hoạt động mát mẻ hơn và đặc biệt là thời lượng sử dụng pin sẽ còn tốt hơn nữa.
– Chuyên trang GSMArena bình luận.
Phiên bản TechTimes được trải nghiệm sở hữu 8GB RAM và 256GB bộ nhớ trong. Ngoài ra Xiaomi còn có thêm một tuỳ chọn 12GB RAM cao cấp hơn, tuy nhiên, 8GB RAM có lẽ là đã đủ đối với nhu cầu sử dụng hàng ngày rồi.
Tóm lại, về phần cứng và hiệu năng, dù Xiaomi 11T Pro sở hữu một cấu hình thuộc dạng khủng nhất trong thế giới Android ở thời điểm hiện tại, nhưng TechTimes đánh giá đây là một nước đi mang tính “khoe mẽ” nhiều hơn là hướng đến sự thực dụng.
Phần mềm và trải nghiệm người dùng
Xét về độ thực dụng, phần mềm là khía cạnh khó đánh giá nhất đối trong hơn 3 ngày trải nghiệm chiếc Xiaomi 11T Pro của TechTimes.
Máy được cài sẵn giao diện MIUI 12.5 dựa trên Android 11, tuy nhiên đã được tuỳ biến khá sâu. Việc tuỳ biến là tốt, nhưng nó là con dao 2 lưỡi và vô tình, Xiaomi lại tiếp tục quay vào ô “mất lượt” với phiên bản MIUI này.

Đầu tiên hãy nói về điểm yếu, MIUI 12.5 vẫn quá “màu mè” với quá nhiều tính năng thừa thãi mà người dùng gần như sẽ chẳng bao giờ sử dụng đến như dọn dẹp hệ thống, bảo mật… Những bổ sung này vô tình khiến giao diện của thiết bị mất đi đôi phần cao cấp và nghiêm trọng nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm người dùng.
Hầu hết các giật lag trong quá trình sử dụng 11T Pro đều xuất phát từ MIUI và đối với một mẫu máy tiệm cận phân khúc cao cấp, điều này không nên xảy ra.
Về điểm mạnh của phần mềm trên Xiaomi 11T Pro, nó còn tuỳ thuộc rất nhiều vào cách sử dụng thiết bị của người dùng. Nếu là một người ưa thích “nghịch ngợm” thì sẽ rất thích MIUI, nó cho phép chúng ta đổi theme, có một kho hình nền khổng lồ với hàng trăm lựa chọn khác nhau. Tuy nhiên, nếu là một người yêu thích sự tinh giản, giao diện của MIUI quả thực là một cơn ác mộng.
Cuối cùng, khá khó để kết luận liệu phần mềm của 11T Pro có thực sự thực dụng hay không? Nó đơn giản là quá rườm rà và nhiều tuỳ chọn, tuy nhiên lại phù hợp với một tập người dùng nhất định. Do đó TechTimes sẽ nhường lại phần đánh giá này lại cho quý bạn đọc.
Chất lượng hình ảnh tiếp tục là một điểm cộng
Đi thẳng luôn vào vấn đề, theo đánh giá của TechTimes, nếu đang tìm một mẫu máy cho ra những bức ảnh chân thực, Xiaomi 11T Pro không dành cho bạn.

Lý do cho điều này thực chất đến từ chính nội tại của thiết bị. Điểm qua một chút về cấu hình, cụm camera sau của Xiaomi 11T Pro sở hữu 3 cảm biến đi kèm với 3 ống kính. Đầu tiên là cảm biến Samsung ISOCELL HM2 độ phân giải 108MP đi kèm với ống kính góc rộng, cảm biến này được trang bị khả năng lấy nét theo pha nhưng đáng tiếc lại không có chống rung quang học.
Kế đến là ống kính siêu rộng sử dụng cảm biến Sony IMX355 8MP và không hỗ trợ lấy nét tự động.
Cuối cùng là ống kính tele/macro 5MP sử dụng cảm biến Samsung S5K5E9.
Vì tình hình dịch bệnh phức tạp và cụm camera trên Xiaomi 11T Pro có quá nhiều điểm thú vị để khai thác nên TechTimes chỉ có thể gửi đến bạn đọc một số hình ảnh được chụp từ camera chính góc rộng của thiết bị này và sẽ phân tích kỹ hơn về hệ thống camera trong một bài viết chuyên sâu hơn.






