Đầu năm nay, Samsung đã ra mắt bộ đôi smartphone thuộc dòng M mới (M10 và M20) với giá bán rất phải chăng cho một thiết kế đẹp và cấu hình tốt. Trong đó, Galaxy M20 nổi trội hơn và thông qua bài đánh giá hôm nay, TechTimes sẽ đưa ra những ưu nhược điểm của model này để bạn đọc có cái nhìn thực tế nhất.
Galaxy M20 có “mặt tiền” đẹp và thoáng hơn trước
Kiểu cách thiết kế của Galaxy M20 trông gần giống với các mẫu smartphone bình dân ra mắt thị trường gần đây như Honor 10 Lite và Realme U1, đều có màn hình viền mỏng và theo phong cách giọt nước (Samsung gọi là Infinity-V). Trên thực tế, loại màn hình này không mới nếu so với các mẫu máy của thương hiệu khác vì nó đã quá phổ biến vào năm 2018, nhưng lại hoàn toàn mới đối với phân khúc smartphone bình dân của Samsung vốn tôn thờ triết lý thiết kế viền trên dưới dày cộm – điển hình là dòng Galaxy J và Galaxy On trước đây.
Galaxy M20 có mặt lưng được chế tác bằng nhựa polycarbonate bóng chắc chắn và tạo cảm giác thoải mái khi cầm nắm do các góc được uốn cong, nhưng ít nhiều gì cũng để lại mồ hôi và vân tay trên máy nên các bạn nhớ dùng ốp lưng (nếu có). Bên cạnh đó, mặt sau còn có cảm biến vân tay hình bầu dục được đặt ở vị trí trung tâm của nửa phần trên, rất dễ sử dụng.
Khung bên trái của điện thoại có khay đựng thẻ SIM/microSD và nút chỉnh âm lượng ở khung bên phải, trong khi đáy máy có cổng USB Type-C, loa ngoài và cổng âm thanh 3.5 mm. Điện thoại có cân nặng 180 gram vì phải chứa viên pin lớn 5.000 mAh, nhưng không vì thế mà làm cho thân máy dày.
Nhìn chung, với màn hình Infinity-V, Samsung đã mang đến một diện mạo mới cho dòng smartphone bình dân của hãng, để người dùng phân khúc này có thể tiếp cận được với màn hình tỷ lệ cao và trải nghiệm nội dung, hình ảnh, video thoải mái nhất.
Màn hình của Galaxy M20 sử dụng tấm nền PLS TFT 6.3 inch với độ phân giải FHD+ (2.340 x 1.080 pixel). Trong đó PLS (Plane Line Switching) là thiết kế màn hình độc quyền của Samsung, tương tự như công nghệ IPS (In-Plane Switching). Còn thuật ngữ TFT cũng là một nhánh của LCD nhưng khá cũ.
Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế cho thấy màn hình của Galaxy M20 có góc nhìn và màu sắc hiển thị tốt, thậm chí việc xem hình ảnh, video ngoài trời nắng cũng không phải là vấn đề. Tốt thì có tốt nhưng về cơ bản thì không thể đem ra so sánh với màn hình AMOLED có màu đen sâu và màu sắc bão hòa cao.
Hiệu năng đủ xài
Galaxy M20 dùng chip 8 nhân mới của Samsung với tên gọi Exynos 7904 kết hợp với RAM 3 GB và bộ nhớ trong 32 GB. Con chip này được AnTuTu đánh giá có điểm số hiệu năng rơi vào khoảng trên dưới 100.000 điểm, như vậy Galaxy M20 có hiệu năng tương đương với các thiết bị di động khác trên thị trường dùng chip Snapdragon 636 của Qualcomm.
Trải nghiệm thực tế cho thấy điện thoại có thể đáp ứng tốt các nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dùng, bao gồm vận hành ứng dụng và chơi game (chỉ ở mức trung bình – khá). Quá trình chuyển đổi giữa các ứng dụng cũng mượt mà trừ khi bạn vô tình chạy nền 20 ứng dụng cùng lúc thì mới xuất hiện hiện tượng giật lag.
Giao diện cao cấp, mượt mà
Samsung đã cải tiến giao diện người dùng trên thiết bị Galaxy của mình trong những năm qua và Experience 9.5 trên Galaxy M20 chính là minh chứng – dù chưa phải là phiên bản mới nhất (One UI). Experience 9.5 có khả năng tùy biến cao và cho phép người dùng cá nhân hóa giao diện theo ý muốn. Chẳng hạn, bạn có thể đổi icon khác, thậm chí là có thể tùy chỉnh kích thước biểu tượng và kích thước lưới ứng dụng, v.v…
Giao diện người dùng tương tự như trên điện thoại cao cấp của Samsung, chẳng hạn như bạn có thể vuốt lên/xuống màn hình để truy cập/thoát menu ứng dụng. Các thao tác khi trải nghiệm giao diện cũng luôn mượt mà và không có độ trễ.
Samsung tiếp tục đưa một số ứng dụng mà phần đông người dùng bình thường không cần đến như Dailyhunt và một bộ ứng dụng của Samsung, Microsoft và Google. Tuy nhiên, trong số này không phải ứng dụng nào cũng có thể gỡ cài đặt. Chẳng hạn, bộ ứng dụng của Microsoft không thể gỡ được, nhưng bạn có thể vô hiệu hóa chúng. Ngoài ra, có một số ứng dụng Samsung hữu ích như Samsung Max, giúp bạn lưu và kiểm soát dữ liệu di động, Radio và hơn thế nữa.
