Đội ngũ nhân viên phát triển Internet vệ tinh của Facebook đã về dưới trướng Amazon vào tháng 4 năm nay.
Theo The Information, Amazon đã trả cho Facebook một khoản tiền để mua lại đội ngũ nhân viên phát triển kết nối Internet từ các vệ tinh quỹ đạo thấp.
Động thái này cũng chấm dứt nỗ lực của Facebook trong việc cung cấp kết nối băng thông rộng đến các vùng nông thôn, nơi thiếu hoặc không có Internet. Facebook trước đây đã cố gắng sử dụng máy bay không người lái Internet để đạt được mục đích tương tự, trước khi đóng dự án vào năm 2018.

Trong khi đó, Amazon đã có tham vọng cung cấp Internet qua vệ tinh vào năm 2019. Theo dự kiến, công ty sẽ đầu tư 10 tỷ USD để phóng 3236 vệ tinh vào quỹ đạo thấp trong năm 2029, với mục đích cung cấp Internet cho “các nơi chưa có Internet trên khắp thế giới.”
Amazon đã được FCC phê duyệt để vận hành mạng vào năm 2020 và sẽ phóng một nửa số vệ tinh của công ty vào năm 2026. Theo thông tin, Amazon đang xây dựng một phòng thí nghiệm ở Redmond, WA và hiện có khoảng 500 nhân viên đang làm việc trong dự án Internet vệ tinh này.
Cuối năm 2020, Amazon đã tiết lộ thiết kế của các ăng-ten mà khách hàng sẽ sử dụng để nhận Internet từ dịch vụ Internet vệ tinh của công ty. Tuy nhiên, Amazon vẫn chưa phóng bất kỳ vệ tinh nào vào không gian. Vào tháng 4 vừa qua, Amazon xác nhận đã ký một thỏa thuận với nhà điều hành tên lửa United Launch Alliance (ULA) cho 9 vụ phóng.
Amazon là một trong số ít các công ty công nghệ đang cố gắng sử dụng vệ tinh để cung cấp kết nối Internet ở những nơi mà việc lắp đặt cơ sở hạ tầng Internet cố định sẽ rất tốn kém. Bên cạnh đó, SpaceX cũng có kế hoạch phóng gần 12 nghìn vệ tinh lên quỹ đạo. Công ty đã cung cấp dịch vụ Starlink dưới dạng bản beta cho một số lượng người dùng hạn chế.
Ngoài ra, OneWeb cũng đầu tư vào lĩnh vực này, tuy nhiên công ty đã gặp khó khăn về tài chính vào năm ngoái khi buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.