Pin là ưu điểm nổi bật nhất của Xiaomi 11T Pro
Như đã nói ở trên, Xiaomi 11T Pro sở hữu viên pin dung lượng lên đến 5.000mAh. Khi được sạc đầy, mẫu máy này có thể hoạt động trong 1,5 ngày trong điều kiện sử dụng thông thường.


Bên cạnh một thời lượng sử dụng ấn tượng, Xiaomi còn trang bị cho mẫu máy này khả năng sạc nhanh lên đến 120W và tất nhiên là tặng kèm luôn củ sạc. Theo Xiaomi, 11T Pro mất 17 phút để sạc đầy viên pin 5.000mAh. Nhưng thực tế thì mẫu máy này cần đến gần 20 phút để nạp đầy từ 1-100%, tuy nhiên đây đã là con số vô cùng ấn tượng rồi.
Xét về tính thực dụng, thì pin chắc chắn là điểm thực dụng nhất trên chiếc Xiaomi 11T Pro này. Bởi lẽ, người dùng không cần quá lo lắng về vấn đề thời lượng sử dụng lẫn thời gian sạc nữa, vì chúng đều đã được Xiaomi làm quá tốt trên mẫu máy này. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là máy sẽ nóng lên khá nhanh trong suốt quá trình sạc, do đó người dùng hoàn toàn không nên sử dụng máy để xử lý các tác vụ nặng lúc này.
Các trang bị hay ho khác cũng góp phần tạo nên một Xiaomi 11T Pro hoàn thiện
Bên cạnh những đặc điểm kể trên, Xiaomi cũng đã trang bị cho 11T Pro nhiều trang bị khác giúp hoàn thiện trải nghiệm của sản phẩm này.
Đầu tiên có thể kể đến hệ thống loa kép được tinh chỉnh bởi Harman/Kardon với âm thanh lớn và sống động, đặc biệt là khi kích hoạt Dolby Atmos. Do đó, lời khuyên của TechTimes là luôn bật Dolby Atmos để có được trải nghiệm âm thanh tốt nhất.

Kế đến, cảm biến vân tay được tích hợp vào nút nguồn ở cạnh phải cũng rất nhạy và chính xác. Do quá nhạy nên cảm biến vân tay này đôi khi mang lại cho người dùng đôi chút phiền toái vì lỡ mở khoá màn hình trong khi chỉ muốn bật sáng màn hình để xem thông báo. Nhưng theo TechTimes đánh giá, cảm biến vân tay trên Xiaomi 11T Pro vẫn là một trang bị hết sức chất lượng.
Tóm lại là
Theo đánh giá của TechTimes, Xiaomi 11T Pro là một mẫu máy đáng giá ở rất nhiều khía cạnh, có thể kể đến màn hình 6,67 inch có chất lượng tốt trong phân khúc, hiệu năng mạnh mẽ, thời lượng pin và phần mềm biết chiều chuộng những “vọc sĩ”. Tuy nhiên, nếu tìm kiếm một mẫu máy có vẻ ngoài hào nhoáng và bảnh choẹ thì người dùng nên loại ngay 11T Pro ra khỏi danh sách tiềm năng.
Tuy vẫn còn một số điểm yếu như cảm giác cầm nóng trơn trượt, giao diện MIUI rườm rà và nhiệt độ máy luôn trên mức 40 độ C khi chơi game nặng hoặc cắm sạc, Xiaomi 11T Pro vẫn sẽ tìm được chỗ đứng của nó trong mức giá khoảng 15 triệu đồng. Bên cạnh đó, với chiếc smartphone này, Xiaomi đã một lần nữa tạo nên một tiêu chuẩn mới về độ thực dụng trong phân khúc tầm trung.
Ưu điểm:
- Pin trâu.
- Hiệu năng mạnh mẽ.
- Màn hình đẹp.
- Sạc nhanh, thời lượng pin rất dài.
- Các trang bị phụ trợ hoạt động thống nhất với hệ thống.
Nhược điểm:
- Thiết kế cục mịch.
- Nhiệt độ hoạt động cao.
- Bộ xử lý bị giới hạn hiệu năng.
- Cảm giác cầm nắm trơn trượt.