Nếu bạn là một fan sử dụng điện thoại Samsung lâu năm thì sẽ thích thú với tính năng khóa màn hình mới trên Galaxy M20. Theo đó, tính năng này sẽ hiển thị các bài viết dựa trên chủ đề trên màn hình khóa. Samsung đã hợp tác với Glance để cung cấp nguồn tin từ các tờ báo điện tử lớn khác nhau. Dĩ nhiên, bạn có thể tắt tính năng này.
Galaxy M20 cũng hỗ trợ tính năng Dual Messenger, cho phép bạn sử dụng hai tài khoản riêng biệt trên cùng một ứng dụng, chẳng hạn như đăng nhập được hai tài khoản Facebook, Zalo,… Bên cạnh đó, Galaxy M20 còn hỗ trợ cả hai khay cắm thẻ SIM và thêm một khay cắm microSD riêng biệt.
Mặt dù là chiếc smartphone đời 2019 nhưng Galaxy M20 chỉ được cài sẵn Android 8.1 Oreo khi bán ra thay vì Android 9 Pie với giao diện One UI mới của Samsung.
Hỗ trợ trải nghiệm đa phương tiện “tới bến”
Thấy người dùng tỏ ra thất vọng khi điện thoại có cấu hình cao cấp như POCO F1 lại thiếu công nghệ Widevine L1, Samsung quyết định tích hợp DRM (Digital Rights Management – quản lý bản quyền số) cho Galaxy M20 dù đây chỉ là dòng máy bình dân với cấu hình thua xa sản phẩm vừa nêu của Xiaomi. Nhờ vậy, người dùng Galaxy M20 có thể thỏa thích xem các bộ phim trực tuyến trên Netflix và Amazon Prime ở chế độ Full HD.
Một điểm cộng nữa trên Galaxy M20 chính là được hỗ trợ âm thanh Dolby Atmos. Mỗi khi bạn xem nội dung có âm thanh đa kênh hãy sử dụng tai nghe để thưởng thức chất lượng âm thanh tuyệt vời nhất.
Chưa hết, Galaxy M20 còn có codec aptX giúp bạn nghe nhạc qua tai nghe Bluetooth (hỗ trợ aptX) với chất lượng cao, không ngắt quãng. Máy chỉ có một loa ngoài nhưng âm thanh phát ra đủ lớn và rõ ràng.
Cuối cùng, Galaxy M20 hỗ trợ thẻ nhớ microSD tối đa 512 GB để lưu trữ nội dung đa phương tiện “tẹt ga”.
Thời lượng dùng pin ấn tượng
Một trong những điểm đáng nói nhất trên Galaxy M20 chính là dung lượng pin 5.000 mAh. Sử dụng thực tế cho thấy máy có thể trụ được hết một ngày ở cường độ vừa phải. Trong trường hợp bạn sử dụng liên tục các ứng dụng mạng xã hội, email,… cùng lúc thì máy hoạt động đến 8 giờ, còn xem video được 20 giờ. Nói chung tùy thuộc vào cách sử dụng của mỗi người mà thời lượng dùng pin sẽ có chênh lệch ít nhiều.
Galaxy M20 không chỉ có pin “khủng” mà còn hỗ trợ sạc nhanh qua cổng USB-C và chỉ mất khoảng 2 giờ 15 phút để được sạc đầy pin từ mức 0% – 100% thông qua bộ sạc được cung cấp sẵn trong hộp bán lẻ.
Chụp ảnh góc rộng lý tưởng với camera kép
Galaxy M20 được trang bị camera kép sau 13 MP với khẩu độ f/1.9 và 5 MP góc siêu rộng 120 độ, rất phù hợp để chụp các tòa nhà lớn hơn hoặc một nhóm đông người trong một khung hình duy nhất.
Thử nghiệm thực tế, khi chụp ảnh ở điều kiện ánh sáng xung quanh đầy đủ, Galaxy M20 có thể xuất ra những bức ảnh đẹp và khá chi tiết. Tuy nhiên, khả năng cân bằng trắng của máy chưa được ổn, hình ảnh đôi khi có màu sắc quá mức tạo cảm giác không tự nhiên.
Một số ảnh chụp thực tế từ camera của Galaxy M20:
Về phần camera selfie trên Galaxy M20 có độ phân giải 8 MP, khẩu độ f/2.0, hỗ trợ chụp ảnh HDR và quay video 1080p ở tốc độ 30fps.
Tóm lại
Galaxy M20 là chiếc smartphone trong tầm giá dưới 5 triệu đồng đáng mua nhất hiện nay của Samsung, không chỉ “lột xác” theo xu hướng thiết kế mới Infinity-V mà cấu hình phần cứng đi kèm cũng đủ xài chứ không thiếu trước hụt sau như các mẫu máy bình dân trước đây của hãng.
Ưu điểm:
- Thiết kế đẹp, màn hình Infinity-V hiển thị tốt
- Pin "trâu", hỗ trợ sạc nhanh 15W
- Dùng cổng USB-C
Nhược điểm:
- Camera chụp đêm chưa tốt
- Chạy phiên bản Android cũ
-
Thiết kế
-
Màn hình
-
Hệ điều hành, tính năng
-
Hiệu năng
-
Pin